Hàng loạt tàu cá của xã Quỳnh Lập neo bờ trong thời điểm tối trăng, bởi bà con ngư dân cho rằng, đi sợ thua lỗ. Ảnh: Quang An Đến xã Quỳnh Lập của thị xã Hoàng Mai, thời điểm này ngồi đâu cũng nghe bà con ngư dân than vãn trước sự thua lỗ sau mỗi chuyến biển, chuyện ngư dân bán tháo tàu cá.
Ngư dân Lê Bá Thật ở thôn Tân Hải không giấu được nỗi buồn sau khi bán con tàu đã gắn bó với mình 3 năm nay, cho biết: Gắn bó với nghề biển từ lúc trưởng thành, trải qua nhiều thăng trầm với nghề để phát triển kinh tế gia đình, nhưng chưa khi nào nghề biển gặp khó khăn như lúc này. Đó là giá dầu tăng quá cao,
lao động nghề biển ngày càng khan hiếm, buộc phải trả tiền công với mức giá cao, trong khi nguồn lợi thủy sản ngày càng kém. Do vậy từ đầu năm đến nay, chuyến biển nào đối với tàu cá của ông cũng rơi vào cảnh thua lỗ.
Không thể trụ được với nghề biển nữa, buộc ngư dân Lê Bá Thật phải bán đi con tàu cá mua lại cách đây 3 năm trị giá hơn 2 tỷ đồng, nhưng chỉ bán được với 800 triệu đồng.
Rẻ cũng phải bán, bởi nếu tiếp tục "ôm" con tàu thì càng thua lỗ, vì không thuê được lao động, mà có đi cũng thu không đủ chi, trong khi đó nếu neo tàu nằm bờ dài ngày cũng hư hỏng, xuống cấp, khi đó bán không ai mua.
Từ đầu năm tới nay, hàng chục ngư dân xã Quỳnh Lập đã phải ngậm ngùi bán tàu cá. Ảnh: Xuân Hoàng "Tàu cá bán rồi, không có nghề cầm tay, nên những ngày này ai thuê gì làm nấy để lấy tiền trang trải cuộc sống. Nhiều lúc nghĩ cũng nhớ nghề, nhớ biển đã gắn bó với mình từ hàng chục năm trước, nhưng đành phải chấp nhận, bởi giữ tàu ngày nào thua lỗ ngày đó", lão ngư Lê Bá Thật cho hay.
Chuyện
ngư dânxã Quỳnh Lập bán tàu cá chỉ trong thời gian ngắn vừa qua không chỉ có mình ông Thật mà rơi vào nhiều chủ tàu khác, như Nguyễn Văn Vương, Đậu Đình Khánh, Lê Bá Hường... Ông Lê Bá Kỷ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Quỳnh Lập cho biết: Tình trạng ngư dân trên địa bàn xã bán tàu cá trước đây là do tàu cũ nát, còn số tàu cá vừa bán từ đầu năm đến nay đều đang hoạt động bình thường, có những con tàu trị giá 3 - 4 tỷ đồng mà ngư dân vẫn chấp nhận bán rẻ. Theo danh sách mà ông Kỷ nắm bắt là đã có 8 chiếc tàu cá công suất trên 90 CV trên địa bàn xã phải bán đi trong vòng 2 tháng nay. Hiện vẫn còn 2 chiếc tàu cá trị giá trên 4 tỷ đồng của ngư dân trong xã đang neo đậu tại cảng để rao bán nhưng chưa có khách mua, bởi giá dầu đang cao nên ngư dân không mặn mà với nghề biển.
Hiện chính quyền địa phương đang vận động một số chủ tàu thuê lao động có trình độ, kinh nghiệm đánh bắt để duy trì khoảng 130 tàu ổn định lao động. Thời điểm cao nhất vào năm 2020 là 161 chiếc.
Nguyên nhân bà con ngư dân bán tháo tàu cá là do khó khăn chồng chất, hoạt động đánh bắt không hiệu quả. Bởi giá dầu tăng lên 30 - 40% so với trong năm 2021, trong khi lao động nghề biển khan hiếm, ngư trường khó khăn.
Cảnh đìu hiu nơi bến cá Quỳnh Lập. Ảnh: Quang An "Một lao động nghề biển bây giờ chủ tàu phải trả 9 triệu đồng/tháng, trong khi đó chi phí cho mỗi chuyến biển tăng hàng chục triệu đồng, ngược lại sản lượng hải sản đánh bắt lại không tăng... thì chủ tàu khó trụ được. Tuy nhiên, chính quyền địa phương và Hội Nông dân xã động viên bà con cố gắng giữ tàu để địa phương duy trì nghề với số lượng tàu 130 chiếc trên 15m đánh bắt xa bờ có hiệu quả, bằng cách thuê lao động có tay nghề, kinh nghiệm. Trước đây đã có thời điểm khó khăn, nhiều ngư dân bán tàu, nhưng khi nghề biển làm ăn được thì không còn phương tiện để làm nghề", ông Lê Bá Kỷ chia sẻ.
Tìm hiểu được biết, một số ngư dân ở huyện Quỳnh Lưu thời điểm vừa qua cũng đã bán tàu cá, do đánh bắt thua lỗ, nhưng số lượng ít, chứ không nhiều như ở xã Quỳnh Lập.
Trong bối cảnh giá nhiên liệu đang tăng cao và nhiều khó khăn khác ảnh hưởng lớn đến nghề đánh bắt trên biển của ngư dân, để duy trì được nghề truyền thống, không còn cách nào khác là bà con ngư dân cần có những giải pháp giảm chi phí, khắc phục những khó khăn trước mắt để tăng hiệu quả đánh bắt, nhằm giữ cái "cần câu" để mưu sinh cuộc sống và góp phần giữ gìn biển đảo Tổ quốc.