(Baonghean.vn) - Khèn bè là nhạc cụ đặc trưng, lưu truyền từ bao đời nay và được xem là “điệu hồn” của dân tộc Thái. Với bà con người Thái, ngày vui không thể thiếu tiếng khèn bè.

Kho tàng nhạc cụ dân tộc Thái khá phong phú với hệ thống các loại pí, khèn, xi-x lò, đàn tập tinh, cồng chiêng... Nhưng có lẽ độc đáo và hấp dẫn nhất chính là chiếc khèn bè. Bởi lẽ, với 5 cung khác nhau, khèn bè có thể diễn tả được hầu hết các cung bậc của cảm xúc con người, tiết tấu khèn bè có thể đệm được cho nhiều thể loại âm nhạc, từ những khúc hát dân ca đến những bài hát thời hiện đại. Trong ảnh: Bộ Sưu tập nhạc cụ dân tộc Thái của ông Lương Văn Phỏng, bản Tân Sơn, xã Môn Sơn (Con Cuông).
Kho tàng nhạc cụ dân tộc Thái khá phong phú với các loại pí, khèn, xi-x lò, đàn tập tinh, cồng chiêng... Nhưng có lẽ độc đáo và hấp dẫn nhất vẫn khèn bè. Với 5 cung khác nhau, khèn bè có thể diễn tả được hầu hết các cung bậc của cảm xúc con người, có thể đệm được cho nhiều thể loại âm nhạc, từ những khúc hát dân ca đến những bài hát thời hiện đại. Trong ảnh: Bộ Sưu tập nhạc cụ dân tộc Thái của ông Lương Văn Phỏng, bản Tân Sơn, xã Môn Sơn (Con Cuông).
Nguyên liệu chế tác khèn bè là 14 khúc nứa loại nhỏ với kích thước dài ngắn khác nhau và ghép thành 7 đôi nằm song song để tạo thành một khối. Trong ảnh: Ông Lương Văn Phỏng đang chế tác khèn bè.
 Khối nứa này được liên kết với nhau bằng một chiếc bầu bằng gỗ, trên các khúc nứa này được các nghệ nhân tạo các lỗ thoát hơi và gắn các lam đồng.
Là con trai cố nghệ nhân dân gian Vi Đình Công, anh Vi Thanh Hải ở bản Chắn, xã Thạch Giám (Tương Dương) đang nối bước người cha trong việc chế tác khèn bè. Những chiếc khèn do anh chế tác đang được người Thái khắp các bản làng gần xa đến đặt mua.
Khèn bè đòi hỏi người sử dụng phải thật sự khéo léo, tinh tế và giàu cảm xúc, nói cách khác là phải có tâm hồn nghệ sỹ. Những người giỏi chế tác và sử dụng nhạc cụ khèn bè được dân bản phong là nghệ nhân. Trong ảnh: Nghệ nhân Vang Văn Phùng, bản Phòng, xã Thạch Giám (Tương Dương) với chiếc khèn bè.
Khèn bè là nhạc cụ đa năng, nhưng nó phát huy hiệu quả cao nhất khi đệm cho những làn điệu dân ca Thái (khắp, lăm, nhuôn, xuối). Trong ảnh: Anh Vi Thanh Hải đệm khèn bè cho vợ thể hiện làn điệu khắp.
Mỗi khi chế tác xong chiếc khèn bè ưng ý, anh Vi Thanh Hải thường mời những người lớn tuổi trong xã, có kinh nghiệm sử dụng đến thử âm và thưởng thức những giai điệu êm ả, mượt mà. 
Cùng với cồng chiêng, khắc luống và các loại khèn, pí, chiếc khèn bè làm nên bản hòa tấu rộn ràng, náo nức, thể hiện niềm lạc quan, yêu đời và tinh thần đoàn kết của cộng đồng dân tộc Thái.
Với hầu hết các bản làng dân tộc Thái, ngày hội và ngày vui không thể thiếu âm thanh dìu dặt của khèn bè, vì đó chính là "điệu hồn" dân tộc.

 Công Kiên