Sáng 9/9, Phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã khai mạc tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Đây là Phiên họp cận kề kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, dự kiến kéo dài trong 2 tuần, thảo luận nhiều nội dung quan trọng, đánh giá kết quả công tác năm 2013 của Chính phủ và các ngành.

802803_small_105132.jpg

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, trọng tâm của Phiên họp thứ 21 là những nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6, đặc biệt là công tác xây dựng pháp luật như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; Luật Đất đai (sửa đổi) và kết quả phát triển kinh tế-xã hội của đất nước 2013.

Đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, đã được tổ chức lấy ý kiến nhân dân rộng rãi, nghiêm túc; thu hút sự tham gia tích cực và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết của mọi tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam sinh sống và làm việc tại nước ngoài. Dự thảo cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các nhà khoa học, chuyên gia có uy tín.

Từ sau Kỳ họp thứ 5 đến nay, dưới sự chỉ đạo của Thường trực Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Thường trực Ban biên tập đã làm việc nghiêm túc để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Tại Phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến chi tiết, hoàn thiện thêm một bước trước khi trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là loại dự án luật rất khó, với tầm bao phủ rộng lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và đời sống của mọi người dân. Vì vậy cũng cần được chuẩn bị thật tốt, tiếp thu nhiều ý kiến các tầng lớp nhân dân trong xã hội và hoàn thiện thật tốt cơ sở khoa học pháp lý, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Đề cập đến ý nghĩa đặc biệt của Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội sẽ khai mạc vào tháng 10 tới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, đây là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ dành thời gian nghe nhiều báo cáo của các ngành nhằm đánh giá lại không chỉ tình hình kinh tế-xã hội năm 2013 mà còn xem xét kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ, làm cơ sở để định hướng công việc những năm tiếp theo. Do đó, nhiệm vụ chuẩn bị các nội dung cho Kỳ họp là hết sức hệ trọng.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung dành thời gian, tích cực thảo luận, cho ý kiến để đảm bảo hoàn thành thật tốt các nội dung của Phiên họp.

Theo Chương trình dự kiến, tại Phiên họp thứ 21, ngoài Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, dự án Luật đất đai (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào dự thảo: Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình… Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ nghe báo cáo về chính sách Bảo hiểm Y tế giai đoạn 2009-2012; chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…; nghe báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013.

Phiên họp cũng sẽ cho ý kiến về báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; cùng nhiều nội dung quan trọng khác.

Trong buổi làm việc đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1999 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008 (Luật Sĩ quan). Sau 5 năm thực hiện, Luật Sĩ quan cơ bản phù hợp, đã tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng xây dựng đội ngũ sĩ quan, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Việc sửa đổi, bổ sung Luật này nhằm thể chế hóa quan điểm lãnh đạo của Đảng xác định phương hướng xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Việc sửa đổi còn nhằm đảm bảo phù hợp với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Công an Nhân dân (sửa đổi)./.


Theo TTXVN - L.T