(Baonghean.vn) - Những năm gần đây, nhiều mô hình sản xuất rau an toàn (RAT) được triển khai tại một số địa phương. Tuy nhiên, việc nhân ra diện rộng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

TP Vinh có  8 xã có đất chuyên trồng rau, sau bao nỗ lực, đầu tư,  mới chỉ có rau ở Nghi Ân được cấp giấy chứng nhận rau an toàn VietGAP. Tuy nhiên, ngay tại đây, trong vấn đề sản xuất RAT vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập. Ông Phan Văn Sơn, xóm 8 Kim Bình, xã Nghi Ân có hơn 1 sào đất trồng và chăm sóc theo phương thức RAT, chia sẻ: “Tiêu thụ vẫn còn khó khăn. Gia đình tự đưa lên chợ Vinh, chợ Nghi Phú, chợ Cọi bán, nhưng giá không khác gì rau được sản xuất bình thường, thậm chí có khi còn khó bán hơn vì không đẹp bằng”.

Sản xuất au trong nhà lưới tại xã Hưng Đông, TP Vinh
Sản xuất rau trong nhà lưới tại xã Hưng Đông, TP Vinh.

Toàn xã Nghi Ân có gần 30 ha trồng rau, trong đó có khoảng 5 ha RAT ở hai xóm Kim Bình và Kim Trung. Trong hai năm 2013 và 2014, một phần sản phẩm RAT được các Công ty Phú Tứ, Á Châu bao tiêu sản phẩm. Còn hiện nay, bà con hoàn toàn phải tự đem đi bán ở các chợ.

Hiện xã Hưng Đông (TP Vinh) có 46,5 ha trồng rau. Tại vùng rau này, thành phố đã hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng đường điện, bể chứa nước tưới, cùng nông dân đầu tư xây dựng 5 ha diện tích nhà lưới, tập huấn KHKT cho người dân, tuy nhiên đến nay Hưng Đông vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận rau an toàn VietGAP. 

Thu hoạch rau ơt vùng trồng an toàn trong nhà lưới.

An toàn VSTP trong rau xanh đang thực sự trở thành vấn đề quan tâm của toàn xã hội. Những năm qua có nhiều đơn vị, tổ chức hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất RAT như trạm khuyến nông các địa phương,  Sở KHCN, tổ chức JICA (Nhật bản)... Nhiều mô hình đã thành công như mô hình 10 ha RAT ở Diễn Thành (Diễn Châu), Nghi Ân (TP Vinh), hay năm 2014 tổ chức JICA đã triển khai 4 điểm sản xuất rau GAP ở Nghi Liên, Nghi Ân (TP Vinh), Hưng Phú (Hưng Nguyên) và Vân Diên (Nam Đàn)...

Chăm sóc rau trong nhà lưới.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập cần được tháo gỡ. Sản xuất chủ yếu còn phân tán, canh tác theo kỹ thuật truyền thống; quy trình sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu của quy trình, việc tổ chức quản lý, giám sát, xác nhận triển khai còn chậm và thiếu đồng bộ; tổ chức liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.

Thực tế cho thấy, với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân có thể đảm bảo sản xuất theo đúng quy trình, nhưng yếu nhất vẫn là khâu trung gian hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.

                                                            Phú Hương

TIN LIÊN QUAN