(Baonghean) - Là vị tổng thống trẻ tuổi nhất trong lịch sử Nền Đệ Ngũ Cộng hòa Pháp, “tiếng lành đồn xa” đến tận những quốc gia khác trên thế giới, nhưng ông Emmanuel Macron lại đang nhận được nhiều đánh giá trái chiều từ chính người dân của mình sau 100 ngày nhậm chức.

Vật đổi sao dời

Theo tờ DW, thời kỳ “mật ngọt” hậu bầu cử của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã khép lại. Và giờ đây, 100 ngày sau khi ông đắc cử, người dân Pháp đang ngày càng “khắt khe” với chủ nhân Điện Élysée. Bằng chứng dễ thấy nhất là kết quả nghiên cứu dư luận của viện Ifop, cho thấy chỉ 36% cử tri tại quốc gia này tỏ ý hài lòng với nhà lãnh đạo trẻ tuổi của họ.

Điều này đồng nghĩa với thực tế là ông Macron còn kém hơn cả những người tiền nhiệm ít được lòng dân là Nicolas Sarkozy (66%) và Francois Hollande (55%), gióng lên một hồi chuông cảnh báo đối với Macron. Trong những tuần lễ gần đây, có thể thấy rõ sự không hài lòng, bất mãn đang dần gia tăng, và báo giới đã bắt đầu chú ý tới tỷ lệ ủng hộ đang sụt giảm mà cử tri Pháp dành cho ông.

1502850392501.jpgMacron không được ủng hộ nhiều ở Pháp, nhưng lại là gương mặt được lãnh đạo các quốc gia mến mộ. Ảnh: dpa

Ngoài những biện pháp cải cách áp dụng trên thực tế thì chính tính cách được miêu tả là độc đoán của vị chính khách 39 tuổi này cũng vấp phải không ít chỉ trích. Mối bất hòa không giấu diếm của Macron với người đứng đầu các lực lượng vũ trang Pháp Pierre de Villiers - điều khiến ông này phải từ chức - cũng lưu lại ấn tượng không mấy tốt đẹp trong lòng dư luận.

Lật lại quá khứ, Macron từng có thời gian giữ cương vị cố vấn kiêm bộ trưởng kinh tế dưới thời người tiền nhiệm Hollande. Tuy vậy, trong chiến dịch vận động tranh cử, Macron lại nhấn mạnh rằng ông sẽ tách bạch mình khỏi tầng lớp chính trị Pháp - giới tinh hoa bị nhiều cử tri nhận xét là lợi dụng nhà nước để phục vụ mục đích riêng.

Để rồi giờ đây, khiêm tốn và giản dị đã trở thành “câu thần chú” của chính phủ nước này. Vào đầu tháng 8, Quốc hội Pháp đã bãi bỏ nhiều đặc quyền vốn dành cho các nghị sỹ, bao gồm các điều kiện đặc biệt về lương hưu và bảo hiểm thất nghiệp. Ngay cả cái gọi là cơ quan dự trữ quốc hội - một thể chế cũ từng giữ vai trò thông qua các khoản ngân sách chi cho các nghị sỹ để tự ý sử dụng trong khu vực bầu cử của mình thì hiện cũng đã trở thành dĩ vãng.

Quy định mới về “đạo đức hóa hoạt động chính trị” không chỉ ràng buộc các thành viên trong Quốc hội Pháp. Các quan chức được bổ nhiệm ở các cấp bậc khác của chính phủ giờ đây cũng không còn được phép tuyển dụng người nhà vào làm việc. Tuy nhiên, phe đối lập bảo thủ hiện lại đang có dự định đề xuất Hội đồng Hiến pháp xem xét ngừng lệnh cấm này, với lập luận rằng nó vi phạm các nguyên tắc chống phân biệt đối xử và muộn nhất đến tháng 9 tới những người “cầm cân nảy mực” sẽ được ra câu trả lời chung cuộc về vấn đề này.

Cải cách và cắt giảm

“Trái tim” của loạt cải cách đầu tiên mà ông Macron đưa ra trong 100 ngày đầu tại nhiệm chính là bộ luật lao động được tự do hóa. Chính phủ muốn thu bớt quyền lực và cho phép các tổ chức công đoàn và quản lý tự đưa ra quyết định. Quy định nới lỏng này được cho là sẽ khuyến khích tạo thêm việc làm, ứng phó với tỷ lệ thất nghiệp hiện đang ở mức cao trong nhiều năm trở lại đây.

