Trước đó, ngày 28/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 22-QĐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, trong đó nhấn mạnh: Công tác kiểm tra, giám sát không chỉ kịp thời phát hiện sai phạm mà còn phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Như vậy, chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ “6 dám” – một nội dung rất mới trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chính thức được cụ thể hóa, mở đường để chủ trương trở thành quy định của pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để nhân rộng các mô hình, giải pháp đột phá một cách nhanh nhất.
Vậy, cán bộ “6 dám” là gì: Đó là dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá, sáng tạo và dám đương đầu. Nói nôm na là những cán bộ mạnh dạn “vượt rào”, đưa ra những chủ trương đột phá vì sự phát triển chung, động cơ trong sáng, không vụ lợi và Đảng cần có cơ chế để bảo vệ họ.
Ở những thời điểm lịch sử, rất cần những con người lịch sử. Thời kỳ trước Đổi mới 1986, Bí thư Thành ủy TP.HCM khi đó là ông Nguyễn Văn Linh (sau này là Tổng Bí thư) từng “xé rào” thí điểm xóa bỏ cơ chế tập trung bao cấp, giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp, tạo ra những bước chuyển động lớn, mang tính đột phá cho nền kinh tế Thành phố.
Còn nay, khi đại dịch Covid-19 hoành hành, đối mặt với những khó khăn, thử thách chưa có tiền lệ, chúng ta lại chứng kiến nhiều vị lãnh đạo địa phương dám “xé rào” đưa ra những quyết định táo bạo như lãnh đạo tỉnh Kiên Giang giải quyết bài toán lưu thông hàng hóa thiết yếu; lãnh đạo tỉnh Cà Mau đề xuất hỗ trợ tiền điện, nước cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hay mới đây nhất, lãnh đạo Quận 7 và huyện Củ Chi (TP.HCM) đã tiên phong đưa 2 địa phương này đi đầu trong kiểm soát dịch bệnh bằng nhiều biện pháp sáng tạo…
Tình thế “nước sôi, lửa bỏng” đó cũng chứng kiến những cán bộ trông chờ, ỷ lại, không dám làm, không dám quyết. Và cũng không ít cán bộ đứng giữa ngã ba đường, muốn làm để giải quyết những yêu cầu mới thì lại vướng cơ chế chính sách. Cho nên, một cách chắc chắn nhất là không làm thì sẽ không mắc khuyết điểm. Bởi vậy, khi Đảng “bật đèn xanh”, gỡ nút thắt thì cán bộ sẽ tự tin hơn, vững tâm hơn, mạnh dạn đổi mới, đột phá vì mục tiêu phát triển của địa phương cũng như của đất nước.
Nhưng dám nghĩ, dám làm, dám đột phá không có nghĩa là làm liều, làm không báo cáo, ‘tiền trảm hậu tấu’. Lợi dụng đổi mới, sáng tạo để mang lại lợi ích cho bản thân và nhóm lợi ích… Thực tiễn các vụ án kinh tế lớn thời gian qua cho thấy, không ít lãnh đạo địa phương, nhất là các thành phố lớn bị xử vì tội “thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng”. Dù họ không bị xử vì tội tham nhũng, hối lộ nhưng người dân vẫn nhìn thấy trong đó “bóng dáng” của lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.
Câu trả lời đã rõ ràng hơn trong kết luận của Bộ Chính trị. Trong đổi mới, sáng tạo có thể có sai sót nhất định, nhưng nếu sai sót ấy không phải do bản thân cố tình gây ra để trục lợi thì điều đó dễ thông cảm, dễ chấp nhận hơn so với những người núp dưới chiêu bài “đổi mới” để tham nhũng, trục lợi cá nhân.
Kết luận số 14 của Bộ Chính trị chỉ rõ: Đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải báo cáo với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác; được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm, bảo đảm không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng. Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị quan tâm hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ triển khai thực hiện.
Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.
Kết luận của Bộ Chính trị cũng đề xuất biểu dương, khen thưởng xứng đáng; ưu tiên bố trí, sử dụng cán bộ có tư duy đổi mới, cách làm đột phá, sáng tạo, hiệu quả cao.
Trên con đường tiến tới mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045, chúng ta phải vượt qua nhiều khó khăn, thử thách cả trước mắt và lâu dài. Trên con đường ấy, rất cần một đội ngũ lãnh đạo “dĩ bất biến, ứng vạn biến” như mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng cần khuyến khích và bảo vệ họ trong các quyết định đổi mới, sáng tạo, vì cái tâm trong sáng, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết./.