Tham dự Hội nghị có các Bộ trưởng Tài chính, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương nhóm G-20, nhiều nhà khoa học và học giả kinh tế trên thế giới.
Ngày 31/3, tại thành phố Nam Kinh, Trung Quốc khai mạc Hội nghị không chính thức cấp Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương nhóm 20 nền kinh tế lớn trên thế giới (G-20) bàn về cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế.
Hội nghị Bộ trưởng G-20 lần này diễn ra trong bối cảnh sự phục hồi kinh tế toàn cầu đang phải đối phó với những thách thức lớn như thảm họa động đất gây sóng thần ở Nhật Bản và khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Tổng thống Pháp Sarkozy phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Getty Images
Chính vì vậy, vấn đề mất cân bằng giữa các nền kinh tế bao gồm các yếu tố bên trong như nợ công, thâm hụt tài chính, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân và nợ cá nhân, và một số yếu tố bên ngoài như cán cân thương mại hay các nguồn lợi nhuận đầu tư sẽ không còn là trọng tâm của các cuộc thảo luận. Thay vào đó, các đại biểu sẽ tập trung về vấn đề nguồn vốn đầu cơ, những thiếu sót và bất cập trong hệ thống tài chính thế giới để từ đó tìm ra những biện pháp ổn định hệ thống kinh tế toàn cầu.
Trên cương vị Chủ tịch G-20 năm nay, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã có bài phát biểu khai mạc Hội nghị, nhấn mạnh nhu cầu cập nhật hệ thống tiền tệ quốc tế, cùng với những chuyến biến mới của nền kinh tế thế giới. Trong đó, Tổng thống Sarkozy gợi ý đã đến lúc phải tạo lập một lộ trình để hệ thống tiền tệ của các nước mới nổi như đồng NDT của Trung Quốc có thể gia nhập Quyền rút vốn đặc biệt (Special Drawing Right), một loại đơn vị tiền tệ quốc tế do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phát hành, phân bổ cho các nước thành viên một lượng theo tỉ lệ phần đóng góp vốn của mình vào Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Đồng thời công nhận vai trò ngày càng tăng của các đồng tiền này trong nền kinh tế thế giới.
Ông Sarkozy cũng đồng thời hối thúc việc mở rộng việc sử dụng Quyền rút vốn đặc biệt này như một loại tiền dự trữ toàn cầu có thể thay thế dần đồng đô la Mỹ. Tổng thống Pháp cũng kêu gọi mở rộng nhóm các nước G7 nhằm mang lại sự ổn định cho nền kinh tế toàn cầu.
Trên cương vị Chủ tịch G-20, ông Sarkozy cũng đã thể hiện sự đoàn kết của diễn đàn các nền kinh tế hàng đầu thế giới này đối với Nhật Bản sau trận động đất kinh hoàng kéo theo sóng thần xảy ra ngày 11/3 vừa qua tại nước này.