Những chi tiết cụ thể hơn về dự luật này vẫn đang trong vòng đàm phán, thảo luận, và kết quả dự kiến sẽ được công bố vào ngày 31/8 tới khi kỳ nghỉ hè kết thúc. Quốc hội Pháp hiện đã dọn đường cho chính phủ thực hiện tự do hóa mà không cần đến một cuộc bỏ phiếu của các nghị sỹ. Tuy nhiên, các kế hoạch tái cấu trúc lương hưu và bảo hiểm thất nghiệp mà Tổng thống Macron ấp ủ sẽ bị trì hoãn cho tới năm sau.

Cải cách luật lao động là một vấn đề khá nhạy cảm tại Pháp. Ảnh: pa

Không chỉ có vậy, sau nhiều năm “phá rào” phạm luật, giờ là lúc nước Pháp muốn giành lại tín nhiệm trong Liên minh châu Âu (EU) và chẳng nghi ngờ gì đây cũng là một trong những vấn đề nổi bật nhất trong chiến dịch tranh cử của Macron.

Ấy nhưng, để đáp ứng bộ tiêu chí Maastricht vào cuối năm nay, Paris buộc phải cắt giảm mạnh chi tiêu, mà trước hết đối tượng bị nhắm đến là các khoản ngân sách dành cho quốc phòng, và kế đó cùng chung số phận là các khoản hỗ trợ dành cho các địa phương và bộ, ngành của Pháp.

Song chỉ bấy nhiêu đó chưa đủ, Chính phủ Pháp cũng đã quyết định đưa luôn cả các chương trình xã hội vào diện cắt giảm. Trong đó, một khoản giảm 5 euro mỗi tháng tiền trợ cấp nhà ở dành cho những người khó khăn bắt đầu từ tháng 10 năm nay đã khơi mào bùng lên cơn lốc xoáy biểu tình bạo lực - và dĩ nhiên, càng “thêm dầu vào lửa” khiến tỷ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống Macron giảm sút thêm.

Một biện pháp cũng không mấy được đồng thuận nữa là khoản tăng đóng góp an sinh xã hội. Biện pháp này sẽ đánh mạnh vào bộ phận hưu trí, bởi họ là những người không có cách nào để giảm các khoản thuế. Với độ tuổi nghỉ hưu sớm là 62 tuổi, cùng những khoản lương hưu không hề nhỏ khi đặt trong mối tương quan với thế giới, đây là tầng lớp xã hội được xem là “đặc quyền đặc lợi” bậc nhất nước Pháp hiện nay.

Sức ép từ dư luận

Nếu như những người tiền nhiệm của ông Macron muốn thực thi cải cách nhưng sức ép dư luận cùng các đối thủ trong đảng đẩy họ vào thế lúng túng, thì vị tổng thống hiện nay của nước Pháp lại tỏ ra vượt trội hơn về khía cạnh này. Các nghiệp đoàn trung dung hiện đã can dự vào các dự án cải cách quan trọng, Hội canh tân đời sống chính trị (La Republique en Marche) còn non trẻ, thiếu kinh nghiệm trên chính trường của ông Macron đang lội ngược dòng đảng phái, và hầu như không có điều gì khiến ông phải dè chừng phe đối lập.

Thế nhưng, phản ứng trước khoản cắt giảm khá nhỏ hàng tháng là 5 euro trợ cấp nhà ở cũng đã cho chính phủ nước này thấy mức độ lan nhanh chóng mặt của lòng bất mãn trên khắp nước Pháp. Các cuộc thăm dò cho thấy khoảng 2/3 dân chúng Pháp phản đối cải cách thị trường lao động, song chưa đủ để phát đi tín hiệu rõ ràng. Việc giảm bớt đặc quyền của giới chính khách cũng chưa đủ để thỏa mãn người dân.

Chỉ một bộ phận thiểu số tin rằng “đạo đức hóa các hoạt động chính trị” thực sự hiệu quả, hữu ích. Và như vậy, vấn đề được dư luận quan tâm là liệu nhà lãnh đạo trẻ tuổi của nền Đệ Ngũ Cộng hòa sẽ tính toán bước đi ra sao sau 100 ngày đầu nắm giữ trọng trách, để chống chọi với những sức ép không hề đơn giản từ phía người dân Pháp, trong đó bao gồm cả những cử tri từng ưu ái dành lá phiếu cho ông trong cuộc đua hồi đầu năm.

Thu Giang

TIN LIÊN QUAN