(Baonghean.vn) - Sáng 12/3, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh tổ chức khảo sát việc thu – chi tiền dạy thêm, học thêm theo Nghị quyết số 272 của HĐND tỉnh và Quyết định 70 của UBND tỉnh tại Trường mầm non Trường Thi, Thành phố Vinh.

Đoàn khảo quan giờ học phân vai tại trường mầm non Trường Thi
Đoàn thăm giờ học tại Trường mầm non Trường Thi
Đoàn khảo sát thăm bếp ăn tập thể của nhà trường.
Quang cảnh cuộc làm việc.

Qua giám sát cho thấy, từ năm học 2009 – 2010 đến 2012 – 2013, Trường mầm non Trường Thi đã tổ chức các lớp học thêm vào ngày thứ 7, học hè và học năng khiếu, thu tiền phục vụ sáng. Theo đó, mức thu học thêm vào ngày thứ 7 được nhà trường thực hiện thu 18.000 đồng/ngày/học sinh; học hè thu 15.000 đồng/ngày/học sinh; học năng khiếu thu 50.000 đồng/tháng/học sinh. Việc thực hiện thu – chi tiền học thêm ở Trường mầm non Trường Thi đều thông qua hệ thống kho bạc, đảm bảo đúng nguyên tắc tài chính. Riêng năm học 2013 – 2014, mặc dù nhu cầu của phụ huynh rất lớn nhưng thực hiện các quy định, quy chế chuyên môn của ngành giáo dục – đào tạo, cộng với khả năng đáp ứng của giáo viên không đảm bảo do áp lực công việc, cho nên nhà trường không tiếp tục tổ chức phục vụ ăn sáng, học thứ 7 và học năng khiếu trong trường học. 

Thông qua giám sát, đoàn ghi nhận một số kiến nghị từ phía nhà trường, đó là cần điều chỉnh mức thu dạy thêm, học thêm ngày thứ 7, dạy hè để phù hợp với mức tăng lương cơ bản hiện nay; đồng thời cần có văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể về vấn đề dạy thêm, học thêm ngày thứ 7, dạy hè phù hợp với tăng mức lương cơ bản. Quan tâm tăng định biên để nhà trường đảm bảo nâng cao chất lượng giảng dạy cũng như việc tổ chức dạy thêm thứ 7 và học hè theo nhu cầu của xã hội. 

 Chiều cùng ngày, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh tiếp tục khảo sát việc thu – chi tiền dạy thêm, học thêm theo Nghị quyết số 272 của HĐND tỉnh và Quyết định 70 của UBND tỉnh tại Trường THCS Hưng Dũng (Thành phố Vinh).

Đoàn khảo sát làm việc với Ban giám hiệu Trường THCS Hưng Dũng.

Việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường được tổ chức dựa trên sự tự nguyện và mong muốn của học sinh. Theo đó, có 4 môn được dạy thêm, học thêm, gồm văn, toán, tiếng Anh và môn hóa (dành cho học sinh lớp 9). Số học sinh đăng ký học thêm ở mỗi lớp, phổ biến là 23 em/lớp, có lớp chỉ có 17 em/lớp (quy mô bình quân học chính khóa là 45 em/lớp). Tiền thu dạy thêm, học thêm được áp dụng theo quy định, với 15.000 đồng/em/buổi, trong đó chi trực tiếp cho người dạy là 80%.

Thông qua giám sát, nhà trường cũng kiến nghị cần điều chỉnh mức thu dạy thêm, học thêm phù hợp với mức lương cơ bản hiện nay, vừa đảm bảo công bằng giữa việc thu trong và ngoài nhà trường, bởi cũng đều thỏa thuận nhưng giữa trong và ngoài nhà trường đang còn có sự chênh lệch rất lớn. Đồng thời, cần phát huy cao hơn nữa vai trò của Nhà nước các cấp, nhất là chính quyền cơ sở trong việc quản lý dạy thêm, học thêm ở từng địa bàn dân cư.

Đoàn khảo sát mong muốn nhà trường trong việc tổ chức dạy thêm, học thêm, mục đích cuối cùng là bồi dưỡng, nâng cao kiến cho học sinh, nhất là những học sinh yếu kém, hổng kiến thức.

Minh Chi