(Baonghean) - Thoạt nghe có vẻ chuyện lạ, thậm chí buồn cười, nhưng đó là sự thật. Mới đây, chiều 9/4/2013, Phòng Cảnh sát Giao thông Đường bộ & Đường sắt (Công an TP. Hồ Chí Minh) mở lớp tập huấn “Văn hóa ứng xử, đạo đức tác phong của cán bộ chiến sĩ CSGT”. Theo cách nói dân dã thì các học viên đến đây để “tập cười”, “tập xin lỗi” khi kiểm tra, xử lý người vi phạm trật tự an toàn giao thông. 

Có một thực tế là lâu nay, bất cứ ai ra đường đều dễ nhận thấy nhiều CSTG nói năng thiếu chủ ngữ, nét mặt đăm đăm, dù người vi phạm ở độ tuổi nào, vị trí xã hội ra sao.

Điều gì khiến phần lớn cảnh sát giao thông có thái độ ứng xử  thiếu văn hóa như vậy? Tại sao phần lớn người đi đường, nhất là người vi phạm không hài lòng với cách làm việc của CSGT? Thậm chí chỉ một sai sót của CSGT có thể bị kẻ xấu kích động tụ tập đông người gây rối trật tự công cộng. Ở huyện Hưng Nguyên tỉnh ta, cách đây vài ba năm đã xảy ra trường hợp như thế.

Theo Thượng tá Nguyễn Duy Đông, Phó trưởng phòng CSGT Đường bộ & Đường sắt  (Công an Nghệ An) thì, phần lớn là do áp lực công việc. Mặt khác, việc làm của anh em CSGT thường động chạm đến quyền lợi nhiều người. Một người vi phạm bị phạt, ít nhất có 2, 3 người nhà phản ứng.  Đó là chưa nói đến thời tiết, CSGT phải phơi mặt ngoài trời, mùa Hè thì nắng như đốt, mùa Đông thì rét thấu xương, lại còn bụi, khói… Những điều đó rất dễ tác động đến tâm lý CSGT. Cho nên CSGT khi làm nhiệm vụ dễ cáu bẳn, dễ khó tính cũng là điều có thể hiểu được. Vì vậy, việc giáo dục cho anh em CSGT biết cách ứng xử lịch thiệp, có văn hóa, tôn trọng người vi phạm là một việc cần làm và nên làm.

Không thể phủ nhận nguyên nhân như Thượng tá Đông nêu, nhưng có thể bổ sung thêm một ý khác đó là tâm lý “bề trên”, tâm lý “ban phát”, “ra ơn”, hách dịch, gây phiền hà, nhũng nhiễu gần như khá phổ biến trong đội ngũ công nhân viên chức Nhà nước, mà CSGT không là ngoại lệ. Một cô công chức ở cấp xã, phường thôi cũng có thể “mặt nặng mày dày” khi xử lý công việc với bất cứ ai, chứ đừng nói đến CSGT. Thời bao cấp, ai từng vào các cửa hàng bách hóa, lương thực, thực phẩm hẳn còn nhớ rõ thái độ của các chị, các cô mậu dịch viên cửa quyền, hách dịch thế nào.

Trở lại chuyện Công an TP Hồ Chí Minh mở lớp tập huấn cho CSGT “tập cười”, “tập xin lỗi”. Đây là một trong những cách làm hay trong sự nỗ lực nhằm cải thiện hình ảnh người CSGT trong mắt người dân. Cách đây chưa lâu, Công an Đồng Nai, tiếp theo là Công an Hà Nội, ra chủ trương không để những CSGT có vòng bụng quá khổ làm nhiệm vụ ngoài đường vì dễ gây “phản cảm”; Công an phường Thanh Bình (Đà Nẵng) giao cho cảnh sát phụ trách địa bàn đi tuần tra bằng xe đạp. Hơn 1 năm qua, CSGT Đà Nẵng còn được thành phố này trích ngân sách “phụ cấp” thêm cho mỗi người một tháng 5 triệu đồng để ngăn chặn tình trạng mãi lộ. Chẳng biết từng ấy tiền có làm anh em CSGT Đà Nẵng cười tươi hơn không nhưng nghe các bác tài xế Nghệ An kể, qua vùng đó mà hỏi đường thì được CSGT chỉ vẽ rất tận tình.

Có thể dùng tiền để động viên và ngăn chặn tiêu cực như Đà Nẵng, cũng có thể dùng các biện pháp khác để CSGT gần dân hơn,  như mở lớp “tập cười” như ở TP. Hồ Chí Minh chẳng hạn. Lại cứ tưởng tượng đến cảnh bản thân bị phạt mà được mấy anh CSGT “xin lỗi” cùng nét mặt tươi như hoa là cảm thấy vui rồi.

Và, cứ nghĩ, mô hình “tập cười”, “tập xin lỗi” này nên cần nhân rộng ra nhiều ngành, nhiều cấp khác?

Việt Long