Ngày 12/3, Phó  Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng  ký Công văn khẩn số 1420/UBND.NN. Nội dung như sau:

UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND cấp huyện; giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành liên quan khẩn trương chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, kịp thời các nội dung chỉ đạo tại Công điện khẩn số 05/CĐ-UBND-TY, ngày 20/2/2013   của Bộ NN và PTNT, Công điện số 09/CĐ-UBND, ngày 26/2/2013 của UBND tỉnh "về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tai xanh ở lợn”. Cụ thể như sau:

1. UBND cấp huyện:

a. Đối với huyện Yên Thành:

- Tăng cường chỉ đạo, thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch tai xanh; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; tập trung nhân lực, vật lực để khống chế, bao vây, dập tắt dịch trong thời gian sớm nhất, không để dịch lây lan sang địa phương khác.

- Thông báo về tình hình dịch bệnh tai xanh. Tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch để nhân nhân trên địa bàn huyện biết và chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh.

- Thành lập các chốt kiểm dịch tại xã Phú Thành, Thọ Thành với các xã bị dịch uy hiếp như: Hợp Thành, Hồng Thành, Lăng Thành, Hoa Thành, Đô Thành, Nhân Thành, Vĩnh Thành - huyện Yên Thành và xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu nhằm kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn ra, vào vùng dịch; cấm giết mổ lợn và tiêu thụ sản phẩm từ lợn trong vùng dịch.

- Tập trung triển khai nhanh, gọn công tác tiêm phòng vắc-xin tai xanh, DTL, THT lợn đạt 100% số lợn trong diện tiêm tại xã Phú Thành, Thọ Thành và các xã bị dịch uy hiếp để có miễn dịch chủ động cho đàn lợn; tiến hành tiêu độc khử trùng theo hướng dẫn của ngành Thú y; giám sát, phát hiện sớm, xử lý gia súc bị bệnh theo quy định.

b. Đối với các địa phương chưa có dịch:

- Tổ chức tuyên truyền thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức về sự nguy hại của bệnh; yêu cầu khi phát hiện lợn có triệu chứng sốt cao, khó thở, thân đỏ hoặc tím tái, tiêu chảy hoặc táo bón, lợn nái sẩy thai... phải báo ngay cho chính quyền, Trạm Thú y huyện để hướng dẫn xử lý kịp thời.

- Họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch gia súc, gia cầm cấp huyện. Phân công các thành viên trong Ban chỉ đạo phòng chống dịch gia súc, gia cầm huyện phụ trách từng cụm xã để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng và chống dịch.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phát hiện sớm ổ dịch. Chủ tịch UBND cấp huyện giao chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn chỉ đạo các bí thư, trưởng khối, xóm, thôn, bản, thú y cơ sở và các tổ chức đoàn thể tại cơ sở tăng cường công tác giám sát và phát hiện dịch bệnh.

Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo dịch hàng ngày từ UBND các xã lên huyện (qua trạm thú y) lên Sở Nông nghiệp và PTNT (qua Chi cục Thú y) để xử lý kịp thời khi dịch đang trong diện hẹp.

- Tập trung tuần tra, kiểm soát nghiêm ngặt việc vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn ra, vào địa bàn của địa phương mình quản lý. Tuyệt đối không cho nhập lợn và sản phẩm của lợn từ các địa phương có dịch vào địa bàn. Phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Giao Chủ tịch UBND các huyện giáp ranh với huyện Yên Thành gồm: Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Đô Lương và các huyện trên 2 tuyến Quốc lộ 7 và tỉnh lộ 48 gồm: Anh Sơn, Nghĩa Đàn và Thị xã Thái Hòa thành lập chốt trực gác tại các tuyến đường chính đi từ huyện Yên Thành đến địa phương nhằm kiểm soát nghiêm ngặt vận chuyển lợn, con giống, sản phẩm của lợn từ vùng dịch vào địa bàn quản lý.

- Khi có ổ dịch xảy ra, áp dụng các biện pháp chống dịch quyết liệt theo Quyết định số 80/2008/BNN-TY ngày 15/7/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy định phòng, chống hội chứng rối loại sinh sản và hô hấp ở lợn.

- Khẩn trương tổ chức tiêm phòng vụ xuân theo đúng kế hoạch để tạo miễn dịch cho đàn gia súc.

Nếu huyện nào phát hiện dịch muộn, báo cáo chậm, để dịch lây lan ra diện rộng thì chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

2. Sở Nông nghiệp và PTNT

- Phối hợp với UBND cấp huyện tăng cường kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tai xanh trên địa bàn tỉnh.

-Chỉ đạo Chi cục Thú y:

+ Theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh, có phương án, giải pháp phòng, chống dịch kịp thời để khống chế có hiệu quả.

+ Phối hợp với UBND cấp huyện, các ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y động vật, sản phẩm động vật; thông tin tuyên truyền...

+ Phân công lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật thường xuyên giám sát địa bàn, phối hợp với UBND huyện Yên Thành để chỉ đạo công tác phòng chống dịch tai xanh đạt kết quả cao, dập dịch trong thời gian sớm nhất.

+ Phối hợp với chính quyền địa phương cấp huyện, xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh; kiểm soát nghiêm ngặt việc vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn vào, ra địa bàn tỉnh…

+ Chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ, hoá chất, vắc-xin... để chủ động phòng, chống dịch.

3. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh; các thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch gia súc, gia cầm cấp tỉnh: thực hiện nghiêm túc nội dung chỉ đạo tại Công điện số 09/CĐ-UBND, ngày 26/2/2013 của UBND tỉnh.

4. Các tổ chức, cá nhân hoạt động liên quan đến lĩnh vực thú y:

- Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về: chăn nuôi, tiêm phòng vắc-xin bắt buộc cho gia súc; giết mổ, buôn bán, vận chuyển động vật...

- Những tổ chức, cá nhân không chấp hành các quy định trong lĩnh vực thú y, làm lây lan dịch bệnh sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; không được hưởng các chế độ hỗ trợ của nhà nước theo quy định hiện hành.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND cấp huyện; thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các đơn vị, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc Công văn này. Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc báo cáo về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng họp trình UBND tỉnh giải quyết.