(Baonghean.vn) - Lấy cớ cải tạo vườn tạp, một hộ dân đào cả ngọn đồi để khai thác đất. Mỏ đất ngang nhiên hoạt động thời gian dài, nhưng chính quyền địa phương lại 'đá bóng' trách nhiệm cho nhau. 

Ngày 28/11/2017, có mặt tại điểm giáp ranh giữa xóm Trại Bò (xã Yên Hợp, Quỳ Hợp) và bản Quỳnh 2 (xã Châu Bình, Quỳ Châu) dễ dàng nhìn thấy một điểm khai thác đất nằm ngay bên Quốc lộ 48A. Phát hiện thấy sự có mặt của phóng viên, những chiếc xe tải được lệnh chờ bên ngoài, lối ra vào được bịt kín.

Sau khi phóng viên đi khỏi cũng là lúc trời đã gần tối, chiếc cổng tạm được dỡ ra để cho các xe vào bên trong bãi đất.

Quay trở lại hiện trường, phóng viên chứng kiến một khu vực đồi rộng lớn đã bị đào bới ngổn ngang, nham nhở. Nhiều xe tải đang nằm trong bãi để chờ “ăn đất”.

1512009828436.jpgNhiều chiếc xe tải đang nằm chờ để "ăn đất". Ảnh chụp vào ngày 28/11/2017

Mỏ khai thác đất là một đồi trồng keo 3-4 năm tuổi, nằm khuất sau một ngôi nhà lớn được với mục đích che mắt người qua đường và ngành chức năng. Theo người dân địa phương, thì điểm khai thác đất là của ông Hiếu Hường (quê huyện Nghĩa Đàn).

Nắm thông tin về việc khai thác đất, ông Lương Văn Đại - Chủ tịch UBND xã Châu Bình (Qùy Châu) cho biết: Trước đó, gia đình anh Hiếu Hường có làm đơn xin được cải tạo vườn và được xã Yên Hợp (Qùy Hợp) đồng ý. Tuy nhiên, khi phát hiện đất bị bán ra ngoài trái phép thì chính quyền xã Châu Bình đã đình chỉ việc khai thác.

Ông Đại khẳng định, việc khai thác đất xã biết từ nhiều tháng trước và đã cho đoàn xuống lập biên bản yêu cầu dừng khai thác từ lâu. Nhưng khi phóng viên thông tin việc khai thác vẫn đang tiếp diễn thì ông Đại tỏ vẻ bất ngờ và cho rằng, sẽ cho đoàn kiểm tra xuống làm việc với chủ đất để xử lý.

Xe tải nườm nượp vào mỏ đất mặc dù chính quyền xã khẳng định đã đình chỉ mỏ đất. Ảnh chụp vào ngày 28/11/2017

Theo lãnh đạo xã Châu Bình (Qùy Châu), bãi khai thác đất nằm ở vùng giáp ranh giữa hai xã Châu Bình (huyện Quỳ Châu) và Yên Hợp (Quỳ Hợp). Từ nhiều đời nay, địa giới hành chính thuộc xã Châu Bình quản lý nhưng người dân sống trong vùng là công dân xã Yên Hợp. Hai địa phương nhiều lần bàn bạc và thống nhất để Yên Hợp quản lý luôn vì đó là công dân Yên Hợp. Tuy nhiên, khi được hỏi biên bản thống nhất thì vị chủ tịch này cáo bận họp. 

Cùng ngày, trao đổi với ông Lê Văn Thành - Chủ tịch xã Yên Hợp thì ông này cũng khẳng định, khu vực mỏ đất thuộc địa giới hành chính của xã Châu Bình nhưng công dân xã Yên Hợp đang sinh sống. 

"Gia đình anh Hiếu Hường có làm đơn xin cải tạo vườn và được xã xác nhận. Tuy nhiên, khi xã phát hiện đất được chở ra ngoài địa phương bán trái phép nên đã lập biên bản đình chỉ và hủy đơn xin cải tạo vườn mà xã xác nhận trước đó", ông Thành nói.

Chính quyền địa phương 2 xã đang "đá bóng" trách nhiệm cho nhau trong việc khai thác đất ở vùng giáp ranh. Ảnh chụp ngày 28/11/2017

Khi hỏi về trách nhiệm xử lý tình trạng khai thác đất trái phép, Chủ tịch UBND xã Yên Hợp lại cho rằng, dù là công dân Yên Hợp nhưng đất địa giới hành chính là của xã Châu Bình thì xã Châu Bình phải có trách nhiệm. Nếu cần phối hợp thì xã Yên Hợp sẵn sàng. 

Quay trở lại điểm khai thác đất, mặc dù những chiếc xe hổ vồ vẫn chở đất ra khỏi địa phương bán nhưng không hề bị sự kiểm tra của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Trong khi 2 xã đang “đá bóng” trách nhiệm cho nhau thì điểm khai thác đất ngày càng rộng ra, thất thoát lớn nguồn tài nguyên.

Theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 64 Luật Khoáng sản năm 2010: “Người được giao sử dụng đất ở, đất nông nghiệp (là hộ gia đình, cá nhân)” được phép khai thác đất (là vật liệu xây dựng thông thường) để sử dụng làm vật liệu san lấp mặt bằng, nhưng chỉ sử dụng để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó". Trong khi hộ dân trên lợi dụng cải tạo vườn tạp khai thác đất rồi bán trái phép là vi phạm quy định của Luật khoáng sản 2010.


Ngô Hoàng

TIN LIÊN QUAN