(Baonghean) - Được Đảng, Nhà nước cho nghỉ hưu ở tuổi 83, ngày 23/11/2013, Anh hùng LLVT nhân dân - Vừ Chông Pao vinh dự đón nhận Huy hiệu 50 tuổi đảng. Những câu chuyện về sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm, dẹp phỉ nổi loạn (phỉ Vàng Pao, phỉ Châu Phà) của đồng bào các dân tộc miền Tây Nghệ An gắn với tên tuổi người anh hùng Vừ Chông Pao sẽ còn sống mãi trong lòng đồng bào các dân tộc miền Tây xứ Nghệ.
Bảo vệ cái tốt, cái đẹp
Sinh năm 1930, cũng là năm đánh dấu mốc son lịch sử - năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, cụ Vừ Chông Pao đã chứng kiến và nhận định, phân biệt cái tốt, cái đẹp và cái ác, cái xấu từ chiến tranh. Những ngọn núi Pù Xai Lai Leng hay Pù Luông hùng vĩ; những bản làng người Mông, người Thái vốn yên bình; những điệu nhạc khèn ngân nga du dương bên sườn núi thẫm đẫm tình người cũng không nằm ngoài mục tiêu đánh phá, hủy diệt của bom đạn chiến tranh thực dân, đế quốc. Bởi vậy, từ khi còn nhỏ cụ Vừ Chông Pao đã đứng ra tập hợp thanh niên trai tráng trong bản làng thành lập các đội quân bảo vệ sự bình yên của nhân dân.
Năm 1948, Ủy ban Kháng chiến được thành lập nhưng cơ sở vật chất phục vụ chiến đấu ở đây còn rất thiếu thốn. Lúc này, cụ Vừ Chông Pao và đội quân gồm các thanh niên trai tráng trong bản làng tại xã Na Ngoi, Mường Ải - Kỳ Sơn với các loại súng tự chế, chông, gươm giáo đã trở thành điểm tựa vững chắc chống giặc. Nổi lên và đe dọa trực tiếp ở khu vực Kỳ Sơn trong thời gian này là phỉ Vàng Pao (Noọng Hét - Xiêng Khoảng). Chúng kêu gọi đồng bào Mông theo chúng thì sẽ được sung sướng, không phải làm gì. Nhưng không phải như vậy, những người theo Vàng Pao đã cầm súng bắn lại đồng bào, người thân của mình. Thấy thế, cụ Vừ Chông Pao đã tuyên truyền mọi người không theo phỉ Vàng Pao nữa: “Cái bụng không vui, không sướng gì khi chính tay mình làm chết người trong nhà, trong bản làng của mình”, bằng nhiều cách, kiên trì bền bỉ người Mông không theo phỉ Vàng Pao nữa.
Cách mạng trở thành chân lý
Là một cây đại thụ trong lòng các dân tộc vùng biên giới miền Tây Nam Nghệ An, cụ Vừ Chông Pao vinh dự được hai lần gặp Bác Hồ, đó là vào những năm 1954 và 1963. Hai lần gặp Bác Hồ, cụ Vừ Chông Pao đã được Bác hỏi thăm, dặn dò, chỉ bảo cách làm cách mạng: “54 dân tộc chúng ta đều là anh em, phải đoàn kết với nhau như một bó đũa thì mới mạnh, không ai bẻ gãy được. Phải xác định ai là kẻ thù của ta, ai muốn đô hộ, muốn cướp nước ta…”. Từ đó, cụ Vừ Chông Pao càng sáng dạ hơn, về Kỳ Sơn lãnh đạo cách mạng thành công hơn.
Năm 1962, ở Kỳ Sơn nổi lên phỉ Châu Phà - Vua trời (Mường Lống - Kỳ Sơn) do Già Xay Xua cầm đầu. Chúng lừa phỉnh, lôi kéo nhân dân, đã có một số người Mông vùng Mường Lống và lân cận theo phỉ Châu Phà chống phá cách mạng làm cho chính quyền nhân dân ở Kỳ Sơn lúng túng. Sau khi được gặp Bác Hồ lần thứ hai (2/9/1963), nghe theo lời Bác dạy, cụ Vừ Chông Pao đã cùng với chính quyền lúc bấy giờ mở hội nghị trong rừng, mời những người đầu họ, đầu dòng, người có uy tín để tuyên truyền đường lối của cách mạng, đề ra cách cảm hóa, nói rõ chính sách khoan hồng, không tử hình, không bắt cải tạo đối với những người đã lầm lỡ theo phỉ Châu Phà để từ đó họ tin và trở về với cách mạng, về với nhân dân. Bằng cách đó, Cách mạng đã thu phục, cảm hóa phỉ Châu Phà mà không phải bắn một viên đạn nào.
“Nước Việt Nam là một, các dân tộc Việt Nam là một”
Cụ Vừ Chông Pao luôn luôn nhắc nhở và khẳng định với đồng bào Mông và các dân tộc nơi biên giới miền Tây xứ Nghệ câu nói đã trở thành chân lý của Bác Hồ “Nước Việt Nam là một, các dân tộc Việt Nam là một” để các dân tộc nơi biên giới Tây Nam của Nghệ An không ngừng củng cố và vun đắp khối đại đoàn kết trong giai đoạn cách mạng mới. Từ khi thành lập chính quyền ở huyện Kỳ Sơn đến nay, cụ Vừ Chông Pao - Anh hùng LLVT nhân dân đã trải qua nhiều cương vị công tác, nay cụ được Đảng, Nhà nước cho về nghỉ hưu trên cương vị Phó Chủ tịch danh dự Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, vinh dự nhận Huy hiệu 50 năm tuổi đảng.
Khi được hỏi, cụ có băn khoăn hay muốn dặn dò gì đồng bào các dân tộc biên giới, cụ nói: “Tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chắc chắn các dân tộc ở vùng biên giới nơi đây sẽ đoàn kết nghe theo Đảng. Sau khi độc lập, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách ưu tiên hỗ trợ đồng bào xây dựng, ổn định và phát triển cuộc sống, ngày nay cũng vậy. Quê hương Kỳ Sơn đang phát triển cùng đất nước. Tôi rất muốn làm nhiều việc theo tấm gương của Bác Hồ. Những lời Bác Hồ dạy tôi như mới hôm qua, còn mới lắm. 54 dân tộc phải đoàn kết nhau lại như một bó đũa, phải xác định đúng ai là kẻ thù của ta. Các dân tộc nơi biên giới huyện Kỳ Sơn hãy tích cực làm theo lời Bác Hồ, giữ yên biên giới, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu là đã góp phần cùng nhân dân, các dân tộc trong cả nước xây dựng Tổ quốc Việt Nam”.
Lang Lương
(Ban Tuyên giáo Huyện ủy Kỳ Sơn)