Truyền thống hào hùng
Theo tư liệu lịch sử, xưa kia làng Phù Long và Phù Xá có tên gọi chung là Phù Long, thuộc tổng Phù Long (phủ Hưng Nguyên). Qua nhiều lần thay đổi tên gọi, sau Cách mạng Tháng Tám 1945 được chia tách thành 2 xã là Hưng Long và Hưng Xá. Đến năm 2019, hai xã được sáp nhập thành Long Xá. Dù chia tách hay sáp nhập thì vẫn có chung một mạch nguồn lịch sử và điều kiện làm ăn, sinh sống.
Về Long Xá, chúng tôi muốn tìm gặp những bậc lão thành cách mạng nhưng hầu hết đã về với “thế giới người hiền”. May mắn là những người đi sau đã kịp sưu tầm, ghi chép thành nguồn tư liệu để lại cho hậu thế muôn đời. Theo nguồn sử liệu của 2 xã Hưng Long và Hưng Xá cũ (nay là xã Long Xá), đất Phù Long xưa là nơi “ươm mầm” những hạt nhân của phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Ngay từ thời thực dân Pháp đặt chân đến xâm lược Việt Nam, nhiều con em của xã Phù Long đã tham gia phong trào Văn Thân, Cần Vương đánh đuổi kẻ thù. Đến phong trào Đông Du và Duy Tân, vùng quê này cũng có nhiều người hưởng ứng, xuất dương sang Thái Lan cùng Đặng Thúc Hứa xây dựng Trại Cày. Đây cũng là điểm gặp gỡ, liên lạc của các bậc tiền bối như Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Phong, Lê Thiết Hùng… trước khi xuất dương hoạt động cách mạng.
Có thể nói, Phù Long là mảnh đất phì nhiêu để sớm nảy mầm phong trào đấu tranh cách mạng. Khoảng tháng 4/1930, Xứ ủy Trung Kỳ cử đồng chí Tôn Gia Vinh về bắt liên lạc với Lê Xuân Đào - một đảng viênTân Việt ở làng Phù Xá để thành lập Chi bộ Cộng sản. Từ đó, phong trào đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam càng ăn sâu, bén rễ và phát triển trên miền quê ven sông Lam.
Trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, người dân Phù Long vùng lên mạnh mẽ, ngày 12/9/1930 hàng nghìn người tham gia cuộc biểu tình ở Thái Lão. Bị thực dân Pháp ném bom, 217 người bị chết, riêng làng Phù Xá có tới 31 người. Trong cuộc Tổng khởi nghĩa mùa Thu Tháng Tám, ngày 19/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, người dân các thôn, xóm rầm rập kéo đến điểm tập trung, cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới. Đoàn biểu tình của xã Phù Long hòa vào dòng người đến từ các tổng thuộc phủ Hưng Nguyên, kéo đến chiếm phủ đường, buộc Tri phủ Nguyễn Tiên Đơn đầu hàng vô điều kiện.
Nối tiếp những mùa Thu đời sống mới
Trong nắng Thu vàng rực hôm nay, chúng tôi về với làng quê Long Xá. Trù phú làng quê nhà dân khang trang, những con đường ô bàn cờ được rải nhựa và bê tông hóa. Cánh đồng lúa hè - thu hươm vàng hứa hẹn một mùa vụ bội thu. Trên bãi bồi ven sông, đàn trâu, bò nhẩn nha gặm cỏ điểm tô thêm nét thanh bình của một vùng quê trù phú. Theo chân anh Lê Trường Thi - Phó Chủ tịch HĐND xã đi một vòng quanh các thôn, xóm, chúng tôi được mục sở thị những mô hình làm ăn, sản xuất giỏi của người dân xã Long Xá.
Nơi vùng bãi ven sông, trang trại bò của ông Nguyễn Văn Thành (xóm Thành Sơn) có diện tích 3 ha, hiện tại đang có hơn 40 con bò, chuồng trại và khu vực trồng cỏ được quy hoạch bài bản. Chỉ mấy năm trước, đây là vùng đất bạc màu, được gia đình ông Thành đấu thầu để nuôi bò vỗ béo và sinh sản.
Nay đã sang năm thứ ba và đã hoàn trả được 85% vốn vay cùng các khoản chi phí xây dựng. “Nếu thuận lợi, vài năm tới gia đình sẽ thu hồi vốn và bắt đầu có nguồn thu nhập. Làm trang trại tuy vất vả, khó nhọc nhưng bù lại có nguồn thu ổn định, khai thác được tiềm năng đất đai của quê nhà” - ông Thành chia sẻ.
Rời vùng bãi bồi, chúng tôi vào xóm Thành Sơn, ghé cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ của anh Hoàng Minh Khánh. Đang giữa mùa dịch, nguồn nguyên liệu cũng như đầu ra sản phẩm đang gặp khó khăn nên anh Khánh chỉ tổ chức làm theo nhóm 2 - 3 người. Bình thường, anh sử dụng 10 công nhân làm việc thường xuyên với mức thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng.
Nhìn các mẫu mã sản phẩm chất đầy xưởng biết được phần nào quy mô và thị trường tiêu thụ và hình dung được hướng đi của một thanh niên đất Phù Long. Cách đó không xa là xưởng may bao bì của anh Nguyễn Văn Khánh (xóm Đại Thọ) với 20 lao động làm việc thường xuyên cùng mức thu nhập ổn định. Hai người đàn ông tên Khánh ấy đã mở ra những hướng đi mới để tận dụng ưu thế nguyên liệu và nguồn nhân lực, cùng làm giàu cho mảnh đất quê hương…
Xã Long Xá hiện được chia thành 8 xóm với hơn 9.300 nhân khẩu, nguồn thu nhập chính của bà con vẫn từ trồng trọt và chăn nuôi. Cùng đó là một số nghề truyền thống như nghề làm bún bánh (đã được công nhận làng nghề), nghề mộc, mây - tre - đan và gần đây nhiều hộ làm nghề cơ khí, chế biến lâm sản, kinh doanh các loại hình dịch vụ… Trong 6 tháng đầu năm 2021, dù phải đối mặt với không ít khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng tổng giá trị sản xuất của xã Long Xá vẫn đạt hơn 214 tỷ đồng (đạt hơn 62% kế hoạch năm).
Là vùng quê giàu truyền thống văn hiến, xã Long Xá luôn quan tâm đến việc khuyến học, khuyến tài. Năm học 2020 - 2021, toàn xã có tổng số 1.989 học sinh các cấp học, trong đó 106 em học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi các cấp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cơ bản đầy đủ, các trường đều giữ vững danh hiệu chuẩn Quốc gia.
Rời đất Phù Long xưa - Long Xá hôm nay, chúng tôi cảm nhận được niềm vui hiện rõ trong từng ánh mắt, nụ cười của những người dân thuần hậu, cần cù.
“Nhờ phát huy được lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng và giao thông thuận lợi, những năm gần đây đời sống mọi mặt ở xã Long Xá đã có nhiều khởi sắc. Hiện tại, cán bộ và nhân dân toàn xã đang cùng phấn đấu đạt thêm nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, trước mắt là nỗ lực đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao để xứng đáng với truyền thống quê hương”.