(Baonghean) - Chờ đợi mãi, rốt cuộc thì chuyến xe Du ca Việt đã “chạm ngõ” xứ Nghệ bằng một đêm nhạc chưa đầy 2 tiếng đồng hồ tại khán phòng trường Đại học Vinh. Một đêm nhạc dung dị, đằm thắm mà vẫn phảng phất ngẫu hứng, bất ngờ, lôi cuốn khán giả đến những nốt nhạc cuối cùng…
 
Du ca Việt đúng thực chất… du ca; bởi như chẳng có kịch bản cứng nhắc sẵn có nào, mà tất thảy, từ âm nhạc, nghệ sỹ, sân khấu đều nương theo nhịp xúc cảm tự nhiên. Nếu ai đã từng theo dõi hành trình của Du ca Việt thì không khó để nhận ra, “chất” văn hóa vùng miền luôn là nguồn cảm hứng chủ đạo của mỗi chương trình. Đã có Du ca Việt với miền quan họ Bắc Ninh, với đất chèo Thái Bình… thì nay, với Nghệ An, là một đêm của ví, giặm Nghệ Tĩnh – di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vừa được UNESCO vinh danh.
image_9902097.jpgTiết mục Ví phường cấy do các nghệ nhân của CLB Dân ca xã Hưng Tân (Hưng Nguyên) thể hiện.
...Dòng người đổ về khán phòng chính của Trường Đại học Vinh mỗi lúc một đông, dẫu còn gần 1 tiếng đồng hồ nữa sân khấu mới sáng đèn. Tất cả đều mang theo sự đợi chờ khấp khởi, cả chút ít tò mò nữa, rằng không biết “cái tay” Giám đốc âm nhạc của Du ca Việt – nhạc sỹ Lê Minh Sơn vốn nổi tiếng bởi độ “ngông” và “quái” sẽ chọn cách thể hiện nào để tôn vinh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh? Rồi lại “khéo Lê Minh Sơn sẽ biến dân ca ví, giặm thành chất dân ca đương đại, như kiểu “Chuồn chuồn ớt” hay “Bên bờ ao nhà mình”?...
 
Mới biết, Du ca Việt và nhạc sỹ Lê Minh Sơn dường như đã thành công  đầy dụng ý khi chương trình chưa được bắt đầu bởi đã dẫn dụ, khơi gợi sự tò mò cho người xem. 
 
Đúng 20h, sân khấu chính sáng đèn, lộng lẫy và hoành tráng. Trên nền maket sẫm màu, sáng lên giai điệu da diết của màn độc tấu violon do nghệ sỹ Trịnh Minh Hiền biểu diễn. Sự đắm say, phiêu du của người nghệ sỹ dường như đã nối gần khoảng cách trong khán phòng, và khi những nốt nhạc cuối cùng thả xuống, sân khấu ngay lập tức được chuyển cảnh. Bố cục giữa các tiết mục chặt chẽ, không có quãng thời gian hở và tất cả đều được âm nhạc kết nối khéo léo. Thanh âm trong trẻo của cánh đồng mùa vụ lúc ban mai, và những người nghệ nhân dân ca ví, giặm bắt đầu bước ra. Ồ, bộ áo nâu sòng dân dã, tay nắm mạ xanh non, tay gầu sòng tát nước; rồi nói, rồi cười… tất cả đều tự nhiên, diễn mà như không diễn, sân khấu mà như không sân khấu. Và những lời đối đáp đáo để của ví, giặm cất lên: “Cô kia tội lỗi về đâu/ Ngày ngày cô chổng phao câu lên trời; - Này anh cả, anh hai đó ơi/ Bây giờ nông vụ chí kỳ/ Em mà không chổng, lấy gì anh xơi…” Tiếng cười rộn lên trong khán phòng rộng lớn, mà không, trên cánh đồng mênh mông của xứ Nghệ yêu thương chứ, bởi hẳn rằng, kể từ giây phút những lời ca thân thuộc ấy cất lên, thì trong mỗi người đã có một “chất Nghệ” đã đau đáu chảy về trong huyết quản! 
Tiết mục dân ca ví, giặm trong chương trình Du ca Việt.
“Chất Nghệ” đậm đặc là thế, dung dị là thế, bởi những diễn viên trên sân khấu chính là những nông dân đích thực ở xã Hưng Tân (Hưng Nguyên). Từ 4 năm nay, họ có thêm niềm vui trong đời sống tinh thần khi gia nhập CLB dân ca xã nhà. Nghệ nhân Nguyễn Thị Hương (60 tuổi), người thể hiện thành công tiết mục “Phụ tử tình thâm” trên sân khấu Du ca Việt tâm sự, bà và các thành viên trong CLB rất bất ngờ khi được chương trình liên hệ. Bởi “bọn tui là nông dân, hát hò mộc mạc rứa thôi chơ có biết chi nhịp nhạc, nhịp đàn chuyên nghiệp mô. Cứ đời cha ông truyền sang đời con cháu, hát dân ca tự nhiên như hơi thở ấy mà!” – nghệ nhân Nguyễn Thị Hương bày tỏ. Thì có sao diễn vậy, và cái “có sao” ấy “ăn” sân khấu đến nỗi tràn lấp cả không gian bằng những đợt sóng vỗ tay tưởng như không ngớt của khán giả. 
 
