(Baonghean) - Hiện diện bên ngoài biên giới quốc gia của mình dù bởi lý do gì - an ninh, chính trị hay kinh tế - cũng là một nước cờ hết sức mạo hiểm. Một ván cờ hấp dẫn bằng những lợi ích khổng lồ mà những “mỏ vàng” ở vùng đất lạ có thể mang lại, nhưng cũng chứa không ít rủi ro một khi không còn hậu phương vững chắc. “Đem chuông đi đánh xứ người”, đó là nước cờ quen thuộc của các quốc gia lớn trên thế giới, bởi sự lớn mạnh của quyền lực cũng đồng nghĩa với việc những biên giới lãnh thổ không sớm thì muộn sẽ trở nên chật chội.
Mỹ “nấn ná” tại Afghanistan: kẻ mừng, người lo
Thứ Ba, ngày 24/3, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố giữ nguyên quân số 9.800 lính Mỹ đóng tại Afghanistan cho đến cuối năm 2015. Một quyết định nhằm đảm bảo tình hình an ninh tại quốc gia này 3 tháng sau khi quân của NATO rút vĩnh viễn khỏi lãnh thổ Afghanistan và sự bất lực của quân đội Kabul ngày càng bộc lộ rõ.
Vốn dĩ, theo hiệp ước song phương về quân sự mà Mỹ và Afghanistan ký kết năm 2014, đến cuối năm 2015, số lính Mỹ đóng tại Afghanistan sẽ giảm từ 9.800 xuống còn 5.500. Tuy nhiên, với tuyên bố mới nhất của Tổng thống Mỹ thì có vẻ như 13 năm hiện diện của các lực lượng vũ trang quốc tế - đặc biệt là Mỹ - sẽ còn tiếp tục nối dài trong bối cảnh bất ổn chưa có cái kết ở Afghanistan. Mặc dù Tổng thống Mỹ cũng đồng thời cam kết rằng đến cuối năm 2016, sẽ chỉ còn hơn 1.000 lính Mỹ tại quốc gia này - con số đủ để bảo vệ đại sứ quán và các quan chức Mỹ làm việc tại đây. Có vẻ như, từng đó vẫn là chưa đủ để xoá bỏ nỗi sợ hãi của người Mỹ về một kịch bản Iraq sẽ tái diễn. Sự rút quân nhanh chóng của lính Mỹ khỏi lãnh thổ Iraq để lại một khoảng trống khổng lồ mà lực lượng phiến quân đã nhanh chóng tận dụng để uy hiếp chính quyền và quân đội bị suy yếu.
Quyết định trì hoãn rút quân này đã được tuyên bố nhân chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani. Ông hết sức hoan nghênh quyết định trên của Tổng thống Mỹ, đồng thời cũng đưa ra cảnh báo về mối hiểm hoạ mang tên IS đang chạm đến châu Á. Tổng thư ký của khối NATO, ông Jens Stoltenberg thậm chí đã triệu tập một cuộc họp báo tại Washington để hoan nghênh chủ đích của Mỹ. Trong khi đó, một số nhà ngoại giao phương Tây tại Kabul thì nhận định quyết định này là một “lời thừa nhận yếu đuối”. Song song với việc trì hoãn rút quân, Nghị viện Mỹ và Nhà Trắng cũng hứa sẽ chi một khoản ngân sách tương xứng để duy trì lực lượng cảnh sát và quân đội Afghanistan với quân số là 352.000 người. Chính quyền Afghanistan chỉ phải chi 16% tổng ngân sách đang trong tình trạng cực kỳ hạn hẹp.
Trên thực tế, tình hình ở Afghanistan tồi tệ hơn những gì mà người ta thường nói. Một phần lớn các khu ngoại ô - nơi người dân sinh sống chủ yếu, đang nằm trong sự kiểm soát của các thành phần phiến loạn. Một quan chức của Liên hợp quốc tại Kabul cho biết: “Các thành phố và trung tâm của các quận thì nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Kabul. Người ta lấy đó ra làm cơ sở để kết luận - một cách hơi phiến diện - rằng đất nước vẫn đang trong tình trạng được kiểm soát”. “Mùa” khởi động giao chiến truyền thống là mùa Xuân và tính từ đầu năm đến nay thì số người thiệt mạng vẫn không ngừng tăng lên, đặc biệt là tại vùng Helmand - vùng đất đầu não lâu đời của lực lượng Taliban ở phía Nam đất nước.
