(Baonghean.vn) - Mỗi quốc gia có một cách đón tết Trung thu khác nhau và loại bánh truyền thống của mỗi quốc gia trong ngày lễ này cũng mang đặc trưng riêng.

1434707767300912thegioitrungthu02danviet_siac.jpgTrung Quốc: Tết Trung thu ở Trung Quốc đã có từ thời Đường Huyền Tông, vào đầu thế kỷ thứ 8. Trong ngày tết này, lúc đầu người Trung Quốc chỉ uống rượu thưởng trăng nên còn gọi là Tết ngắm trăng. Sau này, Trung thu là tết đoàn viên vì người Trung Quốc rất xem trọng sự sum họp của gia đình trong dịp này. Vào Trung thu, những người thân trong gia đình đều trở về quây quần bên mâm cơm, cùng trò chuyện và tận hưởng không khí sum họp vui vầy.
Bánh trung thu của Trung Quốc thường có hình tròn, tượng trưng cho “đoàn viên”, ý nghĩa đó bắt nguồn từ đời nhà Minh. Bởi theo họ, đây là thời điểm mọi thành viên trong gia đình tụ họp với nhau. Bất cứ ai làm ăn ở xa xôi ở đâu, vào ngày này cũng trở về quê hương để gặp lại gia đình, họ hàng và cùng ăn bữa cơm đoàn viên. Hiện nay bánh trung thu có nhiều hình dạng hơn, có cả hình vuông, hình các con giống và được làm bằng nhiều nguyên liệu mới lạ hấp dẫn hơn.

 

