(Baonghean.vn) - Khai thác tiềm năng lợi thế hai bên tuyến đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn trong tương lai, cung đoạn Vinh - Pacxan, đó là nội dung chính của buổi tọa đàm giữa Hội doanh nghiệp tiêu biểu Nghệ An, Tỉnh đoàn Nghệ An, Việt Nam với Hội Doanh nhân trẻ Quốc gia Lào, Tỉnh đoàn Bôlykhămxay được tổ chức sáng 21/2.
Tuyến đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn đi qua cửa khẩu Thanh Thủy có quy mô dự kiến 6 làn xe, giai đoạn 1 xây dựng 4 làn xe, chiều dài khoảng 725 km, đảm bảo phương tiện có thể lưu thông từ 80-120 km/h.
Mức đầu tư dự kiến đoạn từ Viêng Chăn - Pacxan - Thanh Thủy - Vinh dài 446 km trên 5,2 tỷ USD. Riêng tuyến đường đi trên địa bàn Lào có chiều dài 381km dự tính mức đầu tư khoảng 4,48 tỷ USD. Đoạn từ Vinh đi Hà Nội hiện đã xây dựng xong tuyến cao tốc Hà Nội - Ninh Bình, dự kiến đoạn Ninh Bình - Vinh sẽ hoàn thành vào năm 2020.
Việc xây dựng cao tốc nối Viêng Chăn - Pacxan - Thanh Thủy - Hà Nội nhằm sớm hiện thực hiệp định hợp tác song phương và thỏa thuận kết nối giao thông giữa Bộ Chính trị và Chính phủ hai nước Việt Nam - Lào. Hiện, Bộ GTVT đang khảo sát, tìm nguồn thực hiện.
Tại tọa đàm, 2 bên đã giới thiệu tiềm năng, đánh giá lợi ích, thế mạnh khi dự án hoàn thành của mỗi bên, đồng thời cho rằng khi tuyến đường này được kết nối sẽ mở ra nhiều triển vọng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của cả 2 nước Việt Nam - Lào mà cả các nước trong khu vực. Đặc biệt đoạn Vinh - Pacxan là tuyến mới hoàn toàn, do đó, tuyến đường khi được đưa vào hoạt động sẽ kết nối khu vực, vùng; phát huy tiềm năng, lợi thế của hai nước và các tỉnh, giúp tăng cường mối liên kết kinh tế, xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa.
Tại buổi tọa đàm, một số chuyên gia, các đại biểu có nhiều năm sinh sống, công tác tại Lào nhận định: nếu được Chính phủ 2 nước đầu tư xây dựng sớm, tuyến đường Viêng Chăn - Pacxan - Thanh Thủy - Hà Nội chắc chắn còn mở ra những thuận lợi mới, giảm chi phí tối đa cho các phương tiện giao thông vận chuyển hàng hóa từ các nước trong khu vực như: Thái Lan, Myanmar, Lào đến Việt Nam và ngược lại. Đồng thời tạo nền tảng cho các doanh nghiệp quan tâm đến việc liên doanh, liên kết, đầu tư khai thác tiềm năng, lợi thế có sẵn về đất rừng để kinh doanh, sản xuất cũng như góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng của 2 nước./.
Thu Huyền