Thứ Tư, ngày 25/3, một vụ khủng bố tự sát đã diễn ra ngay giữa trung tâm Kabul ở gần điện Tổng thống khiến 7 người thiệt mạng và 36 người bị thương. Trước đó nữa, ngày 26/2, một vụ khủng bố nhắm vào đoàn xe ngoại giao đến Thổ Nhĩ Kỳ của NATO cũng đã khiến 2 người thiệt mạng. Điều đáng lưu ý nhưng lại rất hay bị bỏ qua là thường dân là nạn nhân chính của tình trạng bất ổn về an ninh nói trên. Kể từ năm 2009 đến nay, 17.774 thường dân đã thiệt mạng; 29.971 người bị thương. Con số thiệt mạng và bị thương có xu hướng tăng lên hàng năm: 7.590 vào năm 2012; 8.637 vào năm 2013 và 10.548 vào năm 2014 (tăng 22% so với năm trước đó).
Đáp lại tuyên bố của Tổng thống Mỹ, phong trào Taliban đã hồi đáp thông qua người phát ngôn Zabiullah Mujahid rằng hy vọng hàn gắn đất nước Afghanistan sẽ lại giẫm chân ở điểm chết, bất chấp những dấu hiệu tích cực hồi cuối tháng 2 và đầu tháng 3 vừa qua. Các hãng truyền thông đã tiết lộ rằng có sự trao đổi, đối thoại trực tiếp giữa Taliban, Mỹ và chính quyền Kabul tại Qatar - điều mà cả “Tiểu vương quốc hồi giáo Afghanistan” - đầu não của phong trào Taliban và Washington bác bỏ. Bộ máy điều hành Taliban đã tuyên bố: “Chính quyền Afghanistan, với bản hiệp ước ký kết với Mỹ, đã dấn sâu vào những hành động chống lại đạo Hồi và thúc đẩy bọn xâm lược kéo dài sự hiện diện của mình trên lãnh thổ Hồi giáo”. Có vẻ như mối thâm thù giữa Mỹ và các lực lượng vũ trang Hồi giáo tại Trung Đông sẽ lại tiến thêm một bước - nhưng theo một hướng không lấy gì làm tốt đẹp.
Khi cánh cửa quốc tế khép lại với Trung Quốc
Thứ Tư, ngày 25/3, Uỷ ban liên minh châu Âu EU quyết định đánh thuế một số loại thép không gỉ nhập khẩu từ Trung Quốc. Một thông tin làm khuấy động sản chứng khoán của các nhà sản xuất châu Âu và không lấy gì làm tốt đẹp đối với các nhà sản xuất Trung Quốc.
Quyết định này chính thức có hiệu lực vào thứ 5 ngày 26/3, là kết quả của vụ kiện do Eurofer - tập đoàn sản xuất thép châu Âu khởi xướng vào ngày 13/5/2014. Theo đó, các nhà sản xuất Trung Quốc và Đài Loan bị cáo buộc cố tình bán phá giá thép không gỉ xuất sang châu Âu trong những năm gần đây. Theo Brussels, biên độ phá giá của các nhà sản xuất thép Trung Quốc đại lục năm 2013 là 34,9%, của Đài Loan là 12%. Kết quả: lượng xuất khẩu sang châu Âu đã tăng lên đến 70% từ năm 2010 đến năm 2013. Trong khi đó, sản lượng thép châu Âu sụt giảm 5%, số lao động trong lĩnh vực này giảm 11% và vốn đầu tư giảm 17%. Eurofer nhận định tình trạng của các nhà sản xuất châu Âu đang ngày một tồi tệ do việc nhập khẩu thép không gỉ từ Trung Quốc và Đài Loan không có dấu hiệu chững lại.