Nhật Bản: Ở Nhật, ngày lễ Trung thu được gọi là Tsukimi hoặc Otsukimi, có nghĩa là "ngắm trăng". Ra đời từ thời kì Heian với sự thịnh vương về kinh tế và phát triển rực rỡ về văn hóa tinh thần, lễ Tsukimi đã phản ánh phần nào quan điểm duy mĩ và gắn bó với thiên nhiên của xứ Phù Tang. Vào lễ Tsukimi, người Nhật chuẩn bị mâm cỗ thịnh soạn và tinh tế dâng lên trăng để thể hiện lòng thành kính với cái đẹp, và cũng dưới bóng trăng vàng ruộm của tháng Tám, gia đình bạn bè cùng quay quần bên nhau uống trà ăn bánh, chuyện tròn và ngâm thơ. Một mâm cỗ truyền thống cho lễ Tsukimi.
Bánh Tsukimi Dango (Nhật Bản) là món bánh dùng để mừng ngày lễ Trung thu. Bánh có hình dáng khá giống món bánh trôi của Việt Nam. Bánh có lớp vỏ dẻo và phần nhân thường là đậu đỏ, đậu xanh. Bánh thể hiện một sự trọn vẹn, đầm ấm, mang ý nghĩa tạ ơn trời phật đã cho một mùa bội thu. Người Nhật thường xếp bánh thành hình như khối kim tự tháp, để trước nhà để dâng lên trăng thể hiện sự thành kính, nếu được trẻ con lấy thì được coi là cực kì may mắn.
Hàn Quốc: Tết Trung thu ở Hàn Quốc được biết đến nhiều hơn với tên gọi Lễ tạ ơn - Chuseok. Khác với ý nghĩa vinh danh cái đẹp và thần đạo của lễ Tsukimi, Chuseok là lời cảm tạ của người Hàn đến với ưu đãi của thiên nhiên, mùa màng bội thu, và đặc biệt là ơn đức của ông bà tổ tiên đời trước. Thể hiện rõ tinh thần hiếu đạo sâu sắc trong văn hóa truyền thống Hàn Quốc, lễ Chuseok kéo dài 3 ngày là khoảng thời gian mọi người nghỉ ngơi và quanh quần bên gia đình, dù con cái ở xa cũng phải quay về đoàn tụ cùng cha mẹ.
Bánh trung thu của Hàn Quốc khá khác lạ so với những nước châu Á khác - hình bán nguyệt. Bánh có tên gọi là songpyeon, được làm từ các nguyên liệu như hạt vừng, đậu đen, đậu xanh, quế, hạt thông, quả óc chó, hạt dẻ, táo tàu, và mật ong và được hấp chín qua một lớp lá thông. Theo truyền thuyết, vào thời Tam Quốc, có hai vương quốc tên Baekje và Silla. Trong thời vua Uija của nước Beakje, người ta đã mã hóa ra được cụm từ “Beakje là trăng tròn và Silla là một nửa mặt trăng” trên lưng một con rùa và dự đoán sự sụp đổ của vương triều Beakje. Điều này không lâu sau đó đã thành hiện thực. Chính vì thế, Hàn Quốc bắt đầu chọn hình bán nguyệt để chỉ về tương lai tươi sáng hay sự chiến thắng.
Thái Lan: Tết Trung thu ở Thái Lan được gọi là “lễ cầu trăng”, tổ chức vào đúng ngày 15/8 âm lịch. Trong đêm Trung thu, tất cả già trẻ gái trai đều phải tham gia lễ cúng trăng, mọi người sẽ ngồi quây quần bên bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát và Bát Tiên để cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất. Phía trên bàn thờ sẽ bày quả đào và bánh Trung thu. Người Thái tin làm vậy Bát Tiên sẽ giúp mang đào tới cung trăng để chúc thọ Quan Âm, và các vị thần tiên sẽ ban phước lành cho mọi người.
Bởi vậy, bánh Trung Thu ở Thái Lan có hình dạng giống quả đào để hy vọng nhận được phù hộ của Bồ Tát. Bánh trung thu nướng có hình dạng giống bánh của Việt Nam, nhưng bánh mỏng hơn và thường sử dụng nhân sầu riêng. Cũng trong dịp này, người Thái cũng thường ăn bưởi – loại quả tượng trưng cho sự viên mãn, xum vầy và ngọt ngào.
Singapore: Tết Trung thu ở Singapore mang đậm màu sắc Tết Trung thu Trung Quốc. Khu phố người Hoa ở Singapore năm nào cũng là nơi tổ chức Tết Trung thu khá vui nhộn. Tại đây, người ta bán đèn lồng và các vật dụng liên quan đến ngày Trung thu. Thông thường, hoạt động này được tổ chức trước đó hàng tháng trời. Những chiếc đèn lồng lung linh đủ màu sắc ở một con phố Singapore.
Bánh dẻo sầu riêng Singapore: Đây là loại bánh Trung thu đặc trưng của Singapore. Vì người dân nơi đây đều thích hương vị của sầu riêng. Các loại bánh Trung thu ở đây đều được biến tấu từ bánh da tuyết của Trung Quốc. Da tuyết là loại bánh có vỏ giống bánh dẻo của Việt Nam nhưng mỏng hơn, được làm từ bột gạo, bột nếp và bột mỳ, thường được giữ lạnh sau khi làm xong và ăn lạnh.
Phillipines: Cũng giống Singapore, Tết Trung thu ở Philippines thường được tổ chức và lưu truyền bởi những người gốc Hoa sinh sống và làm việc tại nước bản địa. Trong ngày Tết Trung thu, người gốc Hoa sống ở Philippines thường làm bánh trung thu rồi chia sẻ cho tất cả người thân, bạn bè và hàng xóm của mình. Và họ sẽ chơi trò đổ xúc xắc với tên gọi theo phiên âm địa phương là "pua-tiong-chiu" vào mỗi dịp Tết Trung thu.
Azuki-bean hopia là một loại bánh trung thu của người Philippines. Những chiếc bánh nướng có vẻ ngoài đơn giản, không nhiều màu sắc hay hoa văn nhưng hấp dẫn bởi phần nhân cực phong phú: đậu xanh, khoai lang tím, đậu đỏ, thịt lợn … Bánh có lớp vỏ nhiều lớp giòn thơm, hình tròn như mặt trăng, cũng mang ý nghĩa của sự thịnh vượng, đầy đủ và may mắn.
Myanmar: Tết Trung thu ở Myanmar còn gọi là "Lễ trăng tròn" hay "Tiết quang minh". Đêm rằm, nhà nhà đều thắp đèn lồng để thành phố sáng rực, ánh sáng chiếu rọi khắp mọi nơi. Mọi người cũng thường xem biểu diễn kịch, nhảy múa, xem phim và nhiều hoạt động vui chơi náo nhiệt khác trong đêm lễ hội này.
Bánh trung thu lạnh không phải là bánh rau câu mà chúng được làm từ một loại bột đặc biệt, có nguồn gốc từ Malaysia, chỉ cần để tủ lạnh là bánh có thể tự chín, mà càng để lâu lại càng ngon. Nhân bánh lạnh Malaysia này cũng được làm từ những nguyên liệu chất lượng, tươi ngon và đã qua quá trình chọn lọc kỹ càng như hạt sen, sầu riêng, mè đen, dừa, … Chính vì là bánh lạnh, nên ngay từ cảm giác đầu tiên khi thưởng thức bánh, bạn có thể cảm nhận được sự thanh mát nơi đầu lưỡi, cộng với hương thơm quyến rũ và vị ngọt dịu dàng, bánh trung thu malaysia là tuyệt tác đặc biệt của nghệ thuật bánh kẹo hiện đại.
Việt Nam: Tết Trung thu là một trong những lễ hội cổ truyền được người dân tổ chức rầm rộ nhất tại Việt Nam. Ngày lễ này thường được mặc nhiên công nhận là "tết của trẻ em", vì vậy mà người lớn ngoài việc mua bánh nướng, bánh dẻo về thắp hương vào đúng ngày trăng tròn 15/8 âm lịch, còn mua rất nhiều đồ chơi cho con, cháu mình.
Tết Trung Thu tại Việt Nam còn gọi là Tết Trông Trăng, Tết Đoàn Viên hay Tết Thiếu Nhi. Tháng 8 là lúc người dân thu hoạch mùa màng và tổ chức những ngày lễ để mừng vụ mùa bội thu, tặng nhau những chiếc bánh để cầu chúc sự may mắn, sum họp, vui vẻ và đầy đủ. Có hai loại bánh truyền thống chính là bánh dẻo và bánh nướng, hình tròn và hình vuông.
Hoa Lê 
 
(Tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN