Nhà sát bên người bị dịch nhưng khai cách 2 km
Trung tuần tháng 2, gia đình 4 người của anh Nguyễn Quốc Ng. (33 tuổi, xã Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), về quê vợ ở xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc để tránh dịch. Lúc này, tâm dịch Sơn Lôi đang bùng phát mạnh, toàn xã đã bị cô lập, hạn chế đến mức cao nhất người ra vào.
Nhận được thông tin có gia đình đến từ vùng dịch, nhà chức trách huyện Nghi Lộc cũng như xã Nghi Xuân đã phải rốt ráo phun hóa chất khử trùng toàn xóm, đồng thời triển khai việc cách ly. Trong thời gian cách ly 14 ngày, chính quyền đã cung cấp nhu yếu phẩm. Nhưng không ai ngờ, gia đình này lại khai báo y tế gian dối.
“Lúc gặp gia đình này ban đầu thì họ khai ở Sơn Lôi, nhà họ cách rất xa người bị bệnh Covid-19, khoảng 2 km. Nhưng khi đã cách ly xong 14 ngày thì họ mới thừa nhận, ở Sơn Lôi gia đình mở tiệm bán tạp hóa và ngay bên cạnh nhà có người bị dương tính”, một lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Nghi Lộc kể.
Thời gian qua, có thể nói cả hệ thống chính trị đã phải vào cuộc phòng, chống dịch Covid-19. Nỗ lực đó đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều trường hợp chỉ vì sự ích kỷ của bản thân, vì không muốn phải cách ly đã gian dối khi khai báo y tế. Chỉ vì một vài cá nhân, nỗ lực của cả đất nước trong gần 2 tháng trời đã đổ xuống sông, xuống biển trong chốc lát.
Trong số này, Nguyễn Hồng Nhung (26 tuổi, Hà Nội), là một ví dụ điển hình. “Bệnh nhân số 17” này nhập cảnh ngày 2/3, không khai báo y tế mặc dù tình trạng sức khỏe khi ấy không tốt và đã đi tới Anh, Pháp, Italy là vùng có bệnh nhân Covid-19. Để rồi, tiểu thư này đã lây lan dịch bệnh cho hàng loạt người. Chỉ sau ít ngày, hàng nghìn người trên cả nước đã phải cách ly dưới nhiều hình thức. Và dịch bệnh được dự báo vẫn còn diễn biến xấu sau vụ việc này.
Bác sỹ Nguyễn Xuân Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, nếu cô Nhung khai báo trung thực, chính xác thì đã được cơ quan chức năng cách ly ngay từ khi bước xuống máy bay. Hậu quả cũng không phức tạp như hiện tại.
Trước đó, một cô gái ở Bình Dương từ tâm dịch thành phố Daegu, Hàn Quốc, trở về nước cũng đã khai dối là về từ thành phố Busan. Sau khi nhập cảnh thành công, cô livestream khoe và bày cách khai báo y tế sai để trốn cách ly.
Không thể trông chờ vào sự trung thựcTrao đổi về vấn đề này, ông Luyện Văn Trịnh - Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế Nghệ An) cho rằng, thời gian tới cần tăng cường kiểm soát để phát hiện sớm những trường hợp khai báo gian dối. Mặc dù công việc này được dự báo rất khó khăn, phụ thuộc nhiều vào sự ý thức của mỗi người dân.
“Nếu người lao động từ nước ngoài về ngoài hộ chiếu còn có thẻ lao động, trên đó ghi rõ làm việc chỗ nào, có phải từ vùng dịch về hay không. Còn những người đi hội thảo ở nước ngoài về thì có thẻ hội thảo, ghi rõ địa điểm. Chúng ta cần căn cứ vào những hồ sơ này để kiểm soát”, ông Trinh nói và cho hay, tuy nhiên có nhiều trường hợp rất khó kiểm soát đó là đi du lịch ở nước ngoài về. Đặc biệt là ở các nước EU, nơi mà có thể qua lại giữa các nước dễ dàng.
Hiện nay, nhiều cách chống gian lận khai báo y tế cũng đã được áp dụng tại các cửa khẩu như đối chiếu thông tin khai báo giấy tờ cá nhân, thẻ lưu trú. Nhân viên kiểm dịch cũng khai thác sâu về tiền sử dịch tễ, phối hợp với công an điều tra về quá trình di chuyển, xác minh thông tin trên tờ khai y tế thông qua bên thứ ba...
Trong khi đó, ông Võ Văn Thắng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nghi Lộc cho rằng, không thể cứ trông chờ vào sự trung thực của người dân. Bởi tâm lý của nhiều người muốn giấu giếm bản thân đến từ vùng dịch để trốn tránh việc cách ly, cũng như sợ bị người dân xung quanh kỳ thị.
Theo ông Thắng, hiện nay cần phải cử từng tổ công tác đến từng nhà dân có người đang ở nước ngoài để thu thập thông tin, lập danh sách cụ thể. Để khi những người này về nước, sẽ dễ dàng phân loại để cách ly theo đúng với quy định. Trong quá trình thu thập, phải tuyên truyền để người dân biết được việc khai báo không trực thực sẽ bị xử phạt.
“Chúng ta phải dựa vào các quy định của pháp luật, vì trên thực tế đã có luật rõ ràng. Nhưng luật chưa phổ biến nên người dân họ không biết”, ông Thắng nói.
Theo đó, từ đầu tháng 2/2020, Thủ tướng đã ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra nên các hành vi trốn tránh các biện pháp phòng tránh dịch bệnh đều bị xử lý. Mặt khác, Bộ Y tế đã bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A. Đây là các bệnh đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây lan rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Cụ thể, Điều 10, Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng.
Còn theo quy định tại Điều 8, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 thì hành vi “Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật” là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Do đó, các hành vi trốn tránh các biện pháp phòng tránh dịch bệnh đều bị xử lý. Tùy tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hay xử lý hình sự.
Theo Điểm a, Khoản 2, Điều 6, Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định “Che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A” sẽ bị phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng.
Về trách nhiệm hình sự, theo Điểm c, Khoản 1, Điều 240 BLHS 2015, người nào thực hiện “Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” thì bị phạt tiền 50 - 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù 1-5 năm. Nếu hậu quả làm chết người thì khung hình phạt là bị phạt tù 5-10 năm. Nếu hậu quả làm chết 2 người trở lên thì khung hình phạt là bị phạt tù 10-12 năm (Điều 240 BLHS). Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.