(Baonghean) - Để xảy ra tình trạng vi phạm Chủ thị 17-CT/TU của BTV Tỉnh ủy (gọi tắt là Chỉ thị 17) trước hết là do nhận thức, trách nhiệm của một số cán bộ, công chức còn hạn chế. Nhưng quan trọng hơn, công tác chỉ đạo, đôn đốc cùng với đó là kiểm tra, phát hiện, xử lý của người đứng đầu đơn vị, địa phương chưa nghiêm, chưa kịp thời, còn tình trạng nể nang, hình thức.
Vi phạm nhiều
Chỉ thị 17 của BTV Tỉnh ủy về "Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh" ra đời vào tháng 12/2013 với mục tiêu góp phần quan trọng nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Qua đó, xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả.
Sau hơn 2 năm đi vào thực tiễn, Chỉ thị 17 đã tạo một luồng sinh khí trong nền hành chính công vụ ở các cấp, ngành. Nhận thức, trách nhiệm của đa phần cán bộ, công chức đã có sự chuyển biến rõ nét và tạo sức lan tỏa rộng rãi, được quần chúng nhân dân đồng tình, ủng hộ. Qua kiểm tra nhận thấy, phần lớn cán bộ, công chức chấp hành tốt thời giờ làm việc; hiện tượng uống rượu trước, trong giờ hành chính giảm hẳn, không phát hiện cán bộ, công chức vi phạm quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp bị xử lý kỷ luật.
Bên cạnh những ưu điểm, đoàn kiểm tra đã phát hiện nhiều cán bộ, đảng viên, công chức vi phạm quy chế làm việc, đạo đức công vụ... Như tại xã Nam Thái, Nam Hưng, Kim Liên (Nam Đàn), tại thời điểm đoàn kiểm tra vào ngày 29/7/2015, nhiều cán bộ, công chức vắng mặt không lý do, lãnh đạo không biết được. Đặc biệt, có 2 cán bộ, công chức của UBND xã Nam Hưng là ông Nguyễn Phúc Phước – Phó Chủ tịch HĐND xã và ông Nguyễn Duy Hùng – Trưởng Công an đang chơi game trong giờ hành chính. Hay như tại UNND thị trấn Tân Kỳ, khi đoàn kiểm tra đến làm việc thì ông Thái Đình Long, công chức Văn phòng – Thống kế thiếu tinh thần trách nhiệm, thái độ hợp tác với đoàn kiểm tra.
Sau khi có thông báo của đoàn kiểm tra, UBND huyện Nam Đàn chỉ đạo các xã có công chức vi phạm tổ chức họp kiểm điểm. Trên cơ sở đó, UBND huyện Nam Đàn xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Phúc Phước, Phó Chủ tịch HĐND xã Nam Hưng và ông Nguyễn Duy Hùng, Trưởng Công an xã Nam Hưng do có hành vi vi phạm Chỉ thị 17 và Chỉ thị 10 về việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đối với huyện Tân Kỳ, UBND huyện chỉ đạo UBND thị trấn Tân Kỳ tổ chức kiểm điểm đối với tập thể UBND và cán bộ công chức liên quan.
Trên cơ sở báo cáo của UBND thị trấn Tân Kỳ, UBND huyện Tân Kỳ quyết định hình thức kỷ luật khiển trách đối với ông Phan Xuân Thủy – Chủ tịch UBND thị trấn Tân Kỳ và ông Thái Bình Long - Công chức Văn phòng – Thống kê.
Đánh giá về công tác kiểm điểm, xử lý cán bộ vi phạm, ông Lê Đình Lý, Phó giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng đoàn kiểm tra cho biết: Nhìn chung, người đứng đầu các đơn vị, địa phương đã quan tâm thực hiện cơ bản nghiêm túc, đầy đủ các kiến nghị của đoàn kiểm tra, giám sát đã chỉ ra và có hình thức xử lý kỷ luật phù hợp đối với cán bộ vi phạm.
Tuy nhiên, trình độ, năng lực của cán bộ, công chức, viên chức đã được nâng lên, cơ bản đáp ứng với nhiệm vụ nhưng tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ vẫn còn chưa cao, chưa thể hiện được tinh thần phục vụ tổ chức, phục vụ nhân dân của người cán bộ, đảng viên, công chức. Vì vậy, việc kiểm tra, giám sát chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính luôn cần được duy trì.
Cần siết chặt kỷ luật
Có thể nói, nhờ có Chỉ thị 17 mà nhiều địa phương rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Tại huyện Nam Đàn, ngay sau khi thông tin nhiều cán bộ, công chức vi phạm Chỉ thị 17, ngày 29/12/2015, Huyện ủy Nam Đàn đã ban hành Công văn 95/CV-HU về tăng cường lãnh đạo thực hiện Chỉ thị 17 và Chỉ thị 28 của BTV Huyện ủy.
