(Baonghean) - Được xem là địa phương có tiềm năng phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, thế nhưng ở huyện Con Cuông, việc khai thác những tiềm năng này còn nhiều hạn chế.

Từ khoảng 10 năm trở lại đây, một số danh lam ở huyện biên giới Con Cuông hình thành một số điểm du lịch khá hút khách. Dẫu không phải là những điểm du lịch lớn và nức tiếng, thế nhưng các điểm du lịch ở Con Cuông có thế mạnh riêng mà những nơi khác không có được hoặc đã bị mai một, đó là sự nguyên sơ của thiên nhiên, môi trường trong lành và trên hết là là sự thuần phác, hồn hậu của con người nơi đây, làng bản vẫn còn giữ được nhà sàn truyền thống. Tại đây, đã có một số điểm du lịch cộng đồng cũng nhận được sự quan tâm đầu tư nhất định của chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, những di tích lịch sử như bia Ma Nhai có từ thời Trần, di tích lịch sử nhà cụ Vi Văn Khang, bí thư đầu tiên của Chi bộ Đảng xã Môn Sơn từ năm 1931 cũng là những điểm đến khá ấn tượng của những ai thích tìm hiểu lịch sử. 

Khe Nước Mọc vào mùa du lịch.
Khe Nước Mọc vào mùa du lịch.

Thế nhưng, có một điều mà chúng tôi cũng đã nhiều lần đề cập, là việc khai thác tiềm năng du lịch ở Con Cuông vẫn chưa hiệu quả. Để đi tìm một phần nguyên nhân của vấn đề này, chúng tôi đã thâm nhập thực tế tại một số điểm du lịch ở Con Cuông, lắng nghe tâm tư của chính du khách và những người dân làm du lịch tại một số làng bản. 

Đã sắp sửa mùa du lịch, du khách đã bắt đầu tìm đến những điểm “giải nhiệt” như suối Nước Mọc ở bản Tân Hương (Yên Khê), đập nước Phà Lài (Môn Sơn), thác Kèm (Lục Dạ)… Trong số những điểm du lịch này, vào những ngày nắng nóng người dân rất thích tìm đến suối Nước Mọc. Từ non trưa, đã có khá nhiều người và xe cộ. Đông nhất vẫn là lứa tuổi học sinh. Sau giờ học, các em ở những địa bàn phía ngoài như Thị trấn Con Cuông, xã Bồng Khê, Chi Khê thường tìm đến tắm mát. Tại đây, chúng tôi gặp anh Nguyễn Đình Quang (Nghi Thái - Nghi Lộc), khi anh lần đầu tiên đến suối Nước Mọc. Trước đó, anh có đọc trên internet về những điểm du lịch ở Con Cuông rồi tìm đến. Anh Quang cho biết, bản thân đã khá vất vả mới tìm ra suối nước mát này. Anh tỏ ra tiếc rẻ: “Kể mà người ta gắn một biển chỉ dẫn, ví dụ suối Nước Mọc bao nhiêu km, hay thác Kèm bao nhiêu km, thì tiện biết mấy. Đằng này một cái biển đơn giản như thế cũng chẳng có?”.

Một du khách khác là Vũ Thế Nam (Diễn Bích - Diễn Châu) chia sẻ, anh đã đến suối Nước Mọc khá nhiều lần, trong đó có những lần dòng suối này chưa được xây kè bê tông xung quanh như hiện nay. Theo anh thì cách xây dựng như vậy đã làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên của dòng suối. “Tôi không phản đối việc xây dựng và mở dịch vụ ở điểm du lịch vì đó là điều cần thiết để thu hút người đến. Nhưng bê tông vốn đã khô cứng, nếu xây dựng nó cũng theo tư duy khô cứng thì sẽ làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên vốn có”, anh Nam cho biết.

Hội rượu cần ở bản Nưa.

Trở lại bản Nưa, điểm du lịch cộng đồng khá có tiếng ở miền Tây Nam Nghệ An. Ở đây có CLB Dân ca Thái, tổ dệt… luôn sẵn sàng phục vụ khách du lịch khi có yêu cầu. Bản cũng có 2 gia đình đang mở dịch vụ đón khách, trong đó có nhà anh Vi Văn Thụ. Anh cho biết, năm 2015 đã được đón tiếp 2 đoàn khách đến từ Nhật Bản, họ khá hài lòng với những sản phẩm du lịch ở bản như nhà sàn, dân ca Thái. Nhưng du khách cũng cảm thấy bất tiện vì các công trình phụ tách biệt với nơi ở, lại chưa có phòng tắm nóng lạnh, điều hòa nhiệt độ.

Hiện huyện Con Cuông đã xây dựng đề án phát triển du lịch đến năm 2020 với những kế hoạch chiến lược. Tuy vậy, có những điều tưởng như khá nhỏ nhặt, như biển chỉ dẫn các diểm du lịch, hay đầu tư phát triển một điểm đón khách tại chính nhà dân thay vì xây dựng nhà nghỉ đối với các điểm du lịch cũng như trang bị kỹ năng làm du lịch cộng đồng cho bà con thì lại chưa được chú trọng.

Hữu Vi