(Baonghean) - Công tác dân số vốn không dễ dàng đối với chị em, càng khó thích hợp với nam giới, chưa có nhiều kinh nghiệm. Thế nhưng, vẫn có những chuyên trách dân số nam tận tình, say mê công việc...

Anh Trần Văn Cường (xã Hưng Đông, TP.Vinh) là một trong những “quý ông” có thâm niên trong vai trò chuyên trách dân số. Anh năm nay đã 40 tuổi và đã tròn 20 năm gắn bó. Dù cách không xa thành phố nhưng Hưng Đông là một xã nghèo, trong đó người dân, đặc biệt là phụ nữ chủ yếu đi làm thuê, bốc vác ở chợ Vinh. Trình độ dân trí thấp, xã có hai xóm giáo toàn tòng nên lâu nay công tác dân số gặp không ít khó khăn. Đảm nhận công tác dân số từ năm 1993, khi đó làm dân số chỉ là kiêm nhiệm song song với cán bộ đoàn nhưng  chưa một ngày nào anh Cường lơ là công việc.
 
Dân số là một lĩnh vực nhạy cảm, tế nhị, ngoài kiến  thức chuyên môn thì cần phải biết cách tư vấn, thuyết phục. Lúc đó, tuy mới 19 tuổi, chưa có vợ, cũng chưa có bạn gái nhưng nhờ có kinh nghiệm công tác đoàn, anh Cường đã biết lồng ghép các nội dung dân số vào trong hoạt động đoàn và hướng mục tiêu chính vào đối tượng thanh thiếu niên. Thời kỳ 1993 – 1997 cũng là giai đoạn công tác dân số hoạt động tích cực nhất với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên công tác dân số ở xã Hưng Đông có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều năm liền tỷ lệ gia tăng dân số chỉ từ 1 – 1,2%/năm. 
 
images869905_p1120341.jpgAnh Nguyễn Văn Phong, chuyên trách dân số xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương tư vấn cho giáo viên, phụ huynh tại trường mầm non của xã.
 
Gặp anh Lý Bá Hử, chuyên trách dân số xã Huồi Tụ huyện Kỳ Sơn, anh cho biết: Toàn xã có 13 bản, nơi xa nhất là bản Phá Xắc phải đi bộ 20 cây số. Bà con ở đây nghèo, phương tiện nghe nhìn không có. Vì thế, muốn tuyên truyền thì cách duy nhất là phải đến trực tiếp. Không nhớ nổi bước chân mình đã đi đi về về Phá Xắc bao nhiêu lần, nhưng Lý Bá Hử tin rằng nhờ đó anh hiểu hơn nỗi khổ của phụ nữ vùng cao cũng như những trở ngại khiến họ không “mặn mà” với các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Khó khăn nhất ở đồng bào vùng cao là họ “ngại” tiếp cận với các biện pháp kế hoạch hóa gia đình hiện đại, đặc biệt là các biện pháp liên quan đến tiểu phẫu như đặt vòng, thắt ống dẫn tinh, tiêm, cấy tránh thai..
 
Biết chị em hay xấu hổ, càng không dám nghe một nam chuyên trách dân số hướng dẫn nên Lý Bá Hử đã phối hợp với chi hội phụ nữ ở các bản để tuyên truyền vận động. Bản thân anh, do có kiến thức về trung cấp kinh tế nên rất  thuận lợi trong việc tổng hợp, phân tích số liệu và đưa ra các hình thức tổ chức sinh hoạt thích hợp. Vì lẽ đó, nên dù là xã vùng sâu, khó khăn nhưng Huồi Tụ vẫn có câu lạc bộ mẹ chồng nàng dâu, câu lạc bộ không sinh con thứ 3. Bản Phà Bún, nơi anh sống nhiều năm nay không có  trường hợp sinh con thứ 3.
 
Chia sẻ về những khó khăn khi chuyên trách dân số là nam giới, anh Nguyễn Văn Phong, chuyên trách dân số xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương cho rằng: Hạn chế lớn nhất của nam giới là phụ nữ ngại tiếp cận. Nhưng mỗi một khi đã tin tưởng thì họ dễ dàng tâm sự. Thế nên, ban đầu khi mới nhận công việc, nghe mọi người “nói này nói nọ” tôi cũng băn khoăn, nhưng càng làm thì thấy càng hay... Nếu tính về độ tuổi Phong chỉ mới 27, còn quá trẻ để nói về sinh đẻ, kế hoạch hóa gia đình. Nhưng nghe cách Phong tư vấn cho phụ huynh học sinh ở trường mầm non xã, rồi thấy chị em tin tưởng đón nhận các buổi tư vấn, tuyên truyền của Phong, mới thấy Phong thực sự gắn bó với nghề và rất tự tin với công việc. 
 
Sự nhiệt tình đó, tôi cũng nhìn thấy ở Trương Văn Thanh, chuyên trách dân số xã Diên Lãm, huyện Quỳ Châu. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Thể dục Thể thao Đà Nẵng nhưng từ năm 2009 đến nay, Thanh lại gắn bó với công việc của một chuyên trách dân số ở xã vùng cao. 5 năm làm việc với mức phụ cấp chỉ 600.000 đồng/tháng nhưng chưa bao giờ anh có ý nghĩ chuyển việc, cũng không bao giờ thấy chán nản. Thành công nhất của Thanh là xây dựng được bản Hốc, bản Chao gần 10 năm không có người sinh con thứ 3  được UBND huyện khen thưởng. 
 
Toàn tỉnh hiện có 480 chuyên trách dân số nhưng chuyên trách dân số nam chỉ chiếm 20%, đa phần tập trung ở các huyện miền núi. Lợi thế nhất của họ là có sức khỏe, thời gian để “toàn tâm toàn ý” với công việc. Điều này với một tỉnh có tới 10 huyện miền núi, địa hình đi lại khó khăn như tỉnh ta lại càng hết sức cần thiết. Đánh giá về vai trò của các chuyên trách dân số nam, ông Trần Văn Huê, Trưởng phòng Dân số, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho rằng: Tuy so với nữ giới, chuyên trách dân số nam có một số hạn chế nhưng họ lại có ưu thế riêng. Đó là nữ có thể tiếp cận với nữ giới nhưng nam lại có những thuận lợi khi tiếp cận với đối tượng là nam giới. Biết cân bằng giữa nữ và nam, biết phát huy thế mạnh của hai phái này sẽ là một ưu thế để làm tốt công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình.
 
Mỹ Hà