Tại địa bàn huyện Thanh Chương hiện có khá nhiều trạm bơm dọc sông Lam nhiều tháng qua hoạt động “phập phù” do thiếu nước. Như tại trạm bơm Rạng nằm trên địa bàn xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương tưới cho trên 550 ha, tuy nhiều nhiều thời điểm máy bơm trong tình trạng "treo nồi hông” (cách nhà nông gọi lồng chắn rác của ống hút bị lộ lên khi nước cạn), một số diện tích lúa đã thiếu nước.
Ông Lê Ngọc Hiếu, Cụm trưởng Cụm bơm Rạng (thuộc Công ty TNHH-MTV thủy lợi Thanh Chương) cho biết: "Do nguồn nước sông Lam vừa cạn, vừa bị thay đổi dòng chảy khiến cho 4 trạm bơm trên địa bàn hoạt động rất khó khăn, chỉ biết chờ khi nào phía trên thủy điện xả nước mới có nước bơm. Để đối phó với tình trạng thiếu nước, chúng tôi đã cho lắp thêm 1 trạm bơm dã chiến ở Đồng Hói, bơm nước ở ao hồ lên tưới cho 60 ha".
Đại diện Công ty TNHH Thủy lợi huyện Thanh Chương cho biết thêm: Đơn vị phục vụ nước tưới cho trên 3000 ha lúa, chủ yếu là vùng bơm, hiện nay có 8 trạm bơm nằm dọc sông Lam nhiều tháng qua hầu hết bị “treo nồi hông” do nguồn nước sông Lam cạn kiệtvào trước mùa nắng nóng.
Trước thực trạng trên, để phục vụ tưới, đơn vị đã cho lắp đặt các trạm bơm dã chiến ở các vị trí có nguồn nước sông cụt, khe suối bơm bổ sung. Tiến hành nối thêm ống hút cho các trạm bơm. Đơn vị khuyến cáo các địa phương tổ chức điều tiết nước hợp lý, tăng cường việc đắp bờ giữ nước hạn chế tình trạng thất thoát nước. Để giải quyết tình trạng thiếu nước chúng tôi đề nghị cấp có thẩm quyền yêu cầu các nhà máy thủy điện xả nước để phục vụ tưới lúa xuân.
Cũng nằm trong tình trạng trên, địa bàn các huyện Tân Kỳ, Nghĩa Đàn có 2 trạm bơm nằm dọc sông Con bị “treo nồi hông”, là trạm bơm Gò Vịm xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ) tưới cho 80 ha lúa, trạm bơm Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn) tưới cho 260 ha lúa. Để ứng phó với tình trạng thiếu nước các vùng trên đều phải lắp đặt thêm trạm bơm dã chiến để bơm bổ sung cứu lúa.
Do thời gian dài ít mưa, nên thượng nguồn khe suối ở Quỳ Châu khô cạn, đặc biệt là hệ thống thủy lợi Kẻ Cọc, Khe Nhã, hồ Khe Mó, hồ Khe Hạ xã Châu Tiến đều trơ đáy, dẫn đến 70 ha lúa có nguy cơ thiếu nước, tại huyện Quế Phong, một số diện tích lúa có nguy cơ thiếu nước như xã Tiền Phong, Đồng Văn… Trước thực trạng trên Công ty TNHH-MTV thủy lợi Tây Bắc đã tiến hành lắp 2 máy bơm dã chiến ở xã Châu Tiến (Quỳ Châu) và một máy bơm dã chiến ở huyện Quế Phong.
Nghệ An hiện có trên 600 trạm bơm điện, phục vụ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, trong đó có 50 trạm bơm lấy nước trực tiếp từ các con sông chính như sông Lam, sông Hiếu, sông Con. Năm nay, dự báo vào mùa Hè lưu lượng dòng chảy trên các sông sẽ thấp. Điều đó cũng đồng nghĩa với vụ lúa xuân nguy cơ hạn hán tại các vùng trạm bơm điện lấy nước từ các dòng sông chính sẽ rất lớn.
Hạn hán khốc liệt, cá chết khô ở Nghệ An
Nghệ An: Tập trung cứu lúa vùng hồ chứa và cuối nguồn trong hạn hán