Nhác thấy Lê Minh Sơn mỉm cười, trong thời khắc ấy. Dĩ nhiên rồi, anh hẳn phải rất vui khi chương trình nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của khán giả như thế. “Còn lẽ khác, thực ra tôi đã ngầm đánh cược với bản thân, khi quyết định chọn cách đưa dân ca ví, giặm từ tiếng hát của những người nông dân, thay vì cách sân khấu hóa hoặc mời các đoàn diễn chuyên nghiệp. May mắn cho tôi là mình đã đúng, và may mắn nữa là cái duyên gặp gỡ, đồng hành cùng Báo Nghệ An, và được mọi người tư vấn, giới thiệu cho những diễn viên không chuyên trên sân khấu hôm nay. Họ thực sự rất tuyệt vời”  - nhạc sỹ “Chuồn chuồn ớt” tâm sự.
 
Còn một niềm vui nữa với Lê Minh Sơn và Du ca Việt, mà có lẽ đương mải mê đắm theo nhịp chương trình, anh chưa kịp nhận ra, đó là hiệu ứng dân ca trong khán phòng tuyền những sinh viên trẻ Đại học Vinh tối hôm ấy. “Thú thực em chưa bao giờ nghe dân ca xứ Nghệ, nhưng hôm nay được xem trực tiếp như thế này thấy tiếc nuối vì mình đã bỏ qua một loại hình âm nhạc rất hấp dẫn của quê hương. Đặc biệt là ngôn từ đối đáp, nó giản dị và đời thường nhưng thu hút vô cùng”  - sinh viên Cao Bảo Lâm, khoa Luật, Đại học Vinh chia sẻ....Và, ngót ngàn sinh viên đang vòng trong, vòng ngoài xem Du ca Việt đêm ấy cũng đã chung sự cảm nhận đầy hứng khởi như thế. Và nói như GS.TS Đinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh, thì “trên sân khấu Du ca Việt, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã thấm vào lòng thế hệ trẻ, khơi gợi tình yêu và niềm tự hào về quê hương, đất nước. Một chương trình đầy ý nghĩa nhân văn, giáo dục cao!”
 
Là một chương trình truyền hình thực tế “made in Vietnam”, không sử dụng format của nước ngoài, nên tính thuần Việt hiện rõ trong cách thể hiện. Không chỉ tôn vinh âm nhạc bản sắc của một vùng đất, mà Du ca Việt còn tìm kiếm và giới thiệu những con người có số phận đặc biệt, thăng trầm gắn liền với âm nhạc. Chương trình sẽ giúp họ hát lên khát vọng của chính mình, và theo một cách nào đó, cũng hát lên khát vọng của chương trình: đến gần hơn với trái tim con người. Như cách mà Du ca Việt đã đến với anh Mai Trọng Kiên – nghệ sỹ của đoàn kịch hát dân ca, Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ. Là người nghệ sỹ tâm huyết với làn điệu quê hương, nhưng hoàn cảnh bệnh tật đã khiến anh gặp nhiều khó khăn, nhiều khi bế tắc trong khát vọng duy trì nghiệp diễn. Trên sân khấu Du ca Việt, tung hứng “Bần hát ghẹo” cùng ca sỹ Thiên Huế, anh đã trở thành một con người khác, hoặc giả, anh được trở về là chính mình: linh hoạt, sắc sảo, hóm hỉnh và hạnh phúc! Thiết nghĩ, đó là món quà lớn nhất mà Du ca Việt đã dành tặng cho người nghệ sỹ, giúp họ được tiếp tục đứng trên sân khấu và sống trọn với đam mê âm nhạc.
 
Du ca ngẫu hứng thôi, nên thoắt vừa lắng đọng, đắm say đã rạo rực đồng ca của “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”… Tính tương tác cao của chương trình tạo hào hứng cho khán giả trẻ khi ca sỹ Viết Nguyễn hòa ca với 5 sinh viên Trường Đại học Vinh, và xuống từng hàng ghế để giao lưu với khán giả. Cả khán phòng ồ lên trước bất ngờ thú vị! Nhưng đó vẫn chưa là phải là khúc ngẫu hứng bất ngờ nhất. Phải đến khi ca sỹ trẻ Cao Thái Sơn xuất hiện, da diết với “Mơ về nơi xa lắm”, rồi tung hứng “Ngẫu hứng sông Hồng” cùng nhạc sỹ Lê Minh Sơn, và khuấy động khán phòng bằng những vũ điệu trẻ trung, sôi động thì mọi người mới tấm tắc “phục” Du ca Việt! 
 
Như thế, Du ca Việt đã nói được, làm được. Một hành trình du ca qua 63 tỉnh, thành của đất nước, biểu diễn trực tiếp và hoàn toàn miễn phí, nhưng không chỉ du ca để kiếm tìm niềm vui nhất thời, mà du ca đề cao tinh thần, trách nhiệm vì cộng đồng, tính nhân văn và lan tỏa. “Khát vọng của những người làm chương trình là kết nối yêu thương, khơi gợi những giá trị truyền thống cao đẹp ở mỗi vùng đất, mỗi con người. Chúng tôi sẽ tiếp tục hành trình hát lên khát vọng ấy!” – nhạc sỹ Lê Minh Sơn chia sẻ.
 
Bài, ảnh: Nhóm P.V