(Baonghean.vn) – Hiện tại, đoàn công tác Sở Y tế đang thực hiện khám sàng lọc cho gần 200 học sinh xã Hạnh Dịch để xác định số trẻ có nguy cơ mắc bệnh suy thận.
» Nóng: Xã ở Nghệ An có 20 học sinh bị suy thận, 2 em đã tử vong
Trẻ mắc bệnh suy thận vẫn đi rẫy
Như thông tin Báo Nghệ An đã đưa: Từ ngày 14/11/2016 đến nay, trên địa bàn xã Hạnh Dịch xuất hiện rải rác các ca bệnh bị suy thận, chủ yếu ở lứa tuổi học sinh cấp 1 và 2. Tính đến thời điểm này, toàn xã đã có 20 ca bị suy thận nặng, trong đó có 2 ca đã tử vong.
Ứng phó với tình hình chùm ca bệnh nghiêm trọng đang xảy ra, sáng 20/02/2017, Sở Y tế Nghệ An đã thành lập đoàn công tác về xã Hạnh Dịch, thực hiện điều tra lấy mẫu xét nghiệm.
Sáng ngày 21/02/2017, Hội đồng chuyên môn của ngành Y tế họp bàn và xác định nguyên nhân dẫn đến chùm bệnh: Việc nhiều bệnh nhân bị viêm cầu thận cấp nghĩ nhiều do liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A.
Trong chiều ngày 21/02/2017, Sở Y tế cũng đã cử đoàn công tác của Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An lên Quế Phong. Đoàn phối hợp cùng Bệnh viện Đa khoa huyện Quế Phong tiến hành khám sàng lọc cho khoảng 200 học sinh của Trường tiểu học - trung học cơ sở xã Hạnh Dịch trong ngày 22/02/2017 nhằm kiểm tra còn có bao nhiêu học sinh mắc bệnh để kịp thời điều trị. Dự kiến đến 15 giờ chiều nay sẽ có kết quả sơ bộ.
Sáng nay, Đoàn công tác của Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An và Bệnh viện Đa khoa huyện Quế Phong đã thực hiện khám sàng lọc cho các học sinh xã Hạnh Dịch. Ở thời điểm này, xã có 4 cháu đang điều trị bệnh tại nhà nhưng qua kiểm tra các cháu không có mặt ở nhà mà đang đi rẫy!.
Nhiều khả năng nguồn bệnh tự sinh!
Việc xuất hiện chùm ca bệnh, các bác sĩ Trung tâm y tế huyện Quế Phong nghi nhiều do từ nguồn nước. Song với nghi vấn nguyên nhân do liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A thì khả năng do nguồn nước là rất ít.
Theo các bác sĩ Phòng Nghiệp vụ Y Sở Y tế Nghệ An: Liên cầu (Streptococcus) vốn có sẵn, cư trú trong cơ thể người. Cụ thể liên cầu A cư trú ở họng. Liên cầu A sinh độc tố, có khả năng gây bệnh nhiễm khuẩn ngoài da, niêm mạc, nhiễm trùng huyết, bệnh tinh hồng nhiệt; với các biến chứng hay gặp là thấp tim sau viêm họng 2-3 tuần, viêm cầu thận sau viêm họng, nhiễm trùng da 2-3 tuần.
Khi cơ thể suy yếu, vệ sinh môi trường, cá nhân không tốt hoàn toàn gây bệnh và thậm chí bản thân cơ thể sinh kháng thể chống lại liên cầu đồng thời chống lại tổ chức cơ thể mình, gây thương tổn.
Hiện nay chưa có vaccin phòng bệnh có hiệu quả nên chủ yếu vẫn là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Để tránh nhiễm trùng thứ phát và biến chứng thấp khớp, tim, thận thì cần phải phát hiện sớm và điều trị tích cực các ổ nhiễm khuẩn ở da, ở họng do liên cầu nhóm A gây nên. Ngoài ra cần sử dụng kháng sinh thích hợp phòng bệnh như penicillin, tetracyclin, ampicillin... |
Để xác định nguyên nhân chính xác, Sở Y tế Nghệ An đã gửi báo cáo lên UBND tỉnh, Bộ Y tế và đề nghị Bộ Y tế cử chuyên gia giúp đỡ, điều tra xác minh rõ nguyên nhân gây bệnh.
Để xử lý tình hình bệnh tại xã Hạnh Dịch kịp thời, Sở Y tế đã giao Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh thực hiện điều tra, giám sát mở rộng (hoa quả, thực phẩm, thuốc nam, nước sinh hoạt....) nhằm xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh; hỗ trợ Trung tâm Y tế huyện Quế Phong trong công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh; Trung tâm y tế huyện Quế Phong chỉ đạo, hướng dẫn cho xã Hạnh Dịch, các trường trên địa bàn làm vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân học sinh; Bệnh viện Quế Phong tiếp tục điều trị bệnh nhân (nếu có).
Thanh Sơn