Ông Nguyễn Lâm Sơn, Phó Bí thư Huyện ủy Nam Đàn cho biết: Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, yếu kém, Huyện ủy yêu cầu tất cả các cán bộ, Đảng viên phải có cam kết thực hiện Chỉ thị 17 và Chỉ thị 28 của BTV Huyện ủy gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị “về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” . Đồng thời, gắn với việc thực hiện Chỉ thị với việc thi đua, đánh giá, xếp loại đối với tổ chức, cá nhân cán bộ, đảng viên, công chức. Nếu phát hiện các tổ chức, cá nhân vi phạm Chỉ thị thì và xử lý nghiêm.
Còn tại huyện Tân Kỳ, ngay sau khi có thông tin của đoàn kiểm tra, giám sát tỉnh, UBND huyện đã ban hành công văn 1545/UBND-NV yêu cầu các thủ trưởng cơ quan, đơn vị chỉ đạo cán bộ, công chức chấp hành nghiêm túc các nội dung của Chỉ thị 17 và Chỉ thị 10. Theo đó, UBND huyện Tân Kỳ yêu cầu các tổ chức, đơn vị nhanh chóng khắc phục những tồn tại, khuyết điểm mà đoàn kiểm tra chỉ ra, đồng thời xử lý nghiêm theo quy định đối với những cá nhân vi phạm.
Ông Đoàn Tử Nghĩa, Trưởng phòng Nội vụ huyện Tân Kỳ cho biết: Ngay sau khi có chỉ đạo của UBND huyện, đoàn kiểm tra, giám sát đã kiểm tra tại 5 xã và qua đó phát hiện nhiều trường hợp vi phạm và đoàn đã đã kiến nghị UBND huyện xử lý kỷ luật. Hiện UBND huyện đang tổ chức kiểm tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hành do có những vi phạm trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo, trong đó chưa quan tâm thực hiện nghiêm Chỉ thị 17.
Mặc dù đã có sự chỉ đạo quyết liệt, đã có những bài học kinh nghiệm nhưng ở một số địa phương, tình trạng cán bộ, đặc biệt là người đứng đầu vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính vẫn còn diễn ra. Như tại xã Nam Lĩnh (Nam Đàn), vào ngày 21/9/2015, đoàn kiểm tra, giám sát của UBND huyện kiểm tra đột xuất phát hiện 6 cán bộ đi làm chậm. Đến ngày 22/12/2015, đoàn tiếp tục quay trở lại kiểm tra vào lúc 10h 45 phút nhưng trụ sở UBND xã chỉ có duy nhất 1 cán bộ chính sách làm việc, các cán bộ khác vắng mặt.
Sau khi nhận được báo cáo của UBND huyện, Huyện ủy Nam Đàn ban hành công văn 107-CV/HU yêu cầu Đảng ủy xã Nam Lĩnh tổ chức kiểm điểm và có hình thức xử lý phù hợp với tập thể BTV Đảng ủy và đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy. Thế nhưng, trong báo cáo kết quả kiểm tra gửi BTV Huyện ủy Nam Đàn vào ngày 22/1/2016 thì BTV Đảng ủy xã Nam Lĩnh chỉ rút ra được bài học, kinh nghiệm mà không có hình thức xử lý kỷ luật nào.
Từ sự việc ở xã Nam Hưng, Nam Lĩnh (Nam Đàn), thị trấn Tân Kỳ... cho thấy, để xảy ra vi phạm trong kỷ luật, kỷ cương hành chính, trước hết là do nhận thức, trách nhiệm của một số cán bộ, công chức còn hạn chế. Nhưng quan trọng hơn, công tác chỉ đạo, đôn đốc cùng với đó là kiểm tra, phát hiện, xử lý của người đứng đầu đơn vị, địa phương chưa nghiêm, chưa kịp thời, còn tình trạng nể nang, hình thức dẫn đến những vi phạm nghiêm trọng hơn.
Ông Lê Đình Lý, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Một khi người đứng đầu không quyết liệt, không quan tâm và đặc biệt là không thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính thì chắc chắn cơ quan, địa phương đó sẽ không tránh được những tồn tại, hạn chế và có thể là vi phạm nghiêm trọng.
Vì vậy, để nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ và đặc biệt là tinh thần phục vụ của người cán bộ, công chức thì trước hết phải giao trách nhiệm cho người đứng đầu. Qua đó, phát huy vai trò chỉ đạo, lãnh đạo đơn vị để các cán bộ, đảng viên, công chức noi theo và thực hiện nghiêm túc. Phải thường xuyên tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền để nâng cao nhận thức phục vụ cho mỗi cán bộ, công chức; quan tâm, tạo điều kiện để cán bộ có điều kiện phấn đấu, cải thiện chế độ để cán bộ, công chức yên tâm, chuyên tâm làm việc, nhằm nâng cao hiệu quả công việc.
Bên cạnh đó, phải thường xuyên tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, nhắc nhở công chức chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Có như vậy, tinh thần, trách nhiệm và thái độ phục vụ của cán bộ, đảng viên, công chức mới được nâng cao, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh .
Phạm Bằng