(Baonghean) - Một hình ảnh khiến nhóm phóng viên chúng tôi đau đáu suốt cả chuyến đi, đó là những em nhỏ ở các bản giữa lòng hồ. Địa hình phức tạp và cuộc mưu sinh khó khăn của người lớn kéo theo cuộc sống cũng như việc học của trẻ gặp vô vàn khó khăn...

Trước đây, chúng tôi đã không ít lần đến với những làng bản giữa hồ Thủy điện Bản Vẽ và chứng kiến cuộc sống đầy khó khăn của người dân nơi đây. Hầu hết các bản đều chưa có đường giao thông, việc đi lại chủ yếu dựa vào chiếc xuồng máy và... đôi chân cuốc bộ. Khó khăn nhất vẫn là những hộ dân từ các khu tái định cư trở về quê xưa, sống tự do trên những làng bản cũ của họ. 

Trẻ em bản Xốp Cháo tới lớp.

Điều này, chúng tôi đã nhắc đến trong bài viết trước của chuyên đề này và những bài báo khác. Thế nhưng, còn một điều nữa nếu không đề cập đến sẽ bỏ sót mất một vấn đề đáng quan tâm giữa hồ nước mênh mông này, đó là cuộc sống và sự học của trẻ em nơi đây. Dẫu chưa có một cuộc khảo sát chính thức nào, nhưng tính ra số trẻ em trong độ tuổi ăn, tuổi học giữa hồ thủy điện dễ có đến con số hàng nghìn.

Gần một năm về trước, chúng tôi ghé thăm bản Xốp Lằm, một “bộ lạc” giữa lòng hồ Bản Vẽ. Gọi là bản, kỳ thực đây là nơi ở và làm rẫy của những hộ dân bản Xốp Lằm, thuộc xã Hữu Dương trước đây. Họ trở về từ các điểm tái định cư ở Thanh Chương và Quế Phong. Tất cả đều sinh sống trong những căn lều tạm bợ. Cuộc sống bấp bênh nên chẳng ai dám chắc rằng họ có thể bám trụ lại đây bao lâu nữa. Trong một căn lều cuối bản, cô bé Lương Thị Thiên Chi vừa lên 4 tuổi đang bồng trên tay chú chó con. Giữa nơi hoang vắng này, cháu bé lẽ ra giờ này đang ngồi trong lớp mầm non, thì nay chỉ có con chó nhỏ để bầu bạn, vì thế mà cô bé tỏ ra rất thân thiết với nó. 

Cha của Thiên Chi là ông Lương Văn Dụng, bảo rằng vẫn biết con gái đã đến tuổi vào mẫu giáo, nhưng tại nơi ở mới (Yên Khê - Con Cuông) thiếu đất sản xuất nên phải dẫn theo con về quê cũ làm rẫy. Việc học hành của bọn trẻ đành phải gác lại. Ông cũng tính chuyện gửi con cho họ hàng ở nơi tái định cư để có chỗ học, nhưng thấy con còn quá nhỏ nên đành dẫn theo. Chờ nó lớn thêm chút nữa...

Trong bản có ngót chục đứa trẻ đang ở độ tuổi mẫu giáo, tiểu học. Một số em nhỏ cũng tỏ ra rất ham học. Cứ sáng dậy, cháu Lô Văn Phòng lại xin đi nhờ thuyền của một bác làm nghề đò dọc giữa lòng hồ để đến trường. Vì không có hộ khẩu nên Phòng cũng phải xin “học nhờ” tại Trường tiểu học Hữu Khuông (Tương Dương). Dẫu vất vả vậy, Phòng vẫn đi học rất chuyên cần. Một ngày của Phòng bắt đầu từ 5 giờ sáng, khi bác chủ thuyền nổ máy đi đón khách, em cũng vội vã xách cặp chạy xuống bến. Phòng không quên mang theo chiếc cặp lồng có đựng bữa sáng và bữa trưa. Em chỉ được về nhà vào buổi chiều, khi bác chủ thuyền đi trả khách xong luôn tiện ghé qua đón về. 

