(Baonghean.vn) -Xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) được huyện chọn làm điểm về xây dựng nông thôn mới. Mặc dù tiêu chí nông thôn mới đã đạt còn khiêm tốn, nhưng với khí thế người người đồng lòng, chung tay, Châu Thuận sẽ là địa phương đi đầu về sớm.

 

Về xã Châu Thuận những ngày này, chúng tôi chứng kiến không khí háo hức của đồng bào các dân tộc đang dồn sức làm đường thôn bản. Mặc cho nắng nóng oi bức, bà con người cuốc, người cào, người chặt, phát cành cây… đường trong thôn trong bản thoáng đãng sáng sủa hơn, đẹp hơn.

Ông Lò Văn Dương - Trưởng bản Piu, hồ hởi: Bản có hơn 700 mét đường đất lại dốc, vào mùa mưa sói lở, trơn trượt, rất khó đi. Bà con mong đường được làm bằng xi măng từ lâu lắm rồi. Nhưng khi phát động nhân dân làm đường mới thì ai cũng ngại, vì phải hiến đất, dỡ rào, chặt cây vườn để làm đường. Khi được tuyên truyền giải thích, mọi người hiểu ra làm đường to đường tốt là cho nhà mình được hưởng, dân làng được hưởng. Việc làm trước mắt là huy động bà con tập trung nắn đoạn cong, sửa đoạn dốc, mở đoạn hẹp, làm nền bằng phẳng, đào rãnh thoát hai bên,… khi nào nhà nước có chính sách hỗ trợ vật liệu thì bà con góp ngày công và vật liệu để đổ bê tông. Hàng tháng, vào các ngày từ 26 – 30 là bản tổ chức làm đường như thế này, mỗi nhà có một người tham gia, phấn đấu trong năm nay hoàn thành phần nền đường.

Khi người dân Châu Thuận đồng lòng ảnh 1Bà con bản Piu mở đường nông thôn mới.  

Ông Cầm Bá Kinh – Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Đến thời điểm này Châu Thuận đã hoàn thành quy hoạch xây dựng dựng nông thôn mới. Theo đó, địa phương đã có 6 tiêu chí đạt nông thôn mới, đó là: trường học (3 cấp học), trạm y tế, thủy lợi, giao thông liên xã, trình độ cán bộ, thiết chế văn hóa thôn bản. Mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2015 đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, hiện nay xã triển khai một lúc 3 tiêu chí: giao thông nội đồng, giao thông thôn bản và nước sinh hoạt. Bắt đầu từ tháng này, địa phương chỉ đạo các thôn bản huy động bà con làm giao thông, vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường. Khi nhà nước hỗ trợ kinh phí, vật liệu thì huy động bà con góp công góp của, vận chuyển cát, sỏi, ngày công để đổ bê tông lòng đường. Đây là chủ trương đã được tỉnh đồng ý và nhân dân đồng tình ủng hộ.

 

Để phong trào xây dựng nông thôn mới có hiệu quả, Ban chỉ đạo xã giao cho mỗi cán bộ, đảng viên phụ trách một thôn, bản, với nhiệm vụ chỉ đạo, đôn đốc cơ sở. Coi đây là một trong tiêu chí hàng đầu về xếp loại cuối năm của từng cán bộ đảng viên.

 

Là địa phương miền núi cao, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, do vậy theo ông Kinh cho biết, khó khăn nhất trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới là nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo cho dân. Hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của Châu Thuận là 50,4%. Trong khi đó cuộc sống người dân từ trước đến nay phần lớn phụ thuộc vào trồng rừng, làm lúa nước, trồng mía và chăn nuôi nhỏ lẻ. Với 116,7 ha lúa nước, 53 ha đất trồng mía may ra đảm bảo lương thực cho một số bản, và mặc dù mía ở đây năng suất đã đạt 70 – 80 tấn/ha, nhưng chưa làm giàu được cho dân, vì diện tích chưa nhiều.

 

Hiến đất, chặt cây để mở rộng đường thôn bản đang được người dân Châu Thuận đồng tình hưởng ứng.Vấn đề mà chính quyền địa phương đang hy vọng để giảm nghèo là phát triển nghề nuôi cá. Hiện nay Châu Thuận có 70% số hộ có ao cá, và có đập nước Khe Cua rất thuận lợi cho việc nuôi cá lồng, với tổng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản trên 10 ha. Đặc thù của địa phương là 99% dân tộc Thái, từ trước đến nay đã có kinh nghiệm nuôi cá ao. Mỗi năm địa phương đánh bắt được trên 6 tấn cá thịt, cung cấp thực phẩm cho nhân dân trong vùng.

 

Tuy nhiên, mặc dù số lượng ao cá tương đối nhiều, nhưng chất lượng ao chưa được đầu tư để xây dựng nên sản lượng cá chưa cao. Do vậy sắp tới địa phương sẽ phối hợp với ngành chuyên môn xây dựng mô hình điểm, tạo cơ sở cho bà con làm theo. Mục tiêu là lấy nuôi cá thành một nghề trong nông nghiệp. Vì lợi thế của vùng này là ao hồ rất ít khi bị khô nước. Bởi mỗi địa phương đều có lợi thế riêng, nếu biết cách khai thác thì con đường xóa đói giảm nghèo sẽ bớt khó.

Dân bản Bông 1, xã Châu Thuận ra đồng sản xuất vụ mùa.  

Anh Vi Thế Long – Trưởng Ban Phát triển nông thôn miền núi, Tổ trưởng Tổ giúp việc nông thôn mới của huyện Quỳ Châu, cho rằng, trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, chúng tôi xác định là gặp rất khó khăn cho huyện miền núi, bởi các địa phương điểm xuất phát thấp. Nhưng với lợi thế riêng của từng địa phương trong phát triển kinh tế, chúng tôi sẽ tham mưu cho huyện có những giải pháp tạo việc làm, tăng thu nhập cho dân, dựa vào tiềm năng của mỗi địa phương. Việc làm trước mắt của một số địa phương là làm giao thông thôn bản. Với chính sách “nhà nước và nhân dân cùng làm” tỉnh có chủ trương hỗ trợ xi măng, huyện hỗ trợ phương tiện cần thiết, như máy múc, máy trộn bê tông… nhân dân bỏ ngày công và cát, sỏi, chắc rằng các địa phương sẽ sớm có những con đường bê tông đến tận ngõ. Vấn đề ở chỗ là các cấp, ngành cần sớm hành động thì hiệu quả xây dựng nông thôn mới ở cơ sở mới cao.

Xuân Hoàng