(Baonghean) - Không chỉ chịu khó, cần cù trong lao động sản xuất, giờ đây người nông dân đã dần thích ứng với cơ chế thị trường, biết đầu tư và hạch toán kinh tế một cách khoa học để phát triển sản xuất và mang lại hiệu quả cao. Trong đó, người nông dân đã tăng tính chủ động giảm thiểu sự phụ thuộc vào yếu tố tự nhiên. Đáng ghi nhận, thời gian nắng hạn đỉnh điểm vừa qua, sản xuất nông nghiệp từ cây trồng, vật nuôi đều lao đao, nhưng nhiều nơi bà con nông dân đã nỗ lực với nhiều cách làm để “cứu” cây, con với phương châm còn nước còn tát, không đầu hàng trước khó khăn. 
 
Như toàn tỉnh có hơn 3.000 ha chè bị ảnh hưởng, trong đó có gần 850 ha gần như bị “xóa sổ”, thiệt hại rất lớn cho bà con trồng chè. Tại “trọng điểm” nguyên liệu chè Thanh Chương, bà con nông dân đã sử dụng hệ thống tưới “Bep” hiệu quả chống hạn cao, dù mức đầu tư tưới cho mỗi ha chè ước tính chi phí gần 40 triệu đồng. Đã có gần 40 hộ trong toàn huyện Thanh Chương chắt chiu đồng vốn để có thể “tiếp nước” cho cây chè như thế. Và cả khi chưa có điều kiện để lắp đặt hệ thống tưới tự động, thì nhiều bà con ở đây vẫn có những cách làm khác để đưa cây chè “vượt hạn”, có hộ bỏ công vào núi khảo sát tìm nguồn suối rồi lăn lộn đắp đập, be bờ dẫn nước về quyết cứu hàng mấy ha chè là nguồn sống của gia đình hàng chục năm tạo dựng...
 
Không riêng gì bà con vùng chè, trong những ngày nắng nóng người nuôi tôm cũng đối diện bao khó khăn khi hàng trăm ha đầm tôm bị bệnh hoặc chết hàng loạt. Không ít hộ lâm vào cảnh trắng tay bởi  nguồn kinh phí để đầu tư trở lại là khá cao. Chỉ tính riêng tiền thuốc đặc trị trên mỗi ha tôm đã dao động trong khoảng 30 - 40 triệu đồng. Nhưng vượt lên tất cả, bà con nông dân vẫn không từ bỏ nghề, họ lại kiên trì huy động những đồng vốn cuối cùng để bắt đầu một vụ tôm mới. Giờ đây, trên những đầm tôm trải dài của tỉnh nhà, bà con đang hoàn tất những khâu xử lý hậu bệnh dịch để có thể tiếp tục bám trụ nghề nuôi tôm với kinh nghiệm, nhận thức và quyết tâm mới đối diện mọi khó khăn.
 
Như thế, người nông dân đã thể hiện rõ dần ý chí làm chủ sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật và duy trì nhiều mô hình bền vững. Bên cạnh đó, hướng sản xuất những mặt hàng nông sản “sạch”, mạnh dạn phá bỏ nếp nghĩ cũ để thích nghi với thời buổi kinh tế thị trường, sản xuất áp dụng theo khoa học kỹ thuật hiện đại cũng đã dần được người dân đón nhận để dần xóa bỏ xu hướng làm ăn manh mún, nhỏ lẻ. Nhiều người dân từ nhận thức cao đã nỗ lực hình thành các trang trại, mô hình thực hành chăn nuôi tốt, an toàn, trồng nông sản hàng hóa áp dụng biện pháp khoa học kỹ thuật theo chương trình VietGAP... Hoạt động sản xuất nông nghiệp của người nông dân ngày một  thoát ra mục đích giải quyết nhu cầu thuần túy hộ gia đình, hướng đến hình thành vùng sản xuất nông sản mang tính hàng hóa với chất lượng sản phẩm và giá trị kinh tế đem lại ngày càng được nâng cao. Điều đó cho thấy các cấp, ngành càng cần sâu sát, động viên, khích lệ, hỗ trợ người nông dân vươn lên sẵn sàng cho thời kỳ sản xuất lớn, góp phần vào hội nhập sâu rộng về kinh tế.
 
QUỲNH THANH