Để con cái được học hành, nhiều bậc cha mẹ cũng đã chọn cách gửi con vào học tại những cơ sở giáo dục gần bản. Tất cả học sinh trong bản đến lớp đều phải đi nhờ thuyền của ông Lương Văn Phòng. Chung cảnh sống lênh đênh giữa hồ, ông cũng dễ cảm thông với bọn trò nhỏ, chẳng thu tiền của ai. Dẫu vậy, việc đi nhờ thuyền chỉ là tạm thời. Cuộc sống của những cư dân nơi đây cũng vậy. Có thể nay mai, họ sẽ lại chuyển đến một cánh rừng nào đó để làm rẫy và những em nhỏ lại đứng trước nguy cơ thất học. 

Một cháu bé ở bản Xốp Lằm đi lấy nước về.

Chuyến đi này, chúng tôi quyết định trở lại cái “bộ lạc” giữa hồ này. Bản Xốp Lằm nay vẫn còn hơn chục hộ bám trụ lại làm rẫy và chăn nuôi. Chú bé Lô Văn Phòng cho biết là vẫn còn tiếp tục đi “học nhờ”. Cô chị của Phòng là Lô Thị May đã học hết lớp 5, hiện đang tạm nghỉ ở nhà. Chẳng phải thầy cô không chịu nhận em vào lớp mà vì cha mẹ muốn em đỡ đần việc nhà nên cho nghỉ học. Gặp lại chúng tôi trong cái nắng nhạt của một buổi trưa cuối năm âm lịch, anh Lô Văn Thân, bố của May cho biết, ở giữa lòng hồ này, kiếm sống đã khó, việc nuôi cho bọn trẻ đi học cũng khó chẳng kém.

Không có hộ khẩu, các cháu đi học không được hưởng bất kỳ một chính sách nào của Nhà nước dành cho học sinh vùng cao. Sách vở, áo quần, tiền ăn đều do cha mẹ tự lo. Cứ vào năm học mới, các bậc cha mẹ lại bỏ việc trên rẫy đi dựng lán trọ học cho bọn trẻ. Theo anh Thân, đây cũng là nguyên nhân khiến không ít người cảm thấy nản. Ở đất này việc kiếm con chữ có khi gian nan hơn cả việc kiếm bữa ăn. Dù sao khi về quê cũ, người ta vẫn có lúa rẫy, có con cá dưới hồ không phải lo đói lòng. Trong cuộc mưu sinh gian khó, người ta dễ xem nhẹ việc học, một điều mà họ cho rằng không liên quan trực tiếp đến cuộc sống hiện tại, dẫu rằng nó rất quan trọng cho tương lai con trẻ. 

Hồ rộng vậy nhưng nguồn nước gần bản đã trở nên ô nhiễm, chủ yếu để tắm giặt. Ai không quen, nhảy xuống tắm còn ngứa ngáy khắp người. Ngày thường, những đứa trẻ phải tìm đến những suối nước ven đồi để lấy nước. Buổi trưa hôm đó bản có người làm nhà mới, những đứa trẻ đi gùi nước về phục vụ nấu nướng. Xăng xái nhất vẫn là cô bé Lô Thị May. Năm nay 11 tuổi, May đã có thể kiếm củi, giặt giũ, nấu ăn, thậm chí đi gùi nước, giã gạo. Đây cũng là những công việc bình thường của trẻ em trong bản. Anh Thân bảo, nhiều khi thấy thương con nhưng không biết chuyển đi đâu vì điểm tái định cư của gia đình ở bên Quế Phong, đất cũng đã có chủ. Tiền hỗ trợ tiêu hết, không thể mua lại được nữa.

