(Baonghean) - Thời điểm này, trên các bãi mía xã Thành Sơn (Anh Sơn), nhiều diện tích mía mới đang được chăm sóc. Tuy nhiên nếu so với mọi năm thì mía trồng mới tại các chân ruộng không đều, kém hơn mọi năm. Chị Nguyễn Thị Huê- xóm 5 Thành Sơn, bộc bạch: Nhà tui trồng 1 sào mía, năm nay mía thu hoạch bị rầy hết nên không có ngọn mà lưu gốc. Trồng mới mía rất khó lên, phải bỏ ngọn nhiều, dày mới ăn chắc". Nhiều người dân cho biết, do không lưu gốc nên để phục vụ trồng mới, nhiều nhà phải xuống tận những xóm có chất lượng mía khá hơn để mua ngọn, giá ngọn đắt hơn mía thịt, trên 1,3 triệu/ 1 tấn ngọn giống.
Ông Bùi Hữu Chung- cán bộ nông vụ xã Thành Sơn, cho biết: Đến nay công ty đã thu mua mía hết cho bà con trong xã. Vụ thu hoạch này, xã có 112 ha mía kinh doanh nhưng khả năng lưu gốc chỉ đạt trên 37 ha. Để triển khai trồng mới, nông vụ của nhà máy và cán bộ nông nghiệp xã kiểm tra cụ thể, diện tích mía bà con đã trồng, triển khai dặm đủ mật độ. Bên cạnh đó, hướng dẫn bà con quy trình chăm bón, chăm sóc và phòng trừ bệnh hại mía, gắn liền với việc tăng cường đầu tư tăng lượt hơn các niên vụ trước.
Theo kế hoạch, nhà máy mía đường Sông Lam bắt đầu chỉ đạo bà con trồng mía cho niên vụ mới ngay từ đầu tháng 12 năm trước và kết thúc vào đầu tháng 2 năm nay. Song đến thời điểm vào cuối tháng 4, vẫn chưa khép kín diện tích trồng mới. Ông Trần Trọng Nhị- Trưởng phòng nông vụ Công ty CP mía đường Sông Lam cho biết: Hiện nay, nhà máy triển khai trồng trên 1.500 ha mía đứng nhưng chỉ đi vào thu hoạch được 1.400 ha, sản lượng mía đạt 7.8000 tấn, năng suất đạt thấp, 55 tấn/ha, tỷ lệ mía/đường hao phí mất 1/4 so với các niên vụ trước, kéo theo chất lượng mía chỉ đạt 75% KH. Nguyên nhân do giai đoạn đầu, số mía chặt ra lưu gốc gặp rét, rầy nên trồng không lên, nông dân phá trồng lại, kết quả là nhiều vùng như Thọ Sơn phải trồng đến 180 ha/120 ha KH, Bình Sơn trồng 105 ha/50 ha KH... Bên cạnh đó, nhiều diện tích mía trồng mới do bị ngâm trong nước mưa nhiều nên không phát triển được, hay một số vùng nguyên liệu như Bãi Phủ, Thọ Sơn, Bình Sơn, Hùng Sơn triển khai trồng mía quá chậm... Những khó khăn này đều ảnh hưởng trực tiếp đến quy trình trồng và chăm sóc mía cho niên vụ mới của bà con vùng nguyên liệu.
Trong hoàn cảnh đó, cũng theo ông Nhị, để đảm bảo KH trồng mới, nhà máy xác định phương châm là vận động bà con tuyển chọn lấy giống trồng. Các xã như Hoa Sơn, Đỉnh Sơn, Thọ Sơn, Thành Sơn kiểm tra lại toàn bộ diện tích đã trồng để dắm dặm, tránh tình trạng không đều về mật độ gây khó khăn trong chăm bón, ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất mía đại trà về sau.
Chị Nguyễn Thị Huê, xóm 5 Thành Sơn cho rằng"trồng mía vụ này khổ từ đầu vụ vì không có giống, giờ cộng thêm tiền đầu tư đạm, phân, nhiều diện tích mía lên xấu phải bón đạm nhiều hơn nên cả công và vốn đều rất tốn kém". Đây cũng là một khó khăn chung hiện nay của người trồng mía ở vùng nguyên liệu Công ty CP mía đường Sông Lam.
Khó khăn trong trồng mía vụ mới ở Anh Sơn
Lương Mai