(Baonghean) - Cách đây ít lâu, khi trao đổi về công tác chuyên môn, một cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Quế Phong cứ phàn nàn, bây giờ ở xã công tác khuyến nông bị "xem nhẹ", nên đâm ra khó làm việc.

Hỏi ra thì được biết, đầu năm nay, theo Quyết định 14/2014 của UBND tỉnh ban hành ngày 27/1/2014 về số lượng, chức danh và mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và xóm, khối, bản trên địa bàn tỉnh, được quy định cho 15 chức danh cụ thể. So với trước, 4 chức danh trong đó có khuyến nông "bị" làm kiêm nhiệm.

Tất nhiên đã là Quyết định của UBND tỉnh thì phải chấp hành. Nhưng, ai cũng hiểu, một công việc được gọi "kiêm nhiệm", thì ắt người được giao nhận không hào hứng, không chú tâm như việc chính, cho dù theo quyết định này, nếu người "kiêm" thuộc cán bộ bán chuyên trách thì được hưởng luôn 2 phụ cấp. Đã thế mỗi xã giao một cách. Ví như ở huyện Quế Phong, xã Tiền Phong thì giao cho nhân viên bảo vệ thực vật, xã Tri Lễ thì giao cho cán bộ địa chính (là công chức hẳn hoi), nhưng có xã lại giao cán bộ Hội Nông dân. Tùy theo đặc điểm từng xã thấy cán bộ, nhân viên nào phù hợp thì giao. Và khi đã giao việc khuyến nông cho ai kiêm nhiệm thì xã nào cũng có cái lý của mình. Nhưng nhìn chung các xã đều căn cứ vào kiến thức có liên quan đến khuyến nông và công việc chính của người được giao. Về phụ cấp, có xã cho rằng, giao cho cán bộ bán chuyên trách để họ được hưởng 2 phụ cấp (theo Quyết định 14/2014 của UBND tỉnh) để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động, có xã lại giao cho công chức (nhân viên địa chính chẳng hạn), vì họ đã có lương nên có điều kiện hơn... Xem ra, xã nào cũng có lý!

Xã thì như thế, còn cấp xóm (bản) thì sao, theo một báo cáo của Hội Nông dân tỉnh mới đây cho thấy, hồi năm 2010, phần lớn chi hội trưởng của 5.543 chi hội nông dân trong toàn tỉnh kiêm khuyến nông viên xóm (bản). Tuy nhiên, theo một cán bộ hội nông dân huyện, thì mô hình này nay hoạt động yếu ớt do nhiều nguyên nhân. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tường, quyền Chủ tịch Hội Nông dân Hưng Nguyên cho rằng, một số xã giao việc khuyến nông cho cán bộ hội nông dân là phù hợp nhất. Ở xã thì có thể là phó chủ tịch hoặc ủy viên thường vụ hội đảm nhận. Ở xóm (bản) thì chi hội trưởng. Rất đơn giản, đã là cán bộ hội nông dân thì gắn với nông thôn, nông nghiệp, một trong những chức năng của hội trùng với chức năng của khuyến nông. Để hoạt động khuyến nông đạt hiệu quả cao, họ cũng cần thêm một khoản phụ cấp nào đó. Tất nhiên mang tính chất động viên là chủ yếu.

Rõ ràng, sau khi Quyết định 14/2014 của UBND tỉnh ban hành về tinh giản đội ngũ người hoạt động không chuyên trách, thì thực tiễn ở xã, xóm (bản) cho thấy công tác khuyến nông đang gặp "vấn đề" cần giải quyết. Đó là cần tìm một mô hình "kiêm khuyến nông" cho phù hợp để công tác này không những không bị xem nhẹ, mà còn phát huy hiệu quả cao hơn trong thời gian tới. 

Việt Long