Xuôi theo dòng Nậm Nơn trở về, chúng tôi trở lại bản Xốp Cháo (Lượng Minh - Tương Dương). Dẫu đã có đôi lần vào bản nhỏ này, mỗi lần ghé thăm là một cảm xúc riêng, dẫu rằng cảnh vật và con người nơi đây vẫn vậy. Vẫn là bản làng với những nếp nhà sàn ẩn mình sau bức màn xanh của rừng và nước. Người bạn đường của chúng tôi, một cán bộ bản, cho biết: Xốp Cháo trước kia thuộc xã Kim Đa. Từ khi có hồ Bản Vẽ, xã giải thể, dân bản lựa chọn lên vùng rừng núi nước hồ không ngập đến. Hiện bản có gần 90 hộ dân, ngót 500 nhân khẩu. Dân tình giờ đã ổn hơn trước, vì bà con cũng đã dần quen với cái khó khăn nơi sơn dã. Chỉ có việc học của bầy trẻ nhỏ thì vẫn bộn bề khó khăn. Dẫu rằng cơ sở vật chất trường học đã được Nhà nước đầu tư xây dựng khá căn bản với đầy đủ phòng học cho học sinh, nhà ở cho cán bộ giáo viên. Điều đáng quan tâm nhất vẫn là việc đi học của các cháu. Một bản nhưng dân cư phân bố theo 3 nhóm khác nhau. Các xóm lại biệt lập, chỉ có thể đi lại bằng thuyền máy, vì vậy mỗi ngày các bậc cha mẹ phải đưa đón con em đến lớp. Những nhà không có điều kiện, phải gửi con theo nhà có thuyền máy chuyên việc chở hàng hóa vào ra bản. Mỗi ngày gửi con đi học cũng phải góp tiền mua dầu cùng với chủ thuyền. Tính ra, mỗi tháng mỗi học sinh tiêu tốn vài ba trăm nghìn đồng cho riêng cho việc đi lại.

Chuẩn bị áo phao lên thuyền.

Buổi sáng hôm nay, hai anh em Lô Thái Bình và Lô Thái Nguyên được cha chở thuyền đến lớp, nhà có thuyền máy nên 2 học sinh này đến lớp khá đều đặn vì thế lực học cũng khá hơn nhiều bạn khác.

Lô Thái Nguyên chia sẻ: Đi thuyền máy do bố cầm lái nhiều khi vẫn thấy sợ, nhất là mỗi khi có một con thuyền khác chạy ngược chiều, con thuyền của cháu lại chòng chành như chực lật úp. Thế nhưng, cháu không muốn nghỉ học vì đến đây được thầy giáo dạy cho nhiều điều mà ở nhà cháu không thể biết được. 

Ở phòng học của các cháu mầm non, cô giáo Nga - đang dạy bầy trò nhỏ học hát. Bài hát về ngôi trường mầm non mà ở đó cô giáo cũng hiền như mẹ. Bàn tay không chỉ biết múa dẻo còn rất tận tình chăm bẵm bầy trò. Nhờ bàn tay cô, những cô bé lam lũ trở thành gọn gàng, sạch đẹp. Tiếng hát, tiếng đọc khiến cái bản nhỏ vốn vắng lặng trở nên ấm áp hơn nhiều. 

Để có được cái không khí ấy, là cả một nỗ lực lớn của thầy cô giáo, của phụ huynh và bầy trò nhỏ. Tại điểm trường này, có 3 thầy giáo tiểu học và 1 cô giáo mầm non. Thầy Lô Văn Tuân công tác tại điểm trường này liên tục 2 năm liền, chia sẻ: Một thầy giáo trong trường đã tự sắm thuyền máy để chủ động việc đi lại và phục vụ nhu cầu anh em. Qua thời gian dài sử dụng, chiếc thuyền đã cũ kỹ, hỏng hóc. Gần đây một tổ chức từ thiện đã đầu tư cho điểm trường một chiếc thuyền mới. Đây là nguồn động viên kịp thời để anh em thêm vững tâm gắn bó với một điểm trường khó khăn bậc nhất xã.

Buổi trưa, bến thuyền bản Xốp Cháo lại rộn rã tiếng trẻ. Tan học, các cháu học sinh ở nhóm Xốp Cháo, Xốp Pặng, Xốp Vi lại trở về nhà. Bầy trẻ như lũ chim non nhảy thoăn thoắt lên thuyền. Em nào cũng nhanh nhẹn như những người dân sông nước thực thụ. Cậu trò Lô Thái Bình cất cao giọng đọc bài thơ vừa học sáng nay: “Hôm nay trên bến Ô Lâu/ Cháu ngồi cháu nhớ chòm râu Bác Hồ...”. Giọng đọc vang khắp bến nước. 

Trẻ con là vậy, dù là ở đâu, trong hoàn cảnh khó khăn nào, các em vẫn luôn sống hồn nhiên, những mầm măng xanh giữa lòng hồ Bản Vẽ này không phải là ngoại lệ. Chính sự hồn nhiên này lại nhắc nhở chúng ta: các em vẫn cần nhiều sự quan tâm, nhất là với một địa bàn trẻ nhỏ cũng đang phải hy sinh vì nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế quê hương, đất nước!

Nhóm PV

TIN LIÊN QUAN