(Baonghean) Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, Hiện rầy nâu, rầy lưng trắng đã phát sinh gây hại với mật độ khá cao trên lúa hè thu, đòi hỏi các biện pháp kịp thời để phòng chống lúa bị “cháy” rầy cuối vụ.

Yên Thành là địa phương có diện tích nhiễm rầy nặng nhất tỉnh. Ông Nguyễn Sỹ Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Toàn huyện có khoảng 3.000 ha lúa hè thu cấy sớm đã trổ, riêng diện tích lúa hè thu cấy muộn đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh đến làm đòng. Đáng lo ngại là rầy nâu, rầy lưng trắng đã xuất hiện, tuy không đồng loạt nhưng lại gây hại cục bộ trên một số diện tích ở vùng cao với mật độ phổ biến từ 200 - 300 con/m2, nơi cao 700 - 1.500 con/m2 và cục bộ lên đến 3.000 - 5.000 con/m2.

                      Kiểm tra tình hình sâu bệnh trên lúa hè thu tại Yên Thành.

Tính đến ngày 7/8, toàn huyện đã có 1.093,8 ha lúa nhiễm rầy, trong đó có 52 ha nhiễm nặng, tập trung ở các xã Tăng Thành, Xuân Thành, Thị trấn… Trên diện tích lúa hè thu cấy muộn (gieo cấy sau 15/6), rầy cũng đã xuất hiện với mật độ phổ biến 50 - 100 con/m2, nơi cao 200 - 500 con/m2 và cục bộ 1.000 - 2.000 con/m2. Theo dự báo của Trạm BVTV huyện, thời gian tới rầy nâu, rầy lưng trắng sẽ tiếp tục gia tăng về mật độ và gây hại cục bộ trên một số diện tích lúa giai đoạn làm đòng - trổ. Huyện đã chỉ đạo các xã hướng dẫn bà con theo dõi và phun trừ rầy trên lúa theo đúng khuyến cáo của cơ quan chức năng...

Vụ hè thu - mùa năm nay, toàn tỉnh gieo cấy được trên 90.000 ha lúa. Hiện nay lúa hè thu ở thời kỳ làm đòng - trổ - ngậm sữa, lúa mùa đang đẻ nhánh rộ đến làm đòng. Theo kết qủa tổng hợp của Chi cục BVTV tỉnh, trên lúa hè thu, rầy đã phát sinh gây hại với mật độ phổ biến 200 – 300 com/m2, nơi cao 1.000 - 2.000 con/m2 và cục bộ 2.500 - 3.500 con/m2 tại Yên Thành, Diễn Châu... Tổng diện tích nhiễm rầy đến ngày 9/8 là trên 1.407 ha, trong đó có 237 ha nhiễm trung bình và hơn 58 ha nhiễm nặng, đặc biệt đã xảy ra hiện tượng cháy rầy cục bộ. Trên lúa vụ mùa, rầy phát sinh gây hại với mật độ phổ biến 30-50 con/m2, nơi cao 1.000 - 1.500 con/m2, cục bộ 3.000-4.000 con/m2. Đáng lo ngại là hiện tích nhiễm rầy tại các địa phương đang tăng nhanh, chỉ trong 7 ngày đầu tháng 8, toàn tỉnh đã có 157 ha lúa mùa nhiễm rầy, trong đó có 6,5 ha nhiễm nặng tập trung tại Anh Sơn và Con Cuông.

Trưởng Chi cục BVTV tỉnh - ông Nguyễn Tiến Đức cho biết: Từ đầu vụ đến nay, rầy đã phát sinh gây hại với mật độ bình thường, tuy nhiên sự phát triển của các đối tượng rầy đã bắt đầu tăng mạnh từ giai đoạn lúa làm đòng và trổ, nhất là ở các huyện Yên Thành, Đô Lương, Con Cuông và Anh Sơn. Theo dự báo, trong thời gian tới, phạm vi, mật độ gây hại của rầy sẽ tiếp tục tăng. Trong khi đó, từ nay trở đi là giai đoạn lúa có khả năng lưu dẫn kém, sau khi lúa đã trổ và chắc xanh, những diện tích có mật độ rầy cao nếu không tổ chức phòng trừ tốt sẽ tiếp tục bị “cháy” làm ảnh hưởng nặng nề đến năng suất do rầy làm khô cây và lép hạt. Bởi vậy, các địa phương và người dân cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phun trừ kịp thời, vì nếu phun trừ muộn thì dù có trừ được rầy, cây lúa vẫn bị khô và mất năng suất.

Cần xác định, rầy là một trong những loại dịch hại chính, quan trọng và nguy hiểm đối với sự phát triển của cây lúa. Ngành BVTV khuyến cáo, để bảo vệ năng suất cho lúa hè thu - mùa, nhất thiết phải tập trung, khẩn trương chống rầy cuối vụ. Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng, cần khuyến cáo, chỉ đạo nông dân phòng trừ trên những diện tích có mật độ rầy từ 1.500 con/m2 đối với diện tích lúa từ thời kỳ trổ trở về trước và 2.000 con/m2 trở lên đối với lúa ở thời kỳ trổ bằng các loại thuốc có tác dụng nội hấp, lưu dẫn như: Elsin 10EC, Oshin 20WP, Dantotsu 16 WSG, Chess 50 WG, Sutin 50 SC,…

Riêng đối với những diện tích sau trổ đến chắc xanh có mật độ rầy cao trên 3.000 con/m2 trở lên cần sử dụng các loại thuốc có tác dụng tiếp xúc, xông hơi như Bassa 50 EC,Victory 585 EC, Penalty gold 40 EC,… để phun trừ. Khi phun thuốc cần chú ý đảm bảo lượng nước thuốc theo khuyến cáo và phun ướt đều toàn bộ thân, lá lúa để tăng hiệu quả sử dụng thuốc.

Phú Hương