Hãng RT vừa tiết lộ thông tin chấn động rằng, Na Uy đã phát hiện F-35 nước này đã âm thầm gửi thông tin mật về thẳng nhà sản xuất tại Mỹ.

Nguồn tin cho biết, hiện nay Không quân Na Uy đã nhận được 3 trong tổng số 40 tiêm kích F-35 đặt hàng từ nhà thầu Lockheed Martin.

Theo Giám đốc chương trình F-35 của Na Uy, Thiếu tướng Morten Klevar, mẫu máy bay này là một nhân tố quan trọng trong quá trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang, đồng thời thể hiện khả năng bảo vệ lợi ích quốc gia và đồng minh.

Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, giới chức Na Uy mới đây đã phát hiện các tiêm kích F-35 đang âm thầm chuyển một lượng lớn thông tin nhạy cảm về các máy chủ của nhà sản xuất Lockheed Martin ở Texas sau mỗi chuyến bay bất kể huấn luyện hay diễn tập chiến đấu.

image_8772726.jpgTiêm kích F-35 (giữa).

"Mỗi quốc gia sử dụng F-35 cần có sự sàng lọc dòng thông tin mà máy bay đang chuyển về cho nhà sản xuất", cố vấn Bộ Quốc phòng Na Uy, ông Lars Gjemble cho biết, tuy nhiên, không nói rõ những thông tin nhảy cảm mà nước này phát hiện ra là gì.

Trước khi thông tin chấn động này được công khai, theo Flightglobal, hàng loạt quốc gia đồng minh của Mỹ đã bày tỏ quan ngại rằng với hệ thống xử lý thông thông tin tự động đặc biệt, F-35 có thể trở thành gián điệp cho Mỹ.

Nguồn tin này cho biết, hệ thống phần mềm trên F-35 hiện tại cho phép ghi lại toàn bộ thao tác của phi công và máy bay, cũng như các thông tin về chỉ số sinh tồn của thiết bị. Sau khi hạ cánh và kết nối với hệ thống quản lý hậu cần, toàn bộ thông tin này được tự động hóa phân tích sơ bộ và sau đó chuyển về hệ thống máy chủ của hãng Lockheed Martin.

Vấn đề khiến những nước mua F-35 đặc biệt quan ngại là ngoài thông tin về tình trạng kỹ thuật của các thiết bị, nhiều thông tin đặc biệt liên quan tới hoạt động tác chiến, thông tin bay cũng được chuyển về Mỹ. Hệ thống xử lý thông tin trên được biết tới với tên gọi ALIS.

Trước tình trạng này, những khách hàng đặt mua F-35 cho rằng việc thu thập các thông tin liên quan tới hàng không quân sự có thể gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của họ. Để làm yên lòng đồng minh của Mỹ, hãng Lockheed Martin khẳng định, vấn đề sẽ được giải quyết bằng cách phát triển hệ thống "tường lửa" Sovereign Data Gateway - SDG giữa máy bay F-35 với hệ thống máy chủ ALIS ở Texas.

Theo nhà sản xuất, các thông tin của máy bay F-35 sẽ được SDG xử lý. Tức là chuyên gia quân sự nước sở tại có thể can thiệp xóa bỏ các thông tin liên quan tới bí mật quân sự, trước khi thông tin này được chuyển về máy chủ ALIS ở Mỹ.

Tuy nhiên, một số chiến lược gia quân sự cho rằng, hệ thống ALIS hiện được coi là khuyết điểm lớn nhất trên dòng chiến đấu cơ F-35 mà Lockheed Martin vẫn chưa có cách nào khắc phục được. Những vấn đề với ALIS đang đặt 2.500 máy bay F-35 này trước nguy cơ không được tung hoành trên bầu trời, CNN dẫn nguồn từ Không quân Mỹ.

ALIS, được Lầu Năm Góc ví như "bộ não" của F-35, là một hệ thống phức hợp lớn bao gồm toàn bộ chuỗi cung ứng hỗ trợ bảo trì và sửa chữa gồm các thiết bị điện toán cần thiết nhằm đảm bảo các linh kiện đã được lắp đặt đúng cách trước khi cất cánh.

Theo bình luận viên quốc phòng kỳ cựu Zachary Cohen, vướng mắc hiện nay nằm ở chỗ thiếu một hệ thống kiểm tra nhằm đảm bảo phần mềm của F-35 hoạt động trơn tru khi những chiếc máy bay này đã được trang bị cho Không quân Mỹ và một số khách hàng từ cuối năm 2016.

Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ tuyên bố đang có kế hoạch nâng cấp và xử lý các vấn đề về phần mềm của phi đội máy bay F-35. Các phi đội này đã được đưa vào hoạt động từ tháng 7/2015. Tuy nhiên, Văn phòng Kiểm toán Chính phủ Mỹ (GAO) cho hay không có gì đảm bảo rằng phần mềm này sẽ hoàn thành trước năm 2019.

Không giống như các phần cứng của máy bay như khung cánh hay động cơ, phần mềm điều khiển được cài vào các máy tính đặt tại trung tâm chỉ huy để hỗ trợ triển khai hoạt động tác chiến, bảo trì, bảo dưỡng...

GAO nhận định Bộ Quốc phòng Mỹ không có một kế hoạch đảm bảo rằng hệ thống phần mềm trên sẽ hoạt động trơn tru và đúng thời hạn để F-35 có thể được sản xuất hàng loạt. Đây là yêu cầu chung đối với mọi chương trình vũ khí để bảo đảm rằng các thiết bị này hoạt động ổn định và có hệ thống hỗ trợ hậu cần đáng tin cậy.

Nếu không giải quyết được những trục trặc về phần mềm trên thì toàn bộ các siêu chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 này sẽ bị "đắp chiếu", GAO cảnh báo. Để giải quyết được các vấn đề kỹ thuật phát sinh này, GAO ước tính sẽ cần đầu tư thêm 20-100 tỷ USD.

Theo Baodatviet

TIN LIÊN QUAN