(Baonghean.vn)- Cử tri phản ánh: Việc cấp nguồn kinh phí để thực hiện chế độ bảo trợ xã hội theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP thường rất chậm, gây bất bình cho người dân. Đề nghị các ngành chức năng sớm có giải pháp khắc phục tình trạng trên.
Vấn đề này, ngành chức năng trả lời như sau:
-Về thực hiện chính sách bảo trợ xã hội theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/01/2013 của Chính phủ:
Ngày 21/01/02013, Chính phủ ban hành Nghị định số 136/2013/NĐ-CP Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2014 thay thế cho một số nghị định trước đây.
Tuy nhiên, do ngân sách trung ương còn gặp nhiều khó khăn nên mới thực hiện tăng một phần chế độ theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP trong năm năm 2015, các nội dung còn lại thực hiện trong năm 2016.
-Về cơ chế chi trả:
Do kinh phí thực hiện thời kỳ ổn định ngân sách từ 2011 đến 2016 nên Ngân sách Trung ương bố trí ngân sách cho địa phương thực hiện các nhiệm vụ chi, trong đó có chính sách bảo trợ xã hội theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP theo mức đã bố trí từ năm 2011.
Đối với phần chênh lệch giữa nhu cầu thực hiện và kinh phí bố trí đầu năm, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ cho tỉnh sau khi tỉnh có báo cáo chi thực tế (Năm 2016 dự kiến nhu cầu thực hiện là 635.266 triệu đồng; ngân sách trung ương bố trí trong dự toán đầu năm: 361.398 triệu đồng).
Mặt khác, do đến năm 2015 mới triển khai thực hiện một phần Nghị định số 136/2013/NĐ-CP nên việc rà soát đối tượng thụ hưởng chính sách phải thẩm định lại từ xóm đến tỉnh. Quá trình thực hiện rà soát và phê duyệt lại đối tượng và mức thụ hưởng kéo dài đã ảnh hưởng đến công tác tổng hợp nhu cầu kinh phí báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm định và hỗ trợ nguồn kinh phí chi trả cho các đối tượng.
Để khắc phục tình trạng chi trả chậm cho các đối tượng thụ hưởng chính sách tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP, trong năm 2015 Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng phầm mềm quản lý các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Để tăng cường công tác quản lý đối tượng, xây dựng dự toán, báo cáo với Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chính xác, kịp thời nhu cầu kinh phí thực hiện. Đồng thời, tham mưu lãnh đạo Tỉnh làm việc trực tiếp với các Bộ có liên quan để bổ sung kịp thời nguồn kinh phí để chi trả cho các đối tượng thụ hưởng.
PV ( TH)