(Baonghean) - Ánh hào quang trên sân khấu, những tràng pháo tay cổ vũ nhiệt tình của người xem không thể khỏa lấp nỗi vất vả khổ luyện, nhiều khi là cả nước mắt của người nghệ sỹ múa. Nhưng với ai đã trót mang lấy nghiệp thì khó mà rời bỏ nó, nhất là với nghệ thuật múa - bộ môn nghệ thuật không lời, những tưởng rất gần gũi nhưng khó hình dung...
Nằm cách xa trung tâm Trung ương Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, vượt lên mọi khó khăn, với niềm đam mê mãnh liệt, các thành viên trong Chi hội Nghệ sỹ múa Nghệ An đã góp phần làm nên một nét văn hóa đậm đà bản sắc xứ Nghệ. Được thành lập hơn 15 năm, trải qua 3 nhiệm kỳ đại hội, Chi hội Nghệ sĩ múa Nghệ An là ngôi nhà chung nuôi dưỡng niềm đam mê, tài năng nghệ thuật múa. NSƯT Lâm Bích Nguyên – Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sỹ múa Nghệ An, chia sẻ: “Múa là nghề kén người và nhiều khắc nghiệt, nhưng một khi đã bước chân vào “lãnh địa” này thì khó ai có thể dứt bỏ”. Nó ăn sâu vào máu thịt để rồi ánh mắt ấy, cánh tay ấy, bước đi ấy mỗi khi được âm nhạc cộng hưởng là nhanh chóng bắt nhịp. Để có một tiết mục biểu diễn trên sân khấu, người nghệ sỹ múa phải luyện tập cả ngày lẫn đêm, đắm mình trong chiều sâu nội tâm của nhân vật, có những lúc tưởng chừng như mình chẳng còn là mình nữa.
Biết bao mồ hôi, nước mắt của người nghệ sỹ đã rơi xuống để “linh hồn” của tác phẩm được thăng hoa, lan tỏa. Khó lắm thay khi tất cả mọi buồn vui, đau thương và niềm tự hào, kiêu hãnh đều chỉ được lột tả qua những chuyển động của cơ thể, của ánh mắt. Ngôn ngữ cơ thể kết hợp với âm nhạc là sợi dây kết nối duy nhất mà người nghệ sỹ gửi đến cho khán giả. Với NSƯT Lâm Bích Nguyên: “Làm nghệ thuật nói chung chẳng thể nào duy trì nếu thiếu niềm đam mê. Người nghệ sỹ làm nghệ thuật cũng chẳng thể nào gắn bó với nó nếu không thể vượt qua mọi thử thách khó khăn, vượt lên cả những giằng co trong chính bản thân mình. Không ai có thể thấu hiểu nghệ thuật bằng những người nghệ sĩ, những người trực tiếp rèn luyện, cống hiến cho niềm đam mê không một chút tính toán. Họ là những người nhận thức rõ hơn ai hết, nghệ thuật đi từ cuộc sống, không gì có thể lột tả sâu sắc những mảng màu cuộc sống bằng nghệ thuật. Nhất là nghệ thuật múa, một bộ môn nghệ thuật không lời”.
Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Hội Nghệ sỹ múa Việt Nam, các hội viên thuộc Chi hội múa Nghệ An, với niềm đam mê, khổ luyện đã cống hiến cho khán giả nhiều màn múa đặc sắc. NSƯT Bích Nguyên luôn nhắc nhở các đồng nghiệp trẻ “Không thể dễ dãi với nghệ thuật được”. Bởi nghệ thuật phải hướng đến nhân dân để phục vụ, sự ghi nhận của công chúng chính là thước đo chuẩn xác nhất cho những cống hiến, nỗ lực của người nghệ sỹ.