Để đảm bảo sự công bằng giữa các nhà sản xuất châu Âu và châu Á, Brussels đã quyết định áp dụng mức thuế tạm thời đối với các tấm thép không gỉ nhập khẩu từ 10.9% đến 25.2%, tuỳ thuộc vào nhà sản xuất. Những đối tượng chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất từ chính sách thuế quan mới này là Baosteel và Ningbo Baoxin của Trung Quốc. Luật thuế mới dự kiến sẽ có hiệu lực tạm thời trong vòng 6 tháng. Một nghiên cứu điều tra chuyên sâu sẽ được thực hiện và cho kết quả vào tháng 9 năm 2015, khi đó, liên minh châu Âu sẽ quyết định duy trì hay không mức thuế này trong khoảng thời gian 5 năm.
Chắc chắn đây không phải là tin vui đối với ngành công nghiệp thép của Trung Quốc. Sở dĩ các nhà sản xuất nước này bán phá giá thép sang châu Âu là bởi sản lượng của ngành này vượt quá xa so với nhu cầu tiêu thụ quốc nội. Bất chấp sự giảm tốc trong tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ nhì hành tinh, ngành công nghiệp nặng tại quốc gia này vẫn tiếp tục “phình to” trong những năm vừa qua. Các lò luyện thép cho phép tạo ra nhiều công ăn việc làm và đem lại nguồn thuế khổng lồ nên được các chính quyền địa phương khích lệ. Trong bối cảnh đó, các chính quyền địa phương tại Trung Quốc được cho là đã khai khống sản lượng thép của mình để tránh việc bị chỉ định giảm sản lượng bởi chính quyền trung ương. Ước tính, 40 triệu tấn sản lượng đã bị “tẩy xoá” khỏi thống kê chính thức của ngành công nghiệp kim loại - con số này tương đương với tổng sản lượng của Đức.
Như vậy, việc châu Âu đưa ra luật thuế mới chống phá giá đồng nghĩa với việc loại bỏ chiếc phao của ngành công nghiệp sắt thép Trung Quốc. Trước đó, thứ Tư, ngày 18/3, tập đoàn Anshan - nhà sản xuất lớn thứ hai Trung Quốc đã thông báo đóng cửa một lò luyện ở Tứ Xuyên, phía Tây Trung Quốc - giải pháp duy nhất để cắt giảm sản lượng. Tại vùng Hà Bắc, nơi có thủ đô Bắc Kinh và cũng là trung tâm của vành đai công nghiệp than và kim loại quốc gia, chính quyền trung ương đã ra lệnh cắt giảm 60 triệu tấn sản lượng khỏi con số 250 triệu của vùng.
Bắc Kinh hy vọng từ nay đến năm 2017 sẽ củng cố được ngành công nghiệp này và cân bằng giữa tỷ lệ cung và cầu quốc nội. Có nghĩa là bản thân Trung Quốc cũng nhận thức được những yếu điểm trong chính sách phát triển ồ ạt, không quy hoạch của mình - lý do khiến cho vùng lãnh thổ rộng lớn nhất nhì hành tinh này cũng trở nên chật chội, không dung chứa nổi một nền kinh tế “phình to” nhanh đến chóng mặt. Nếu như việc hướng ra quốc tế từng là cứu cánh và cũng là yếu tố thúc đẩy kinh tế Trung Quốc phát triển thì bây giờ, cánh cửa đó dường như đã bị thu hẹp lại đáng kể. Không chỉ tại thị trường châu Âu, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với sự “trỗi dậy” của Ấn Độ và sự “tỉnh giấc” của Nhật Bản - hai đối thủ đáng gờm. Đặc biệt, mới đây nhất, những tham vọng của Trung Quốc tại Sri Lanka đã bị “dội một gáo nước lạnh” khi có sự chuyển giao quyền lực tại quốc gia có vị trí địa lý cực kỳ chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương này.
Thục Anh(Theo Le monde)