(Baonghean) - Phải khi đứng trên mỏm đồi sâu trong khu Mạc Điền chè xanh vòng sóng dưới chân, lớp lớp trải rộng những sườn lũng, ngút ngát xanh sánh cả lên sắc nắng hút miên man tầm mắt, thì tôi mới hiểu được những tâm sự có phần chất chứa của ông chủ tịch xã Hùng Sơn (Anh Sơn), mà hóa ra đó chỉ là ông đang thốt lên những nỗi niềm khát vọng đổi đời của đất và người ở đây...Cuốc xe ôm chóng vánh bốn, năm cây số ôm eo anh tài người Tường Sơn mặn chuyện, cứ nào bác là nhà báo về viết cây chè Hùng Sơn à? Hay là khách thân quen của cái ông bí thư ấy, ông chủ tịch ấy mới đánh cờ với nhà cháu bên ni ý mà?... Hồ hởi ấy của anh xe ôm đã trấn an cái lo lắng tìm ra chuyện để hóng để viết nơi tôi muốn đến từ cái sự đi ngẫu hứng nhưng dứt khoát phải “được việc” vốn chuyện chẳng thể đừng. Giữa những mảng đồng bãi ven sông lúa ấy, ngô ấy và lác đác “nương dâu dĩ vãng” được vệt lên một nét đỏ của ngã đường đất nối từ cầu treo chạy vào thôn mạc Hùng Sơn, đã thật dễ đánh lừa cảm giác người mới đến về một vùng đất đói nghèo lưu cữu. Dãy nhà trụ sở xã cũ kỹ lè tè thấp thoáng sau những keo, bạch đàn trông như nông trường bộ của một thời bao cấp đã xa. Nhưng ngay lập tức tôi đã vỡ ra cái nhầm đầu tiên khi phát hiện cạnh đó đang sức vóc một tòa nhà cao tầng khang trang khẩn trương tiến độ... Đứng trong căn phòng rộng thênh, vật dụng đơn sơ cũ kỹ của chủ tịch xã, chưa kịp rút điện thoại a lô xin gặp, thì đã nghe tiếng chào hỏi trước tiếng bước chân. Cái bắt tay hôi hổi và ánh nhìn thiện cảm từ phút giây gặp đầu tiên khiến cho tôi thôi ý định làm cái việc hết sức thủ tục là trình thẻ tác nghiệp, đưa đẩy lý do để bây giờ đến xã nhà đây, gặp đồng chí đây, xin làm việc về vấn đề, nội dung này nọ!Trước sự sốt sắng muốn đảo thăm một vòng ngàn xanh Mực Điền mà tôi đã nghe qua lời kể hào hứng của các đồng nghiệp, ông Chủ tịch xã Võ Văn Hiền dứt khoát làm một việc mà tôi cứ suy ra là ông đang muốn dẫn chuyện bằng hương vị tinh túy của thứ cây thứ lá đang ngày một làm no ấm lên đời sống người dân Hùng Sơn: Chiêu một ấm trà xanh từ sản phẩm chè Hùng Sơn đã tự tin nhãn hiệu bao bì trên thị trường trong, ngoài nước. Chẳng phải là người sành trà lá, nhưng tôi đã có cái lâng lâng khi óm chặt ly trà trong lòng bàn tay mà hít hà hương thơm dịu, thong thả thưởng thức vị trà chát ngọt đọng mãi... Ấy có thể là tôi bắt đầu cảm nhận được một thứ “tình cây và đất” đã thực sự “hút” tôi về sau này...“Tức là không văn bản báo cáo, mục tiêu, chỉ số năm này kỳ này...  nhà báo nhé?.”. Tôi biết ông chủ tịch xã muốn tránh sự thường phải làm của ông là một năm tiếp cỡ hàng chục phóng viên các báo đài đến viết, tìm hiểu về kinh tế - xã hội của địa phương này mà nhờ cây chè người dân đã có sự đổi đời kỳ diệu trong chóng vánh 10 năm. Thì đi! Chưa hết tuần trà, người giục dã bây giờ lại là ông chủ tịch xã. Chúng tôi khởi hành trên chiếc xe máy của ông, cồng cộc lốp cao su căng nảy trên lổn nhổn đường thôn xuyên vào vùng chè xanh như không có điểm cùng. Đã ấm áp lên rồi một sắc diện mới nông thôn Hùng Sơn mà chỉ vài, ba năm trước thôi đang diệu vợi quãng đường và lòng người muốn đi, muốn đến bởi cách trở đò sông nếu muốn ra Quốc lộ 7, hay trùng trùng núi xa xôi tới bốn mươi cây số nếu muốn len lỏi xuống mạn Tân Kỳ đưa hạt ngô, cây keo, cân chè về nơi chế biến nguyên liệu. Cây cầu treo bắc qua sông Lam từ xã Tường Sơn sang bãi bờ Hùng Sơn nơi đò Rồng bến Ngự huyền sử, được khánh thành năm 2012, cùng với thông tuyến mở rộng cung đường nguyên liệu phía bên này xuống Tân Kỳ đã thức tỉnh hẳn giấc ngủ ngàn năm đất đai màu mỡ đợi tâm huyết và công sức của con người...