Hiện nay, Chi hội Nghệ sỹ múa Nghệ An hoạt động chủ yếu hướng tới ba khối là nghệ thuật chuyên nghiệp, nghệ thuật quần chúng và văn hóa thiếu nhi. Về nghệ thuật chuyên nghiệp, nhiều màn diễn giàu cảm xúc được dàn dựng công phu và đạt được nhiều giải thưởng danh giá như tác phẩm “Chuông gió”, “Dệt đẹp tình quê” của biên đạo múa NSND Quỳnh Như – NSƯT Ánh Tuyết, tác phẩm “Tiếng lòng” của biên đạo múa NSƯT Bích Nguyên – Thanh Thanh, tác phẩm "San hô đỏ", "Vọng phu sống" của biên đạo Trung Thông, tác phẩm "Những bước chân không mỏi " của biên đạo Thái Phương Ngọc… Cùng với việc dàn dựng và biểu diễn những tác phẩm mang tính sáng tạo, các hội viên trong chi hội đóng vai trò là những hạt nhân tiêu biểu thúc đẩy phong trào văn nghệ quần chúng phát triển, tiêu biểu như chị Cao Minh Thống, biên đạo Trung Thông, biên đạo – NSƯT Ánh Tuyết, biên đạo – NSƯT Diễm Hằng, biên đạo Đình Liên...
Các sự kiện văn hóa được tổ chức thường niên của tỉnh nhà như “Mừng Đảng mừng Xuân”, “Lễ hội Làng Sen”, chương trình thiện nguyện “Vì miền Trung ruột thịt”... đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân xứ Nghệ, kịp thời đáp ứng nhiệm vụ chính trị. Đặc biệt, Lễ hội Tiếng hát Làng Sen được tổ chức mỗi năm một lần vào dịp sinh nhật Bác Hồ, các hội viên xuống tận cơ sở hướng dẫn đội văn nghệ quần chúng, nâng cao chất lượng các tiết mục hát múa. Hội diễn nghệ thuật quần chúng các dân tộc thiểu số được tổ chức 4 năm 1 lần đã góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc. Tham gia tập huấn phong trào ngắn ngày cho các hạt nhân văn nghệ ở cơ sở, với vai trò là người là người hướng dẫn, các hội viên trong chi hội luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Khối văn hóa thiếu nhi cũng là niềm tâm huyết của chi hội múa. Với đặc thù là nơi phát hiện, đào tạo năng khiếu cho tuổi thơ, các giáo viên trong Nhà Văn hóa thiếu nhi Việt Đức luôn dành trọn tâm huyết với từng bước chuyển của các cháu nhỏ.
Được sống và được lao động nghệ thuật, cống hiến cho nghệ thuật là hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời nghệ sỹ. Thế nhưng, như chia sẻ của nghệ sỹ múa Tuyết Minh: “Cuộc đời nghệ sỹ không giàu, nhưng sang và được sống trong không gian nghệ thuật là tài sản vô giá”. Những thành tích mà chi hội đạt được như Hội Nghệ sỹ múa Việt Nam trao tặng Bằng khen; một số hội viên được trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ sỹ ưu tú, danh hiệu “đội múa xuất sắc” là niềm động viên, an ủi để người nghệ sỹ tạm quên đi những mệt mỏi, vất vả, miệt mài đam mê và cống hiến.
Với niềm đam mê nghệ thuật múa đến tận cùng, với vai trò của một Chi hội trưởng, NSƯT Lâm Bích Nguyên, luôn đau đáu một ước nguyện tổ chức một buổi biểu diễn ra giới thiệu với công chúng những tác phẩm đạt giải thưởng. Thế nhưng, nguồn kinh phí hạn hẹp, “lực bất tòng tâm” khiến chị nhiều lúc thấm buồn. Trong câu chuyện của chị, tôi hiểu, ước nguyện đó, hy vọng đó sẽ trở thành hiện thực trong một ngày không xa bởi nó được ủ ấp từ những trái tim giàu nhiệt huyết.
Bài, ảnh: Nguyễn Lê - Lâm Ly