Dự Đại hội có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương về dự Đại hội.

Tham dự đại hội có 2.300 đại biểu gồm các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các điển hình tiên tiến đại diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, công nghiệp, nông nghiệp, khoa học công nghệ cùng các thành phần tôn giáo, dân tộc, nhân sĩ, trí thức, thầy thuốc, nhà giáo, nghệ nhân, văn nghệ sĩ và các nhà khoa học.

Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An có 25 đại biểu. Các đồng chí Thái Thanh Quý – Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự đại hội.

daihoithiduayeunuoctoanquoclanthux0316075662853971777197543727969_10122020.jpgCác đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Đại hội. Ảnh TTXVN

Phong trào thi đua yêu nước phát triển mạnh mẽ, sâu rộng

Phát biểu khai mạc Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúcnêu rõ, cách đây 72 năm, nhân kỷ niệm ngày Nam bộ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Người viết, “mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái, bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ  đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa". Người kêu gọi, "làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều".

Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An chụp ảnh với các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Thực hiện Lời kêu gọi thiêng liêng đó của Người, không ngày nào nhân dân ta không thi đua yêu nước. Từ những ngày đầu với phong trào thi đua diệt giặc dốt, diệt giặc đói, cho đến diệt giặc ngoại xâm, từ thi đua khôi phục kinh tế - xã hội ở miền Bắc, cho đến thi đua chi viện cho chiến trường miền Nam, từ thi đua đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất đất nước, đến thi đua kiến thiết lại nước nhà, thực hiện công cuộc đổi mới kinh tế đưa đất nước tiến lên trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thi đua làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Đại hội. Ảnh: TTX

Thủ tướng nêu rõ, ngày nay, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước ta có được là kết tinh của nhiều phong trào thi đua sôi nổi, bao gồm cả những cống hiến và hy sinh thầm lặng ở mọi cấp, mọi ngành, mọi hình thức xã hội.

“Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X là dấu mốc quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới trên cơ sở tiếp nối và phát huy những truyền thống tốt đẹp và những thành quả quý báu mà cha ông bao thế hệ đã giành được trong suốt 72 năm qua”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thấm nhuần tư tưởng về thi đua yêu nướccủa Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện lời dạy của Người “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, trong 5 năm qua, các phong trào thi đua trên cả nước như: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”; … được các bộ, ngành, địa phương triển khai với giải pháp cụ thể, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo không khí thi đua sôi nổi, được các cơ quan, tổ chức, đơn vị và nhân dân hưởng ứng tham gia.

Tính đến nay, cả nước đã có trên 61% số xã đạt chuẩn NTM; 127 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM; tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm xuống dưới 3%, thu nhập bình quân hộ nghèo tăng gấp 1,6 lần so với năm 2015; tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước giai đoạn 2016 – 2020 ước đạt 5,9%, thuộc nhóm tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới…

Các đại biểu tỉnh Nghệ An tham dự đại hội. Ảnh PV

Đối với tỉnh Nghệ An, 5 năm qua, các phong trào thi đua yêu nước đã được phát động và triển khai một cách toàn diện, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ngày càng vững mạnh.

Nổi bật, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 7,84%, GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2020 ước đạt 44,34 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp (từ 26,36% xuống còn khoảng 22,42%), tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ (từ 73,64% lên khoảng 77,58%).

Thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt dự toán được giao; năm 2020 ước thu ngân sách đạt trên 17.500 tỷ đồng, gấp khoảng 1,7 lần so với năm 2015. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt hơn 314.000 tỷ đồng, gấp 1,74 lần so với giai đoạn 2011 - 2015.

Ước cuối năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 281/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao.

Nhân rộng, lan tỏa phong trào thi đua yêu nước

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tích đạt được của đất nước trong 5 năm qua có sự đóng góp tích cực của các phong trào thi đua yêu nước. Trải qua chặng đường dài xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào thi đua ái quốc luôn phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, có nhiều đổi mới về nội dung và phương pháp.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu trong thời gian tới, phong trào thi đua yêu nước cần cổ vũ các bộ, ban, ngành, địa phương và nhân dân cả nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tận dụng tốt các cơ hội, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số... đưa đất nước vươn lên mạnh mẽ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Đại hội. Ảnh TTXVN

Tiếp tục quán triệt, thực hiện thật tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, nhất là quán triệt sâu sắc tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; các phong trào thi đua cần có mục tiêu thiết thực, cụ thể gắn với việc thực hiện nhiệm vụ của từng bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Tiếp tục đổi mới toàn diện, phát huy tinh thần sáng tạo trong tổ chức phong trào thi đua thực chất, thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, lối mòn.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị: Cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác khen thưởng; bảo đảm khen thưởng chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, có tác dụng giáo dục, nêu gương; quan tâm khen thưởng các điển hình, nhân tố mới, người trực tiếp lao động, sản xuất và phù hợp với thành tích và kết quả đạt được.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các phong trào thi đua, nhân rộng điển hình tiên tiến, nêu gương người tốt, việc tốt nhằm thúc đẩy, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, góp phần tạo động lực thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Sau Đại hội, các đại biểu tiếp tục phát huy năng lực, trí tuệ, tích cực tham gia và làm nòng cốt các phong trào thi đua yêu nước tại cơ quan, địa phương, đơn vị để những cách làm hay, những kinh nghiệm tốt nhanh chóng được lan tỏa sâu rộng đến cộng đồng xã hội.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tặng hoa các điển hình tiên tiến tại đại hội. Ảnh: TTXVN

Tại Đại hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát động phong trào thi đua giai đoạn 2021 – 2025 với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.