Khát vọng xanh Hùng Sơn ảnh 1

Nông dân Hùng Sơn thu hoạch chè. Ảnh: Đ.S

Chưa phải là địa phương có vùng nguyên liệu lớn nhất xứ chè xanh Anh Sơn, nhưng có thể cho Hùng Sơn là vùng nguyên liệu chè tập trung chất lượng nhất, đẹp nhất Nghệ An, sánh được với những vùng chè thơ mộng nổi tiếng Tây Bắc. Và sẽ càng thêm ngưỡng mộ khi biết rằng, sản phẩm chè Hùng Sơn đang đóng vai trò chủ đạo cho thương hiệu chè trà Nghệ An trên thị trường trong, ngoài nước! Cảm nhận ấy, điều “hóng” được ấy là khi tôi được ông chủ tịch xã dẫn lên một mỏm đồi cao không tên, và quả thực tôi đã choáng ngợp trước vẻ đẹp đầy sức dồn nén sự sống trên đất đai từ lớp lớp chè xanh vòng sóng dưới chân, trải mênh mông trên những sườn lũng, ngút ngát xanh sánh cả lên sắc nắng hút miên man tầm mắt. Những con đường sỏi đỏ uốn lượn viền lấy những đồi chè nhộn công nông, máy kéo, xe thồ, bò lốp chở chè thu hái về nhập cho Xí nghiệp chế biến- dịch vụ chè Hùng Sơn.  Trong rờ rỡ nắng rộn rã âm vang tiếng máy hái chè lan xa trên những sườn núi, lũng núi... Người dân Hùng Sơn nay lên giàu chẳng phải chỉ mỗi từ biết trồng cây chè, mà còn áp dụng nhiều biện pháp chăm bón và đặc biệt là nâng năng suất thu hái đảm bảo lịch vụ bằng sắm máy hái chè.“10 năm để có được một vùng nguyên liệu chè 420 ha thuần giống mới như bây giờ, gói gọn lại chỉ nhờ từ khát vọng thức dậy tiềm năng đất đai của lãnh đạo và nhân dân Hùng Sơn suốt mấy chục năm qua đấy!”-  Chủ tịch xã Võ Văn Hiền cho tôi biết cái khát vọng xanh Hùng Sơn thăng trầm mong ấm no từ làn gió đổi mới của cả quê hương, đất nước. Nghĩa là để một vùng núi rừng rộng lớn Mạc Điền (tên gốc là Mực Điền gắn với địa danh Lèn Bút bên sông và từng được điểm đến trong dẫn sử về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi và phong trào Cần Vương do vua Hàm Nghi khởi xướng) xanh cây chè như hôm nay, là bao mồ hôi, công sức của các thế hệ lãnh đạo, người dân Hùng Sơn thử nghiệm từ bao giống cây, con... mà những tưởng rồi phải buông xuôi để rừng hoang dại, quay ra trồng cây dâu ngoài bãi.Men theo lũng núi Mạc Điền, chúng tôi lại xuyên những miên man chè trở về trung tâm xã, ghé qua Xí nghiệp chế biến - dịch vụ chè Hùng Sơn (trực thuộc Công ty ĐT-PT chè Nghệ An). Cả một không khí náo nhiệt trong thu mua, chế biến. Giám đốc Xí nghiệp Trần Văn Long cho biết, công suất chế biến 45 tấn chè/ngày của xí nghiệp đang đảm bảo đáp ứng  tốt việc thu mua nguyên liệu cho vùng chè Hùng Sơn.Anh cũng khẳng định xác nhận với tôi, sản phẩm chè của vùng nguyên liệu Hùng Sơn đang là sản phẩm chủ đạo của thương hiệu chè Nghệ An, chiếm khoảng 30% sản lượng sản phẩm chất lượng cao của cả tỉnh. Có được điều đó, là vì Hùng Sơn đang là địa phương duy nhất có vùng chè tập trung diện tích lớn trồng thuần giống  LDP (1,2) mà loại giống mới này cũng đã được Viện Giống chè Trung ương xác định chỉ “đứng” được duy nhất ở Nghệ An sau khi trồng thử thất bại ở vùng chè Phú Thọ. Năm 2012, sản lượng chè búp của Hùng Sơn đạt 3.250 tấn, giá trị thu nhập đạt 10,07 tỷ đồng...

