47054426040468_2712018.jpgVận chuyển container theo chặng xuất nhập khẩu Vorsino-Thành Đô-Vorsino Ảnh: "RZD Logistics"
 Đây là bước đầu kế hoạch hợp tác giữa các doanh nghiệp "Đường sắt Nga" và "Đường sắt Việt Nam", do các công ty con "RZD Logistics" và "Ratraco" thực hiện.
Lễ đón chuyến tàu container tuyến Moskva-Hà Nội

"RZD Logistics" được thành lập năm 2010, là nhà cung cấp logistics lớn nhất trên lãnh thổ Nga và các nước SNG. Ngoài ở Nga và các nước SNG, công ty còn hoạt động tại 13 nước, trong đó có Trung Quốc, Mông Cổ, Đức, Cộng hòa Séc, Áo, Ba Lan, vận chuyển khối lượng hơn 30 triệu tấn hàng. Ví dụ, mới đây "RZD Logistics" đã chuyển từ Kazakhstan sang Nga các đường ray tàu với chiều dài 100 m. Hay từ Trung Quốc đến Đức — các tác phẩm điêu khắc cho triển lãm nghệ thuật đương đại.

Công ty đã thành lập một số hành lang vận tải quốc tế. Giữa Nga và Trung Quốc các tuyến tàu chở container hàng xuất khẩu chạy hàng tuần, cũng như giữa Đức và Trung Quốc, giữa Bắc Âu và Ấn Độ đang chạy các chuyến thử nghiệm.

Giờ đây đến lượt chuyến thử nghiệm tới Việt Nam. Đó là một container 40'' chứa mỹ phẩm của công ty Krasnaya Liniya đúng vào thời điểm công ty này mở cửa hàng tại Hà Nội.

"Container này là cánh én đầu tiên của vận tải đường sắt giữa Nga và Việt Nam," - ông Andrei Tonkikh, Phó Tổng giám đốc "Đường sắt Nga" cho biết trong cuộc phỏng vấn với Sputnik. - "Cho đến nay, ở Nga và cũng như Việt Nam còn rất ít người biết tới khả năng vận tải hầu hết các hàng hóa giữa các nước bằng đường sắt. Thời gian vận tải rút ngắn gấp đôi so với bằng đường biển. Mức giá tuy cao hơn một chút nhưng việc vận chuyển sẽ không phụ thuộc vào các điều kiện thời tiết. Chúng tôi thực hiện giao hàng theo phương thức "door-to-door" và đảm bảo tuân thủ chính xác các điều kiện."

Container vận chuyển mỹ phẩm của Krasnaya Liniya đến Hà Nội sẽ trở lại Nga ngay sau khi chất đủ hàng xuất khẩu của các nhà sản xuất Việt Nam. Ông Vyacheslav Harinov, trưởng văn phòng đại diện thương mại Nga tại Việt Nam tin chắc rằng sẽ không phải đợi lâu. Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik ông nói:

"Vận tải hàng hóa giữa hai nước chúng ta, vốn được thống nhất bởi Hiệp định Tự do Thương mại, hiện đang diễn ra bằng đường biển và đường hàng không. Nhưng đường biển lâu còn bằng hàng không thì đắt. Vì vậy, các loại hàng thuộc mức giá trung bình, đặc biệt là hàng hóa đòi hỏi phải giao gấp có thể dễ dàng di chuyển bằng đường sắt. Kinh nghiệm đầu tiên cho thấy những ưu thế rất tích cực. Tôi nghĩ rằng sẽ được các nhà cung cấp trái cây và rau quả Việt Nam quan tâm hàng đầu, nhu cầu về các sản phẩm này ở Nga rất cao. Tôi cung tin là ở Nga nhiều nhà xuất khẩu sẽ xem xét đường sắt là phương pháp vận tải đến Việt Nam khả thi về mặt kinh tế."

Như ông Tonkikh đã cho chúng tôi biết, "RZD Logistics" có hàng chục khu cảng container trên khắp nước Nga. Vì vậy, hành lang đường sắt Nga-Việt Nam-Nga có thể góp phần đáng kể vào sự phát triển quan hệ đối tác liên vùng giữa hai nước.