Các quầy, ốt vắng khách
Từ trước Rằm tháng Bảy, nhiều doanh nghiệp đã dựng các ki-ốt, quầy, sạp bày bán bánh Trung thu của các hãng lớn tại các ngã ba, ngã tư, chung cư, siêu thị trên địa bàn thành phố Vinh. Tuy nhiên, sức tiêu thụ bánh Trung thu năm nay được đánh giá là “chậm và yếu”.
“Ba tuần nay thi thoảng có khách đến hỏi, xem bánh và mua ăn thử, mỗi ngày chỉ bán được vài chiếc, tập trung ở dòng bánh bình dân. Còn các loại bánh cao cấp, bánh theo dạng hộp quà tặng rất ít người hỏi mua...’, nhân viên một quầy bánh ở thành phố Vinh cho biết.
Đối với thị trường các huyện, như một chủ ki-ốt tạp hóa ở thị trấn Dùng (Thanh Chương) cho hay: “Năm nay cửa hàng chủ yếu lấy bánh của các hãng bánh kẹo có tiếng với lượng vừa phải (khoảng vài trăm chiếc) chứ không dám trữ hàng nhiều, cũng không dám lấy hàng không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, dù giá bánh loại này rẻ (khoảng 6.000 đồng -15.000 đồng/chiếc). Bởi tâm lý của người tiêu dùng hiện nay là thà mua ít chứ không ham rẻ”.
Hiện nay, trên thị trường, giá bánh Trung thu các loại bánh dẻo, bánh nướng của các hãng bánh kẹo đã có thương hiệu giá dao động từ 45.000 đồng - 80.000 đồng/chiếc (tùy trọng lượng, loại nhân); có những loại cao cấp như: dăm bông đùi gà sốt X.O; nhân bào ngư, vi cá yến sào… đựng trong hộp gỗ, hộp sắt gắn nhạc có giá từ 500.000 đồng đến trên 4 triệu đồng/hộp (4 cái).
Bên cạnh đó, nhiều hãng cũng tung ra thị trường các loại bánh dành cho đối tượng ăn kiêng như: bánh không đường, bánh trà xanh, bánh tinh than tre, bánh rau củ… Đặc biệt, năm nay, loại bánh nhân trứng muối tự chảy với quảng cáo là “hàng nội địa Trung Quốc” nhưng không có tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ hiện được bày bán khá nhiều trên thị trường.
Hiện trên địa bàn thành phố Vinh có rất nhiều cá thể kinh doanh bánh Trung thu tự làm theo hình thức online bằng trang facebook, Zalo cá nhân. Các công đoạn làm bánh được livestream công khai trên mạng; các đơn đặt hàng, phản hồi của khách thường xuyên được cập nhật nhằm quảng cáo và tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Chị Phan Hoàng Hải, một người tiêu dùng cho biết: “Trung thu hàng năm tôi thường mua bánh làm quà biếu, mua về tổ chức phá cỗ cho con, cháu trong gia đình với số lượng khoảng 20 chiếc. Tôi đặt mua bánh tự làm để phù hợp với sở thích của từng đối tượng, cũng yên tâm hơn về chất lượng vì không sử dụng chất bảo quản, nguyên liệu có chọn lọc”.
Tuy nhiên, sự yên tâm đó chỉ dựa vào niềm tin khi người bán là chỗ quen thân, vào uy tín được “truyền miệng” chứ không hề có căn cứ nào… Bởi chất lượng các loại bánh Trung thu tự làm dựa vào cái "tâm" của người làm khi nguyên liệu đầu vào không được kiểm duyệt; quy trình làm bánh không được kiểm soát và thành phần của bánh không được công bố; nhãn, mác, ngày sản xuất, hạn sử dụng đều do người làm tự “định liệu”.
Chưa kể, một số cá nhân vì lợi nhuận nên "quảng cáo một đằng, bán một nẻo", giới thiệu là tự làm nhưng lại mua hàng kém chất lượng về thay đổi tem nhãn, bao bì và bán cho người tiêu dùng.
“Cục Quản lý thị trường giao cho các đội thực hiện thanh, kiểm tra việc vận chuyển, sản xuất, kinh doanh các nguyên liệu làm bánh; các cơ sở sản xuất bánh Trung thu. Bước đầu đã thu giữ một số nguyên liệu, tiêu hủy một số bánh kẹo không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm. Riêng đối với các hộ sản xuất bánh Trung thu tự làm, kinh doanh bánh Trung thu trên mạng xã hội khá khó khăn, bởi đó là các hộ nhỏ lẻ, không đăng ký kinh doanh…” - Ông Nguyễn Văn Hường - Phó Cục trưởng Cục QLTT Nghệ An cho biết thêm.