Chế biến chè ở Xí nghiệp chế biến - dịch vụ chè Hùng Sơn. Ảnh: Đ.S

Xê xế trưa, khi Bí thư Đảng ủy xã Hùng Sơn - Trần Đức Châu hẹn gặp tôi cùng chủ tịch Hiền và giám đốc Long, tôi mới biết mình đang đối diện với  ba “ngự lâm quân” đã tâm huyết đưa cây chè về đất Hùng Sơn, làm xanh lại mênh mông xứ Mạc Điền lịch sử.        ... Bắt đầu là từ năm 2000, khi Xí nghiệp chế biến chè Anh Sơn lâm vào thiếu nguyên liệu trầm trọng, hướng làm ăn vì thế rơi vào bế tắc. Trong trăn trở chung, Trưởng phòng Kế hoạch Trần Văn Long đã nhận nhiệm vụ đi tìm đất trồng chè. Vào Tết năm đó, khi Trần Văn Long và các ông Trần Đức Châu (lúc đó là chủ tịch xã), chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp kiêm Hội nông dân Võ Văn Hiền (tức ông chủ tịch xã bây giờ) gặp nhau tại phòng làm việc của Bí thư Huyện ủy Anh Sơn - Nguyễn Thanh Phùng – ý tưởng đưa cây chè vào đất Hùng Sơn hình thành, mà được coi như là một việc phiêu lưu; vì ngay cả ông Phùng lúc đó cũng chỉ khẳng định, Hùng Sơn tự cứu đói chỉ có cách trồng cây dâu ngoài bãi. Mà, trồng dâu thì mấy mùa xanh tốt, nhưng con tằm thì đã chối đất Hùng Sơn, chẳng nói đến chuyện cho tơ, mà không hiểu sao nuôi mãi cứ ngả ra chết lứa này lứa khác...Ông Châu nhớ lại: “Trước đó ròng rã bao nhiêu năm chúng tôi đã đi khắp nơi, đưa về đủ các loại cây giống để trồng với mong muốn duy nhất là Hùng Sơn có được một thứ cây trụ lại được để cứu đói cho dân. Vải, nhãn về không cho quả; hồ tiêu trồng cứ lụi dần, cây sắn cũng thất bại... Cây không được thì quay sang con, nhưng đưa dê về nuôi gầy mãi mới được đàn thì cũng là thời điểm giá dê sụt còn một phần ba! Nhân dân mất lòng tin dần... Bây giờ nghĩ lại, mới thấy việc đưa được cây chè vào thành công trên đất Hùng Sơn như là một cái duyên đất đai kỳ diệu vậy!”. Giám đốc Long tiếp lời: “Đất đai Hùng Sơn rất lý tưởng đối với cây chè, do có tầng đất dày, độ dốc các sườn đồi phù hợp. Cả vùng Mạc Điền này có thể nói như là một vùng tiểu khí hậu riêng biệt với sự chênh lệch thời tiết đêm và ngày rất cao... Từ đó cho ra sản phẩm chè trà cánh xoăn, nhỏ, chặt và hương vị rất đặc biệt được thị trường ưa chuộng. Xí nghiệp chúng tôi ngoài những hỗ trợ người dân trồng chè theo cam kết ban đầu, cũng đã chuyển giao thành công cho người trồng chè công nghệ sản xuất phân vi sinh bón cho chè, góp phần đảm bảo các tiêu chuẩn chế biến vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia và sản xuất sạch theo VietGAP”... Có một câu chuyện thú vị là, khi người dẫn đầu nhóm chuyên gia Nhật Bản sang chuyển giao dây chuyền công nghệ chế biến chè mới cho Xí nghiệp chế biến – dịch vụ chè Hùng Sơn, ông ấy biếu cho giám đốc Long một lạng chè Nhật Bản. Khi ông