(Baonghean)- Nghệ An là tỉnh giàu tiềm năng để phát triển, nhưng sau 30 năm đổi mới, mục tiêu xây dựng Nghệ An thành một tỉnh giàu mạnh được như Bác Hồ hằng mong muốn vẫn chưa thực hiện được. Phát huy tiềm năng vẫn là bài toán khó đối với Nghệ An.

images1705486_dc_hong_toan.jpgPhát biểu đóng góp ý kiến về phát triển giáo dục, y tế tại Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 4,khóa XVIII.

Trong các tiềm năng của Nghệ An, tiềm năng con người là vốn quý nhất. Con người Nghệ An cần cù, thông minh, nổi tiếng cả nước với tinh thần cách mạng và truyền thống hiếu học. Trong lịch sử, Nghệ An có nhiều danh nhân, nhiều anh hùng dân tộc. Trong cuộc sống đương đại, Nghệ An có nhiều người giỏi trên nhiều lĩnh vực.

Nhắc đến Nghệ An, nhiều người nhận xét rằng đây thực sự là nơi “địa linh nhân kiệt”. Nhưng con người Nghệ An đã được phát huy như thế nào trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương hiện nay? Trả lời câu hỏi này không thể chỉ dừng lại ở những lời tự hào về phẩm chất con người Nghệ An, mà phải có một đại lượng cụ thể để “đo đếm” nguồn lực con người trong quá trình phát triển.

Trong chuyến thăm và làm việc vừa rồi tại Nghệ An, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá rằng tiềm năng con người là vốn quý nhất của tỉnh này. Nhưng tại sao đến nay Nghệ An vẫn chưa đáp ứng được nhịp độ phát triển so với mặt bằng chung của cả nước.

Nghệ An đang có những “điểm nghẽn” về cơ sở hạ tầng giao thông như thiếu cảng biển nước sâu, thiếu con đường chiến lược nối liền khu vực... Và có một “điểm nghẽn” rất lớn của Nghệ An mà phải là người trong cuộc mới cảm nhận được, đó là “điểm nghẽn” về khai thác nguồn lực con người. 

Nói đến nguồn lực con người của Nghệ An, trước tiên phải nói đến thế mạnh của một tỉnh đông dân. Dân số Nghệ An đứng thứ tư của cả nước (sau TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa), tương đương với nhiều nước nhỏ trên thế giới.

Để phát triển kinh tế, dân số đông là một yếu tố rất quan trọng. Trên thế giới đã có những nước phát huy rất tốt thế mạnh này, tiêu biểu nhất là Trung Quốc. Nghệ An chưa coi dân số đông là một thế mạnh, thậm chí dân số đông đang trở thành gánh nặng. Ở Nghệ An có những hiện tượng không bình thường cho thấy chưa phát huy thế mạnh của một tỉnh đông dân. 

Thị trường Nghệ An rất đông khách hàng, nhưng thứ gì cũng khó bán bởi sức mua của người dân có hạn, điều này hạn chế rất lớn sự phát triển của sản xuất hàng hóa. Các hội chợ, siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại đều mọc lên ở Nghệ An nhưng người xem nhiều hơn người mua.

Nhiều hình thức hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí rất thu hút khách ở các địa phương khác, nhưng đến Nghệ An trở nên vắng vẻ, không phải nhu cầu văn hóa của nhân dân Nghệ An thấp hơn mà do túi tiền người dân còn nghèo.

Miền Tây Nghệ An có tiềm năng đất đai rất lớn, nhưng phần đông dân ở đây vẫn cam chịu phận nghèo bởi không biết cách làm giàu. Nghệ An còn đứng đầu cả nước về số người đi xuất khẩu lao động và đi làm thuê ở ngoài tỉnh... Như thế để thấy, thế mạnh đông dân của Nghệ An chưa được phát huy.

Nghệ An có truyền thống học giỏi, có lắm người tài, đó là một thực tế không ai phủ nhận. Nhưng người tài của Nghệ An được phát huy tại quê hương như thế nào lại là vấn đề khác. Nhiều người nhận xét rằng, người Nghệ đi ra các địa phương khác có nhiều người thành đạt và nổi tiếng, còn ở trong tỉnh thì rất khó phát triển.

Có những doanh nhân người Nghệ rất thành đạt ở các tỉnh khác, trong khi doanh nhân người Nghệ kinh doanh tại quê hương rất khó khăn. Phát huy nguồn lực con người Nghệ An trước tiên là phát huy trí tuệ của người Nghệ trên thương trường. Trong 30 năm đổi mới, có bao nhiêu sáng kiến có giá trị lớn của người Nghệ được áp dụng?

Đâu là công trình sáng tạo của người Nghệ để lại mốc son trong tiến trình xây dựng quê hương? Trí thức người Nghệ đã làm giàu cho quê hương như thế nào? Tỉnh đã nhiều lần ban hành chính sách thu hút nhân tài nhưng tại sao nhân tài về với quê hương Nghệ An vẫn quá hiếm? 

Bằng cách nào để khai thác nguồn lực con người Nghệ An một cách có hiệu quả? Đã đến lúc phải suy nghĩ vấn đề này một cách thấu đáo và nghiêm túc. Không thể tự ru mình bằng “tiềm năng con người” trong khi một tỉnh đông dân và nổi tiếng có nhiều người tài lại cứ mang tiếng nghèo mãi. Với suy nghĩ  riêng, người viết bài này xin có hai kiến nghị sau đây:

Thứ nhất, tỉnh phải mạnh dạn đổi mới để có những chính sách sát thực và thông thoáng nhằm tạo điều kiện cho nhân dân Nghệ An có cơ hội làm giàu. Không thể để người dân Phủ Quỳ cứ nghèo mãi trên hàng vạn ha đất đỏ ba-zan màu mỡ. Không thể để hàng vạn thanh niên Nghệ An phải rời khỏi quê hương mới có thể kiếm sống và đổi đời. Nghệ An đang triển khai nhiều dự án lớn để phát triển kinh tế, không thể vì các dự án mà làm nghèo dân do thu hồi đất, do mất việc làm. Sức dân sẽ làm nên tất cả, để mất sức dân thì việc gì cũng sẽ không thành công.

Thứ hai, phải xem lại chính sách thu hút nhân tài của tỉnh tại sao không đem lại hiệu quả như mong muốn. Người tài của Nghệ An không thiếu, nhưng họ đang ở đâu đó chứ không về sinh sống và làm việc tại quê hương. Có những sinh viên học giỏi, có tài nhưng khi về nộp hồ sơ để được hưởng chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao đã gặp nhiều khó khăn. Nhiều trí thức người Nghệ rất giỏi đang công tác ở các cơ quan Trung ương hoặc các thành phố khác, bày tỏ rằng rất muốn về cống hiến cho quê hương nhưng chỉ sợ về quê hương sẽ gặp nhiều lực cản... Không thu hút được nhân tài người Nghệ, thì coi như nguồn lực con người của Nghệ An đang bị bỏ phí.

Nguồn lực con người là yếu tố quyết định để phát huy các nguồn lực của tỉnh. Có khai thông nguồn lực con người thì các nguồn lực khác mới được phát huy có hiệu quả. Đây không chỉ là vấn đề chính sách mà phải là tấm lòng thiết tha nhất của mỗi cán bộ lãnh đạo tỉnh nhà.

Trần Hồng Cơ

TIN LIÊN QUAN