(Baonghean) - Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Báo Nghệ An xin trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh với những chia sẻ tâm huyết cùng đội ngũ doanh nhân tỉnh nhà.
Đến nay, tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh Nghệ An gần 15.300 doanh nghiệp, đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ và đứng thứ 7 cả nước. Tương ứng với đó là đội ngũ doanh nhân, quản lý doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng có số lượng lớn. Để đưa doanh nghiệp phát triển, góp phần đưa kinh tế - xã hội tỉnh nhà ngày càng phát triển nhanh và bền vững, thì vai trò đầu tàu của mỗi doanh nhân vô cùng quan trọng.
Với số lượng doanh nghiệp nêu trên, theo số liệu năm 2015, đã đóng góp vào ngân sách tỉnh nhà hơn 7.400 tỷ đồng, chiếm 60% tổng thu ngân sách của tỉnh. Điều đó minh chứng cho vai trò nòng cốt của doanh nghiệp, doanh nhân trong phát triển kinh tế - xã hội. Sức lan tỏa của các doanh nghiệp còn thể hiện ở việc phát triển đa dạng trên nhiều lĩnh vực: Thương mại, dịch vụ, xây dựng; công nghiệp khai thác, chế biến và giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hơn 177.000 lao động trên địa bàn tỉnh.
Để tiếp tục thúc đẩy kinh tế - xã hội của Nghệ An phát triển trở thành một tỉnh khá của cả nước, bên cạnh tăng cường thu hút thêm nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư, tỉnh tích cực triển khai các giải pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân phát triển. Thể hiện rõ nét là cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc với doanh nghiệp trong giải quyết những khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An ban hành Chương trình hành động, UBND tỉnh và các sở, ngành tích cực triển khai nhiều giải pháp nâng cao nhận thức cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhân dân về vai trò của đội ngũ doanh nhân; xây dựng, hoàn thiện và ban hành cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động, trong đó có công khai, minh bạch quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các huyện, thành, thị.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hàng tháng, UBND tỉnh tổ chức làm việc với các doanh nghiệp và các địa phương liên quan để nghe các ý kiến của các doanh nghiệp, từ đó có giải pháp phù hợp. Trên cơ sở đó, lãnh đạo tỉnh đã nắm bắt được thông tin, đôn đốc các cấp, các ngành, địa phương vào cuộc cùng doanh nghiệp giải quyết những tồn tại, vướng mắc, từng bước ổn định sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Cùng đó, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân. Tính từ năm 2012 đến nay, thực hiện Đề án bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân Nghệ An giai đoạn 2012 - 2015, có tính đến năm 2020, tỉnh đã tổ chức 39 lớp bồi dưỡng cho 3.562 lượt học viên là doanh nhân, cán bộ các doanh nghiệp; trong đó có 11 lớp khởi sự doanh nghiệp, 21 lớp quản trị doanh nghiệp, 7 lớp quản trị doanh nghiệp chuyên sâu. Mục tiêu mà tỉnh hướng tới là xây dựng đội ngũ doanh nhân Nghệ An đạo đức trong sáng, phát huy văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tinh thần vì cộng đồng, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, góp sức đưa quê hương ngày càng phát triển.
Tuy nhiên, trong thời kỳ mới, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta cũng cần nhìn nhận, đánh giá đúng thực tế của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và đội ngũ doanh nhân để có hướng phát triển bền vững. Đó là, doanh nghiệp của tỉnh nhiều nhưng chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ; năng lực cạnh tranh còn thấp, sản phẩm chưa đạt so với chuẩn quốc tế, chất lượng phục vụ chưa chuyên nghiệp; còn nằm ngoài chuỗi cung ứng và chưa trở thành một thành tố quan trọng trong phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh.
Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm, thủy sản còn ít, trong khi đây là lĩnh vực được xem là thế mạnh của tỉnh. Lao động chúng ta dồi dào, nhưng các doanh nghiệp vẫn thiếu lao động kỹ thuật cao, tác phong làm việc công nghiệp... Về phía doanh nghiệp vẫn thiếu tính bền vững do khi thành lập, nhiều người đứng đầu doanh nghiệp không được trang bị kiến thức, kỹ năng quản trị bài bản. Mặt khác, doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng…
Những khó khăn nêu trên, chúng ta đã nhận diện được. Bởi vậy, để giải quyết vấn đề, bên cạnh sự đồng hành của tỉnh, đòi hỏi rất lớn vào sự phát huy tính tích cực, năng động, sáng tạo của đội ngũ doanh nhân. Trên cơ sở đó, tôi đề nghị các cấp, ngành và đội ngũ doanh nhân cần tăng cường kết nối, lấy hiệu quả sản xuất, kinh doanh làm thước đo cho sự phát triển. Cùng đó, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và tích cực tham gia vào công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Về phía tỉnh, sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với các ngành, các cấp trong việc xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân; tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân Nghệ An; thực hiện đầy đủ các cam kết đã ký giữa tỉnh Nghệ An và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 35 ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Thông qua những hành động cụ thể trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh sản xuất, kinh doanh hiệu quả; coi sự phát triển của doanh nghiệp chính là sự phát triển của tỉnh nhà.
Trên cơ sở đó, tỉnh tích cực hơn nữa trong cải cách hành chính, ban hành bổ sung các cơ chế, chính sách; duy trì tốt cơ chế đối thoại với doanh nhân trong quá trình thực hiện chính sách phát triển kinh tế cũng như thực thi chủ trương của Đảng và Nhà nước; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đồng thời, hỗ trợ đội ngũ doanh nhân nâng cao năng lực quản trị, mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, khuyến khích phát triển doanh nhân khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Về phía đội ngũ doanh nhân, đề nghị mỗi một người trên cương vị đầu tàu của mình cần tăng cường cập nhật thông tin trong nước và quốc tế, sáng tạo trong điều hành sản xuất, kinh doanh. Cùng đó, nâng cao đạo đức, văn hóa trong kinh doanh; xây dựng tinh thần hợp tác, ý thức tự cường, tự tôn dân tộc và ý thức phát triển vì cộng đồng; đảm bảo sự hài hòa trong quan hệ lao động sản xuất gắn với bảo vệ môi trường.
Sự phát triển bền vững của doanh nghiệp chính là dấu ấn to lớn của doanh nhân, góp phần đưa kinh tế - xã hội của tỉnh tăng tốc trong những năm tới, thực sự trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn và đó cũng là nhiệm vụ Bộ Chính trị đề ra cho Đảng bộ, nhân dân, trong đó có đội ngũ doanh nhân Nghệ An.
N.X.Đ