(Baonghean) - Công trình hồ đập xuống cấp, hệ thống kênh mương cấp I nhất là kênh đất ở các vùng hồ sạt lở, bồi lắng, khó khăn trong điều hành nước tưới; tình trạng lấn chiếm hành lang, dòng chảy, lòng hồ công trình thủy lợi … đó là những tồn tại hạn chế trong dịch vụ thủy nông mà cử tri một số xã thuộc huyện Nghi Lộc kiến nghị, phản ánh trong thời gian gần đây…Đã nhiều năm nay, hệ thống kênh tưới trạm bơm Thọ Sơn ( kênh N2) đi qua địa bàn xã Nghi Trung (Nghi Lộc) xuống cấp, rò rỉ, thất  thoát nước, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Ông Phạm Văn Chiến - cán bộ nông nghiệp, thủy lợi xã Nghi Trung cho biết: Mặc dù Công ty Thủy lợi Nam đã xử lý đổ bê tông bên trong nhưng tuyến đi qua Nghi Trung quãng chừng 2 km vẫn bị rò rỉ nước, mỗi lần bơm, nước ngập đường, ngập lúa của dân. Cử tri các xã Nghi Trường, Nghi Thịnh cũng phản ánh về  hiện trạng hệ thống kênh tiêu úng vùng màu xuống cấp, sụt lún không phát huy tác dụng tưới, tiêu và còn làm ảnh hưởng đến sản xuất của nhân dân các địa phương.Khắc phục tình trạng xuống cấp hồ đập, kênh mương ở Nghi Lộc ảnh 1               Kênh tưới trạm bơm Thọ Sơn đi qua xã Nghi Trung bị rò rỉ nước.Ông Nguyễn Đức Thọ - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc cho hay: Hầu hết các trạm bơm trên địa bàn huyện và vùng nuôi trồng thủy sản mặn lợ đều lấy nước tạo nguồn từ hệ thống thủy nông nam với tổng diện tích tạo nguồn 5.8000,22 ha. Trong đó, tạo nguồn nước tưới cho lúa ổn định 5.388,98 ha, tạo nguồn nước tưới cho lúa  không ổn định 23,97ha, tạo nguồn tưới cho rau màu mạ 261,9ha, tạo nguồn cho NTTS 125,37 ha. Về tiêu úng ba phần tư diện tích tự nhiên và canh tác của huyện đều tiêu thoát lũ qua hệ thống điều tiết của Công ty Thủy nông Nam. Những năm qua, hệ thống thủy lợi do công ty quản lý đã đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên hiện nay, một số công trình đã xuống cấp, làm suy giảm năng lực tưới, tiêu, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Ngoài hồ Khe Gỗ đã được nâng cấp, hồ Khe Thị 2 mới được đầu tư kết cấu công trình cơ bản kiên cố, các hồ còn lại đầu tư từ những năm 80, xuống cấp nghiêm trọng, lòng hồ bồi lắng, trữ lượng nước giảm, cống lấy nước rò rỉ, nguy cơ mất an toàn hồ đập là rất lớn…Hệ thống kênh Kẻ Gai, Khe Cái để tạo nguồn nước ngọt từ cống bara Nam Đàn đến bara Nghi Quang bị bồi lắng, thu hẹp dòng chảy nên nguồn nước ngọt hàng năm thường bị thiếu, nguy cơ xâm thực mặn là rất cao. Tình trạng vi phạm pháp lệnh bảo vệ công trình thủy lợi, nhất là lấn chiếm hành lang, dòng chảy, lòng hồ diễn ra nhiều như các ao nuôi trồng thủy sản lấn chiếm dòng chảy tại Nghi Quang, Nghi Xá, Nghi Hợp, khu vực ven sông Cấm…Cũng theo ông Thọ thì công tác dịch vụ thủy nông vẫn còn nhiều tồn tại do trách nhiệm phối hợp giữa xã, HTX với Công ty Thủy nông Nam chưa tốt, nhất là lịch trình