Chiều 2/7, Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, tiếp tục diễn ra dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ tại điểm cầu Hà Nội.
nqh0650819218043_272020.jpgToàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Tại điểm cầu Nghệ An, các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị. Ảnh: Thành Duy

Hội nghị tiếp tục nghe Bộ trưởng các Bộ: NN&PTNT, Công Thương, Công an; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, những nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, đồng thời trả lời ý kiến của các tỉnh, thành.

Các đồng chí: Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Văn Giàu - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng đã phát biểu ghi nhận công tác lãnh đạo, điều hành của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu kép trong thời gian qua, đồng thời đề nghị một số nội dung đến Chính phủ.

Các Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đã phát biểu đề nghị các địa phương thực hiện tốt các nội dung như: đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư công, ODA, thực hiện quy hoạch vùng;…

Sau một ngày làm việc, kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải tiếp tục theo dõi để đề phòng nguy cơ dịch bệnh, đồng thời nắm bắt cơ hội để từ đó Chính phủ có đối sách đúng, kịp thời hơn trên tinh thần “vừa phòng thủ chống dịch Covid -19, vừa tấn công trên mặt trận kinh tế”. Nếu chủ quan khía cạnh nào đều là không thành công. Với quan điểm đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có kịch bản tăng trưởng quý III, IV/2020 cụ thể. 

“Tinh thần là khó khăn gấp đôi, ta phấn đấu gấp ba, không chùn bước, không bàn lùi”, Thủ tướng chỉ rõ và nhấn mạnh, cả nước chung sức đồng lòng để xây dựng đất nước. Các ngành, các cấp phối hợp chặt chẽ, hoạt động hiệu quả và có biện pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn. Từng bộ, từng địa phương thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác để thường xuyên rà soát, tháo gỡ, đôn đốc, nhất là tháo gỡ về đầu tư công và những vướng mắc về thể chế, chính sách hiện nay.

Trước lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các địa phương, người đứng đầu Chính phủ đã đưa ra một số định hướng chủ đạo. Trước hết là kiên quyết không để dịch Covid -19 quay lại, đây là điều kiện tiên quyết để phục hồi, phát triển kinh tế bền vững.

Bên cạnh đó để phục hồi, phát triển nền kinh tế cần ưu tiên các giải pháp phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, thu nhập; điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ chủ động hơn, linh hoạt, hiệu quả hơn, kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phù hợp, đồng thời duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới 4%, bảo đảm những cân đối lớn của nền kinh tế, củng cố niềm tin nhà đầu tư nước ngoài. 

Thủ tướng cũng yêu cầu hỗ trợ hiệu quả mọi thành phần doanh nghiệp, mọi thành phần kinh tế; có cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp để kích thích mạnh mẽ những động lực chủ yếu tăng trưởng của nền kinh tế; phải phát huy được sức bật, năng động, sức sáng tạo của kinh tế tư nhân, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, làng nghề.

Cùng với đó, các vùng trọng điểm, đô thị lớn phải là đầu tàu. Các cấp, ngành đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; chú trọng các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân; tiếp tục thực hiện phòng chống tham nhũng, lãng phí; đảm bảo quốc phòng, an ninh, tăng cường đối ngoại; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, gắn với phục vụ tổ chức tốt đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Trên cơ sở đó, Thủ tướng đã nêu lên các nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm và giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, các địa phương.

Đặc biệt là phải thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hệ thống ngân hàng cần tiếp tục chia sẻ với doanh nghiệp; công nghiệp xây dựng và các công trình trọng điểm cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ; tiếp tục quảng bá, phát triển du lịch với quan điểm “giảm giá nhưng không giảm chất lượng”; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và môi trường đầu tư; tiếp tục đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước…

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nói chủ trương một, tôi đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, Bí thư, Chủ tịch phải có biện pháp mười”, Thủ tướng nhắn nhủ khi kết thúc hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ: Cần có chính sách, giải pháp đặc biệt trong trạng thái bình thường mới

(Baonghean.vn) - Dự báo tình hình thời gian tới còn khó khăn, do đó để bước vào trạng thái bình thường mới hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu phải có cơ chế, chính sách, giải pháp đặc biệt để thực hiện mục tiêu kép là không để Covid - 19 quay trở lại; đồng thời phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo đời sống nhân dân.