(Baonghean) Hiện nay, không ít người dân đến từ khắp mọi nơi dựng lều lán trong rừng sâu để mưu sinh bằng nghề khai thác nứa, lùng tại các xã Đồng Văn, Thông Thụ, Tiền Phong (Quế Phong). Nghề này luôn tiềm tàng ẩn hoạ cháy rừng.
Hôm chúng tôi vào các vùng tái định cư của Thuỷ điện Hủa Na ở xã Đồng Văn -Quế Phong, trong nắng trưa gay gắt thấy nhiều bà con đang kéo những cây lùng ra ven đường để cưa. Lương Văn Quang quê ở Quỳ Hợp đang vác cả bó lùng về phía lán trại, cho biết: Bọn em đi theo nhóm từ 4-7 người, chủ yếu quê ở Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn. 3 giờ sáng là mọi người mang theo đồ nghề, cưa, dao vào rừng để chặt nứa, lùng rồi kéo ra lán trại dựng tạm ở ven đường Cửa khẩu Thông Thụ. Nứa, lùng ở các khu rừng này thường mọc tập trung nên cũng dễ chặt, nhưng khâu vận chuyển thì rất khó khăn.
Bữa cơm trưa của họ, chỉ có đồ khô, Lương Văn Thảo trong nhóm khai thác nứa cho biết: “Chúng tôi nấu cơm bằng nước khe suối, thức ăn chủ yếu dùng cá khô, tép khô, măng khô …Sợ nhất là những cơn mưa rừng, có hôm gió thổi bay cả tấm bạt, mấy anh em ướt sũng giữa rừng hoang”. Theo Thảo kể thì thỉnh thoảng cán bộ xã và kiểm lâm cũng đến kiểm tra khai thác nứa, lùng và dặn không được để xảy ra cháy rừng.
Cưa xẻ thành phẩm chờ tư thương lên lấy tại xã Tiền Phong (Quế Phong).
Dọc đường lên Cửa khẩu Thông Thụ, lều bạt hai bên đường khá nhiều của những người khai thác nứa, lùng. Anh Sầm Đống ở bản Phương Tiến I xã Tiền Phong – Quế Phong nói: Gia đình không có ruộng nước, chăn nuôi khó khăn nên phải theo nghề này để kiếm sống. Tờ mờ sáng đến tối mịt, mỗi người trong nhóm chặt và vác về nơi tập kết được khoảng 30 cây lùng. Sau đó cưa lùng ra thành từng khúc dài khoảng 45-60 cm, chẻ mỗi khúc ra 3 tấm, khoảng 30 tấm được buộc thành một bó (tương đương 10 kg); bán với giá 1.200 đ/kg lùng; mỗi ngày làm cật lực, trừ chi phí bình quân có thu nhập từ 200.000-250.000 đ/ngày/người.
Ông Lô Văn Chung ở xã Tiền Phong cho hay: Nghề này chỉ làm được những ngày nắng ráo, còn mưa gió thì chịu vì đi vào rừng vừa lắm sên vắt lại trơn trượt. Còn đầu ra thì không đáng lo vì các đầu nậu từ dưới xuôi lên mua rất mạnh. Chủ yếu là họ mua về để bán cho các cơ sở làm đồ thủ công mỹ nghệ, làm đũa, tăm …Ông Chung cho rằng: Nứa, lùng đạt chất lượng phải từ 2-3 năm tuổi trở lên, nếu khai thác cây non có khi tư thương chẳng lấy cho. “Khai thác nứa, lùng rất dễ cháy rừng, thế các bác có biện pháp nào không ?” “Khi chặt được lùng là chúng tôi cố gắng kéo cả cây ra ngoài đường cửa khẩu, sau đó mới cưa từng khúc, không cưa trong rừng vì nứa, lùng rất dễ cháy”.
Ông Lang Văn Tuần-Chủ tịch UBND xã Đồng Văn trao đổi: Toàn xã có diện tích rừng khoảng 30.000 ha, trong đó có trên 2.000 ha nứa, lùng. Khai thác nứa, lùng được rộ lên từ năm 2008 đến nay, do các tư thương lên đặt hàng bà con khai thác. Nghề này đã tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 1000 lao động, nói là nghề tay trái nhưng lại là nghề thu nhập chính của nhiều bà con. Điển hình như hộ Lương Văn Dũng và Lương Văn Tiến ở Piêng Pùng xã Đồng Văn, nhờ từ khai thác lùng mà mỗi gia đình mua được 2 con bò, có tiền nuôi con cái ăn học. Việc quy hoạch xây dựng Thuỷ điện Hủa Na sẽ có 2.600 ha bị ngập úng, xã và các ngành chức năng đã cho bà con tận dụng để khai thác. Việc khai thác lùng đều đúng với quy trình để giảm tối đa nguy cơ cháy rừng.
Huyện Quế Phong có khoảng trên 3.000 ha nứa, lùng ở các xã Đồng Văn, Thông Thụ, Tiền Phong…Ngoài nhiệm vụ phối hợp với các xã tuần tra, kiểm soát quá trình bà con khai thác nứa, lùng, Hạt Kiểm lâm Quế Phong đã kịp thời tham mưu cho UBND huyện và các xã có diện tích nứa, lùng dừng khai thác các thời điểm nắng nóng. Quán triệt các hộ dân đưa các sản phẩm nứa, lùng ra khỏi rừng để cưa cắt tránh xảy ra cháy.
Tận thu khai thác nứa lùng cũng là cách giúp bà con cải thiện cuộc sống, bởi không khai thác kịp thì số diện tích nứa, lùng quá tuổi cũng tàn lụi. Tuy nhiên, Hạt Kiểm lâm Quế Phong và các xã có diện tích nứa, lùng cần có sự giám sát thường xuyên để hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra cháy rừng.
Khai thác nứa, lùng… ẩn hoạ cháy rừng
Vương Trần