tưới, điều hành nước. Cán bộ công ty hầu hết chỉ điều hành ngay tại công trình đầu mối, ít kiểm tra hệ thống kênh dẫn, đồng ruộng nên xảy ra hiện tượng nơi thừa nước, nơi thiếu nước, hệ thống thiết bị (máy bơm dầu…), phục vụ công tác chống hạn còn thiếu, không đáp ứng yêu cầu khắc phục hạn hán tại các xã vùng hồ. Việc duy tu, sửa chữa đối với các công trình thủy lợi hàng năm rất ít, kể cả nạo vét, áp trúc, còn xảy ra tình trạng Công ty Thủy lợi Nam không đủ kinh phí để sửa chữa, các xã thì ỷ lại đó là công trình của công ty…Trước thực trạng đó, huyện Nghi Lộc kiến nghị Công ty Thủy nông Nam kiểm tra, đánh giá lại mức độ an toàn hồ đập, có giải pháp khắc phục sự cố, những công trình ách yếu để đảm bảo công tác phòng chống bão lụt, phục vụ sản xuất. Đồng thời, phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các phòng chức năng của huyện rà soát lại toàn bộ hệ thống kênh cấp I do công ty quản lý, nhất là hệ thống kênh đất để nạo vét, áp trúc ngay những tuyến kênh bồi lắng, sạt lở, cống lấy nước bị hư hỏng để có biện pháp sửa chữa theo hướng nơi nào cần máy móc nạo vét áp trúc do công ty đảm nhận; nơi nào nạo vét thủ công thì hàng năm công ty hỗ trợ một phần kinh phí từ nguồn cấp bù thủy lợi phí cho các xã thị trấn để huy động sức dân. Bên cạnh đó chỉ đạo Xí nghiệp Thủy lợi Nghi Lộc, Trạm bơm bara Nghi Quang vận hành hợp lý, linh hoạt để các xã vùng ven sông giảm bớt khó khăn trong sản xuất. Một số xã như Nghi Thịnh, Nghi Hợp, Nghi Trường… kiến nghị đánh giá lại toàn bộ hệ thống kênh tưới Trạm bơm Thọ Sơn để có giải pháp khắc phục, mở rộng vùng tưới cho các xã có kênh dẫn…Trước kiến nghị của chính quyền và cử tri xã Nghi Lộc, ông Cao Xuân Phú - Phó Giám đốc Công ty Thủy lợi Nam cho hay: Thực tế những năm qua, công ty cũng đã ưu tiên tập trung đầu tư kinh phí cho việc sửa chữa nâng cấp hệ thống kênh mương hồ đập do công ty quản lý trên địa bàn huyện Nghi Lộc, nhưng do các công trình thủy lợi đã đầu tư lâu năm lại chịu tác động của thiên nhiên, thời tiết và cả con người trong khi nguồn vốn duy tu bảo dưỡng hàng năm từ ngân sách nhà nước không đủ nên  phải dàn trải nhỏ giọt  rất khó khăn (công ty hiện đang quản lý 12 hồ đập lớn, nhỏ; 35 trạm bơm với hơn 150 km kênh mương trên địa bàn tỉnh), phần lớn kinh phí chỉ đủ cho việc sửa chữa nhỏ. Do thiếu kinh phí đầu tư nên việc sửa chữa, nâng cấp các công trình đã xuống cấp hạn chế, làm suy giảm năng lực tưới, tiêu, khó đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp. Để giải quyết vấn đề này, không chỉ một mình Công ty Thủy lợi Nam mà cần có sự phối hợp của chính quyền địa phương, sự đầu tư tập trung từ ngân sách nhà nước  để có những dự án cải tạo, nâng cấp hồ đập, kiên cố hóa kênh mương qui mô lớn và lâu dài, nhất là hệ thống kênh chính đảm bảo đủ nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Khánh Ly