ta về, anh Long biếu đáp lễ một lạng chè Hùng Sơn, thì sau đó ít lâu ông ta đã vội vàng quay lại ký mua sản phẩm. Ấy, đã có cái tự tin, niềm tự hào vào thành quả hôm nay, nhưng những ngày “vạn sự khởi đầu nan” không chỉ có mồ hôi mà cả nước mắt. Ba “hàng ngự lâm” Trần Đức Châu, Võ Văn Hiền và Trần Văn Long đại diện cho hai “nhà” là nhà nước và nhà doanh nghiệp kiêm nhà khoa học phối hợp “làm chui” 3 ha chè. Làm chui, vì dân chưa tin, lãnh đạo huyện trừ Phó chủ tịch Đặng Bá Đồng đều không ủng hộ, tập thể xã không đồng tình; ngay cả vợ con cũng phải giấu, vì phải hy sinh đi những diện tích cây trồng trước đó... Đến khi, những lứa sản phẩm đầu tiên cho thu nhập, mừng đến ứa nước mắt. Bây giờ thì người dân Hùng Sơn thực đã gắn bó với cây chè, tích cực phát triển diện tích; cùng với tâm huyết mới của lãnh đạo xã, sự khích lệ của huyện và phối hợp tốt của Xí nghiệp chế biến – dịch vụ chè trên địa bàn, có thể nói không dễ ở  đâu có sự gắn kết “4 nhà” chặt chẽ như ở vùng nguyên liệu chè Hùng Sơn. Nói thêm là, Xí nghiệp chế biến – dịch vụ chè Hùng Sơn cũng là nơi đầu tiên ứng dụng thành công đề tài sản xuất phân vi sinh của Trung tâm Ứng dụng TB KHCN – Sở KH&CN Nghệ An. Bây giờ, ở Hùng Sơn, tham gia trồng chè hộ ít dăm bảy sào, hộ nhiều hàng héc-ta và cứ trồng chè là không ai nghèo nữa. Như vợ chồng Thái Doãn Khanh sinh năm 1978, thì trồng 1,3 ha chè, năm 2012 thu hái 23 tấn bán lãi ròng những 60 triệu đồng. Nhờ trồng chè, đôi vợ chồng trẻ này cũng đã xây được cơ ngơi nhà ở nửa tỷ đồng. Khanh bảo, nếu thuê nhân công làm thì tụi em vẫn thu lãi cỡ bốn chục triệu một năm. Thế sao không thuê lên đời ông chủ cho khỏe? Khanh cười: Trồng chè có cái say của nó, một ngày không ra nương chè làm là không chịu được! Chủ tịch Hiền cho hay, nhờ phát triển cây chè, đã giải quyết việc làm cho cả những hộ nghèo nhất của xã, hiện Hùng Sơn chỉ còn 9% hộ nghèo so 17% của cả huyện.Tạm biệt Hùng Sơn, tôi đã có cái lưu luyến ngập ngừng bước chân của người đi, khi chưa thực sự đủ thời gian lưu lại để hiểu hết về miền đất Mạc Điền - Hùng Sơn đang cựa mình mạnh mẽ xanh lên màu no ấm bền vững; để có thể đồng cảm được chăng  những tâm sự có phần chất chứa của ông chủ tịch xã nặng nỗi niềm khát vọng đổi đời của đất và người ở đây. Một khát vọng để vùng chè xanh Mạc Điền – Hùng Sơn có thể trở thành một vùng nguyên liệu kết hợp du lịch thắng cảnh sinh thái gắn với di tích Hùng thành khởi nghĩa Lam Sơn và dấu tích dáng hình đò Rồng bến Ngự huyền sử; mà, chỉ cần một điều kiện thôi: Nhà nước quan tâm hỗ trợ cho Hùng Sơn nhựa hóa đường vùng nguyên liệu; khi đó, sức phát triển bền vững của miền đất này có thể sẽ không còn là chuyện đáng bàn!

Đình Sâm