(Baonghean) - Quá trình xây dựng NTM, các địa phương đã huy động nhân lực, vật lực để làm giao thông nông thôn; đến nay phần lớn các trục đường liên xã, liên thôn các địa phương vùng miền xuôi đã được đổ bê tông vững chắc, quang đãng. Thế nên thực tế nhiều tuyến đường huyện xấu hơn đường xã, thôn, xóm.

Đường huyện quản lý qua xã Phúc Thành (Yên Thành) bị xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Xuân Hoàng

Thực trạng  

Huyện Tân Kỳ hiện có 2.229 km đường giao thông các loại, trong đó đường quốc lộ dài 76.5 km, đường tỉnh quản lý 33 km, đường huyện quản lý gần 210 km, đường xã dài hơn 428 km, đường thôn, xóm dài gần 978 km và đường nội đồng hơn 536 km. Nhìn chung, hiện nhiều tuyến đường huyện xuống cấp, cọc tiêu biển báo, đèn tín hiệu thiếu, thiết bị an toàn giao thông ở một số nơi bị hư hỏng mất tác dụng, gây khó khăn trong việc đi lại và mất an toàn cho người tham gia giao thông.

Hơn 5 năm qua, phát huy nội lực, tranh thủ nguồn vốn, nhân dân huyện Tân Kỳ đã bê tông hóa được trên 220 km đường bê tông cấp A và cấp B, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, so với thực tế thì hiện nay đang còn rất nhiều tuyến đường đất, hư hỏng chưa được cấp phối, bê tông.  

Riêng đường cấp huyện quản lý 13 tuyến đường với chiều dài gần 210 km, có 3 tuyến hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng như tuyến đường Hương - Phú - Hành - Tiên Kỳ - Đồng Văn, điểm đầu ngã 4 xã Tân An, điểm cuối là xã Đồng Văn dài khoảng 30 km, nền đường 6m, mặt đường rộng 3,5m đã láng nhựa được 7 km; còn lại 23 km là đường đất, hiện hư hỏng, nhiều đoạn chỉ có phương tiện thô sơ đi lại được trong mùa khô, mùa mưa hầu hết nhân dân phải đi lại bằng xe bò kéo... 

Ở huyện Yên Thành cũng tương tự. Phần lớn các trục đường liên huyện đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, trong khi đường thôn, xóm thì đổ bê tông theo tiêu chí NTM sạch, đẹp. Số liệu của phòng Công Thương huyện cho biết: Yên Thành có 12 tuyến đường huyện, với tổng chiều dài 261 km. Trong đó, 15 km đã được đổ bê tông xi măng, 178 km bê tông láng nhựa, 24 km đường cấp phối và 44 km đường đất. Nhiều tuyến đường đang xuống cấp nghiêm trọng, khiến người dân bức xúc. 

Một trong những tuyến đường huyện của Yên Thành đang xuống cấp trầm trọng nhất là tuyến thị trấn đi xã Đức Thành. Tuyến đường này qua các xã: Văn Thành, Phúc Thành, Hậu Thành, Lăng Thành, Mã Thành, Đức Thành, dài khoảng 15 km. Mặc dù tuyến đường này đã được đổ đá dăm láng nhựa, nhưng do sử dụng lâu năm và lưu lượng xe ô tô qua lại nhiều nên mặt đường nhiều đoạn bị băm nát.

Ngày mưa xuống, mặt đường giống như cái ao, rất khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông; hàng năm huyện chỉ duy tu bằng cách đổ đất bù phụ ổ trâu, ổ gà, sau một thời gian ngắn đâu lại vào đó. 

Ông Đinh Văn Dương – Chủ tịch UBND xã Phúc Thành cho rằng: Địa phương đã về đích NTM từ năm 2014, do vậy, hầu hết các trục đường của các xóm nối với trục đường chính của huyện đã được đổ bê tông, nhưng nhiều đoạn của tuyến đường huyện lâu nay xuống cấp, khiến người dân thắc mắc việc “đường huyện xấu hơn đường xã, xóm”! 

Làm đường giao thông ở huyện Tân Kỳ. Ảnh: Trân Châu

Khó khăn về kinh phí

Ông Vi Văn Quang- Trưởng phòng Công Thương huyện Tân Kỳ cho biết: Hàng năm huyện Tân Kỳ bố trí nguồn vốn nhất định hỗ trợ một số xã để khắc phục, đảm bảo giao thông đi lại cho nhân dân. Huyện gặp nhiều khó khăn về kinh phí vì vậy đang tranh thủ nguồn vốn từ quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, tỉnh để khắc phục các tuyến đường hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Văn Sáng - Phó phòng Công Thương huyện Yên Thành cũng cho hay: Do nguồn kinh phí của huyện hạn hẹp, nên hàng năm UBND huyện trích một phần ngân sách để tu sửa đường bằng cách đổ đất bù phụ mặt, lề đường. Như năm 2017 này, huyện Yên Thành trích 500 triệu đồng để duy tu đường.

Toàn tỉnh Nghệ An hiện có hơn 3.782 km đường liên huyện, hơn 11.882 km đường liên xã. Theo ông Hoàng Văn Huệ - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, hầu hết các tuyến đường liên huyện đã được Nhà nước đầu tư nâng cấp lên đường cấp 4, cấp 5 từ những năm trước, nay đều đã xuống cấp. Đường liên huyện, liên xã, là huyện quản lý, do vậy hàng năm các huyện có trách nhiệm trích ngân sách duy tu bảo dưỡng, sau khi đã được nâng cấp. 

Đường huyện là do huyện quản lý nhưng nguồn vốn lại khó khăn, nguồn duy tu bảo dưỡng hạn hẹp, nên nhiều địa phương vẫn chịu cảnh đường huyện xấu hơn đường xã mà chưa có cách gì hay hơn để “giải”.

Xuân Hoàng - Cẩm Tú

TIN LIÊN QUAN