"Thầy siêu quấy, trò siêu quậy" - tác phẩm điện ảnh hài hước, vui nhộn của Hà Lan sẽ mở màn Liên hoan phim Châu Âu tại Hà Nội vào 20h hôm nay 13-5 (Trung tâm Chiếu phim quốc gia, 87 Láng Hạ). Dịp này, 12 bộ phim xuất sắc khác phản ánh xã hội đương đại với những câu chuyện đời bình dị, xúc động cũng được trình chiếu trong Liên hoan phim kéo dài đến 22-5.
 
images1543312_ddd.jpg
Cảnh trong phim “Thầy siêu quấy, trò siêu quậy”.
 
Sự kiện trên do Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam và Đại sứ quán các quốc gia thành viên EU tổ chức nhằm mang đến cho khán giả Việt Nam những trải nghiệm với điện ảnh Châu Âu qua 13 bộ phim từ chính kịch, bi kịch, hài kịch. Trong đó, nhiều tác phẩm giành các giải thưởng điện ảnh quốc gia và quốc tế. Mở màn là phim hài gia đình "Thầy siêu quấy, trò siêu quậy" từng giành giải Phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Carrousel 2013. Nhân vật chính trong phim là Tobias - một cậu bé thông minh, vui vẻ và siêu hài hước, tuy nhiên bà giáo Sanne chỉ nhìn thấy ở cậu một mớ rắc rối. Rồi thầy giáo thực tập biệt danh "Mees Kees" đã đến mang lại những điều tuyệt vời cho Tobias và cả lớp…
 
Sau tác phẩm mở màn này, Liên hoan cho thấy những gương mặt, số phận khác nhau về người phụ nữ trong cuộc sống đương đại. "Hai ngày một đêm" của điện ảnh Bỉ là một ví dụ, với hàng loạt giải thưởng như Phim Quốc tế xuất sắc nhất (Giải thưởng Hiệp hội phê bình phim Australia 2015), Nữ diễn viên Châu Âu (Giải thưởng Phim Châu Âu 2014), Phim xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Nam diễn viên xuất sắc nhất (Giải Magritte, Bỉ 2015). Trong đó, nhân vật nữ quyến rũ là Sandra, một người mẹ trẻ đã cùng chồng chỉ trong hai ngày nghỉ cuối tuần để đấu tranh bảo vệ quyền được làm việc của mình. Tờ Washington Post từng nhận định "Sandra do nữ diễn viên hàng đầu Marion Cotillard thể hiện đã góp phần làm nên sức hấp dẫn mạnh mẽ cho bộ phim".
 
Một nữ nhân vật khác cũng hấp dẫn không kém Sandra là Mae trong phim "Sống, yêu, nhảy" của điện ảnh Áo. Mae - cô gái lang thang trên đường phố Vienna với đôi giày Converse của người anh trai quá cố để lại. Tự mình tìm kiếm nhiều trải nghiệm đời sống cho đến khi bị phạt làm việc tại một trung tâm AIDS rồi gặp và yêu Paul... Phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết thành công của nhà văn Cornelia Travnicek với nhiều chi tiết hài hước và cũng để lại dư vị nhẹ nhàng trong lòng người xem. Còn nhân vật Mae thú vị đến nỗi, có người đã viết "Nếu tôi bị kẹt trong thang máy với một nhân vật văn học đương đại, tôi muốn được ở với Mae. Tôi không biết liệu mình an toàn trở ra không, nhưng tôi chắc chắn đó là một quãng thời gian quý báu".
 
Những người phụ nữ trong gương mặt điện ảnh Châu Âu không chỉ có vậy, khán giả còn tiếp tục nhìn thấy họ trong những lấp lánh và gian khó khác của cuộc sống đời thường. Như chuyện bà mẹ đơn thân, xung đột các thế hệ trong "Các cô con gái của tôi" của Ba Lan hay "Yêu em hoặc rời xa em" của Slovakia…
 
Có thể nói, nhiều câu chuyện đời sống bình dị xúc động phản chiếu những vấn đề của xã hội đương đại cũng được khai thác qua các phim dự Liên hoan. Trong đó, xúc động là "Đường đời" với Nam diễn viên Đức xuất sắc nhất (giải Jupiter 2015). Hannes có ý định cùng vợ tổ chức chuyến đi xe đạp với bạn bè như hàng năm, nhưng lần này là đến Bỉ. Dù không hào hứng với địa điểm này nhưng mọi người đều vui vẻ lên đường, cho đến khi Hannes tiết lộ lý do anh muốn đến Bỉ là vì bản thân đang mang trọng bệnh và chỉ có Bỉ mới có luật "Cái chết nhân đạo" để anh lựa chọn ra đi. Sau cú sốc, vợ và các bạn của Hannes đã làm tất cả để anh có những ngày cuối cùng tận hưởng cuộc sống một cách toại nguyện nhất…
 
Còn rất nhiều chủ đề khác cũng được phản ánh ở Liên hoan này. 13 phim, rất đa dạng và nhiều sự lựa chọn, Liên hoan phim Châu Âu 2016 tiếp tục hy vọng sẽ cổ vũ thêm lòng yêu điện ảnh nói chung của độc giả Việt Nam. Khán giả nhận vé xem phim miễn phí tại Viện Goethe Hà Nội (56-58 phố Nguyễn Thái Học) và Trung tâm Chiếu phim quốc gia (87 Láng Hạ). 
 
Theo Hà Nội mới