Những giá trị cốt lõi
Viết về Nghệ An, sách xưa của nhiều tác giả đều đánh giá rất cao đất và người xứ Nghệ. Học giả Phan Huy Chú trong “Lịch triều hiến chương loại chí” đánh giá Nghệ An là nơi “núi cao sông sâu, phong tục trọng hậu, cảnh tượng tươi sáng”, “người thì thuận hòa mà chăm học”, “sinh ra nhiều bậc danh hiền… Thực là nơi hiểm yếu như thành đồng ao nóng của nước và là then chốt của các triều đại”.
Bùi Dương Lịch trong cuốn “Nghệ An ký” cũng cho rằng, Nghệ An dù đất xấu, cuộc sống nhân dân hãy còn nghèo “nhưng dân đều vui vẻ với những công việc sẵn sàng vì nước, có lòng tôn quân thân thượng và biết lễ nghĩa liêm sỉ. Phong tục thuần hậu, chưa từng bị gián đoạn bao giờ”.
PGS Ninh Viết Giao - “Nhà Nghệ học bậc nhất Việt Nam” - người có công lao rất lớn trong việc sưu tầm, tập hợp, nghiên cứu luôn khẳng định giá trị to lớn của văn hóa dân gian xứ Nghệ. Trong các nghiên cứu của mình về Nghệ An, ông rất đề cao yếu tố “nhân kiệt”. Theo ông, nhân kiệt, một phần nhỏ do thiên bẩm, còn phần lớn do ý chí rèn luyện, tinh thần nỗ lực học tập, tu dưỡng, lao động, chiến đấu của cá nhân, cộng với sự tôi luyện trong đấu tranh và sự giúp đỡ của quần chúng.
Có thể nói, khái quát về đất và người Nghệ An, xưa nay đều có chung nhận định, đây là mảnh đất “phên dậu” của nước nhà, là “căn cứ địa” trong các thời kỳ và cũng là vùng đất “địa linh” tạo nên nhiều “nhân kiệt”, nhưng yếu tố quyết định cho những thắng lợi chính là yếu tố con người, ý chí và tinh thần của nhân dân. Nghệ An còn nức tiếng là mảnh đất văn vật, cái nôi của khoa bảng, thời nào cũng thể hiện tinh thần hiếu học, khổ học, cần học và trọng đạo lý làm người. Tất cả tạo nên diện mạo riêng của văn hóa và con người xứ Nghệ.
Giá trị văn hóa là thành tố quan trọng
Nghị quyết số 33-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, nhấn mạnh: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.
Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.
Quán triệt quan điểm của Đảng về văn hóa, tại Nghệ An, gần nhất trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, văn hóa được xem là thành tố hết sức quan trọng; vì vậy trong mục tiêu tổng quát đã xác định xây dựng tỉnh nhà “có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc xứ Nghệ”. Thực hiện các nghị quyết của Đảng, Đảng bộ tỉnh, Nghệ An luôn coi trọng phát triển văn hóa xứ Nghệ, coi đây là nền tảng, động lực quan trọng trong quá trình phát triển của tỉnh.
Tháng 9/2019, sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33 trên địa bàn tỉnh Nghệ An cho thấy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc hoàn thiện các chuẩn mực giá trị về văn hóa và con người Nghệ An; ban hành nhiều chương trình, đề án và đưa các chuẩn mực, quy định về xây dựng con người văn hóa; đồng thời tạo điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người.
Trao đổi với phóng viên, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đào Tam Tỉnh - nguyên Giám đốc Thư viện Nghệ An chia sẻ, về những giá trị cốt lõi rất cần phải phát huy của văn hóa, con người xứ Nghệ; đồng thời cho rằng, phải chú ý đến khắc phục những mặt hạn chế trong tính cách người Nghệ; cũng như có giải pháp khắc phục sự xâm thực, tác động không phù hợp đối với văn hóa, lối sống người Nghệ hiện nay.
Ông Đào Tam Tỉnh chỉ ra một số ví dụ như, đặc trưng của làng quê truyền thống là sự cố kết của người dân trong một xóm, một làng rất rõ, người ta gắn kết tương thân, tương trợ với nhau. Đoàn kết nhiều thể hiện ở chỗ lũy tre, hàng rào cây, có việc gì ới nhau một tiếng chạy lại với nhau được. Tuy nhiên hiện nay, nhiều vùng nông thôn bị đô thị hóa, nhà nào cũng xây tường cao, cổng cao, hàng rào xanh cũng không còn; như vậy không khác gì đô thị người đông, nhà chật. Đây là vấn đề cần chú ý khắc phục trong xây dựng nông thôn mới.
Chú trọng yếu tố văn hóa xứ Nghệ trong quá trình phát triển cũng là điều mà đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh rất quan tâm trong quá trình thảo luận, góp ý vào dự thảo lần thứ nhất Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 -2025.
Tại cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến vào nội dung này, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy thống nhất 1 trong 3 mũi đột phá của nhiệm kỳ tới là: Tiếp tục phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, gắn với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo; gắn với phát huy các giá trị truyền thống, khơi dậy khát vọng, ý chí mạnh mẽ vươn lên năng động, sáng tạo đổi mới phát triển; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong công tác quản lý, chỉ đạo và phát triển các lĩnh vực. Tuy nhiên, trong mũi đột phá này, theo đồng chí còn cần nghiên cứu bổ sung thêm thành tố “phát huy giá trị văn hóa của Nghệ An”.
Như vậy, có thể nói văn hóa đóng vai trò hết sức quan trọng, là những giá trị cốt lõi định hướng cho phát triển bền vững. Do đó, quá trình xây dựng văn kiện đại hội Đảng các cấp, bên cạnh các nội dung về kinh tế, xã hội, công tác xây dựng Đảng, thì cấp ủy và các tầng lớp nhân dân cần hết sức chú trọng góp ý vào nội hàm gìn giữ và phát huy các yếu tố văn hóa; đúng như quan điểm của Đảng “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.