(Baonghean) - Ở xóm 9, xã Cát Văn (Thanh Chương) có người phụ nữ mang nặng nỗi đau chiến tranh khi ba người anh trai không về. Nỗi đau ấy lớn dần theo năm tháng, trở thành nỗi khắc khoải trong tim.
Ngôi nhà nhỏ của bà Nguyễn Thị Xuân dành nơi trang trọng nhất để treo ảnh thờ của mẹ và các anh trai. Bà tâm sự: “Mẹ của tôi là Mẹ Việt Nam anh hùng, 3 người anh của tôi đều hy sinh ở chiến trường miền Nam, cả 3 người đều chưa tìm thấy mộ. Những ngày cuối đời mẹ cứ khắc khoải điều này và ngỏ ý muốn tôi tiếp tục tìm kiếm. Nhưng chiến trường rộng lớn với bao thay đổi, nghĩa trang với vô số bia mộ chưa biết tên, biết các anh ở chốn nào mà tìm?”.
Cụ Nguyễn Thị Hồ (SN 1911) – mẹ bà Xuân gặp phải nỗi bất hạnh khi chồng qua đời sớm, cậu con trai Hoàng Đình Mạo lúc ấy còn nhỏ tuổi. Cảnh mẹ góa, con côi khiến người mẹ trẻ quyết định đi bước nữa và lần lượt sinh thêm 3 người con: Nguyễn Duy Viện, Nguyễn Duy Tiếp và Nguyễn Thị Xuân. Những người con của cụ đều lớn lên trong cảnh chiến tranh.
Cả 3 người con trai của cụ lần lượt lên đường tòng quân, vượt dãy Trường Sơn vào miền Nam chiến đấu. Những lần tiễn con đi, người mẹ ở làng quê Cát Văn đều ngậm ngùi rơi lệ, thầm mong các con được bình an, tránh được hòn tên, mũi đạn. Cuộc chiến tàn khốc, càng trông ngóng lại càng bặt tăm, rồi người mẹ già ấy lần lượt nhận 3 tờ giấy báo tử...
Ký ức bà Nguyễn Thị Xuân vẫn còn lưu giữ cảnh nghèo của gia đình trong những năm tháng bom rơi, đạn nổ. Anh cả Hoàng Đình Mạo phần lớn sống cùng bên nội nên anh em ít gặp nhau, còn với anh Viện và anh Tiếp sống cùng một mái nhà tranh với bao kỷ niệm tuổi thơ êm đềm. Hai người anh luôn yêu chiều em gái út, thường đỡ đần mọi công việc và dạy em tập viết.
Anh Viện lên đường trước, lúc chia tay còn dặn hai em chăm giúp mẹ việc nhà. Anh Tiếp một buổi đến trường, một buổi vào rừng đốn củi về bán, tự lo tiền học và tiền mua sách vở, quần áo cho cả hai anh em. Anh mong ước trở thành thầy giáo để dạy chữ cho trẻ em nghèo. Nhưng cuộc chiến ngày một khốc liệt, anh Tiếp phải tạm gác lại ước mơ để lên đường đánh giặc.
Nắm chặt tay em gái, người anh như rưng rưng: “Vậy là các anh đều đi chiến trường, chiến tranh không nói trước được điều gì, tất cả lại dồn lên vai em gái, cố gắng em nhé...”. Ba người anh vào chiến trường, bà Xuân và người mẹ già tiếp tục sống những ngày vất vả, khó khăn, lòng mang nặng nỗi thấp thỏm, lo âu và đợi chờ, hy vọng.
Mùa Xuân năm 1972, một điều bất ngờ đã đến khi anh Viện và anh Tiếp ở hai đơn vị khác nhau nhưng được về phép một lúc. Mẹ già và em gái mừng vui khôn xiết, bà Xuân tìm xà phòng thơm để giặt những bộ quân phục lấm bụi đường và khâu lại những chỗ sờn rách, gửi gắm bao niềm yêu thương. Mấy ngày sau, hai anh lại lên đường, ra tận cánh đồng xa vẫn ngoái nhìn về mái nhà tranh của mẹ...
Cụ Nguyễn Thị Hồ lại tiếp tục chuỗi tháng năm đợi chờ và hy vọng, ngày thống nhất đất nước vẫn không thấy các anh về, tin tức cũng như bóng chim, tăm cá. Người chồng thứ hai qua đời đã lâu, con trai cả Hoàng Đình Mạo có giấy báo tử đã mấy năm, còn Nguyễn Duy Viện và Nguyễn Duy Tiếp đang ở đâu mà không thấy về, cũng không thư từ cho mẹ và em?
Năm 1976, cụ lần lượt nhận 2 giấy báo tử, nỗi đau như xé nát tâm can. Từ đó, người mẹ thẫn thờ như chiếc bóng, sáng – chiều bước ra ngõ đứng chờ con. Năm 2002, cụ Nguyễn Thị Hồ bước vào tuổi 91, không còn đủ sức đợi chờ nên đã về cùng tiên tổ. Trước lúc qua đời, cụ nắm lấy tay con gái dặn dò: “Nếu có dịp, con hãy đi tìm và đưa các anh về...”.
Thực hiện nguyện ước của mẹ trước lúc qua đời, bà Xuân đã đi khắp nơi dò tìm đồng đội của các anh, vài ba lần vào rừng núi Quảng Trị - Thừa Thiên Huế tìm mộ chí. Nhưng chiến trường giờ cảnh vật đã khác, không còn vết tích năm xưa, những khu nghĩa trang cũng đã bao lần di dời, cải tạo.
Tìm mộ chí của một người không hề có dữ liệu chỉ dẫn đã là quá khó, đằng này bà Xuân phải tìm mộ của 3 người anh thật khó hơn mò kim nơi đáy bể. Một lần, theo đơn vị của anh Tiếp vào Trị - Thiên thăm chiến trường xưa, bà mất cả một ngày vẫn không thể lần tìm hết những tấm bia mộ.
Giữa vô vàn ngôi mộ chưa biết tên, bà chợt gào lên: “Các anh ơi! Các anh ở đâu hãy chỉ lối cho em, để em đưa về với bố mẹ!”. Đáp lại chỉ có tiếng rặng thông reo trong gió, mấy chú chim sẻ đang tìm mồi chợt vỗ cánh bay đi... Mỗi chuyến đi như thế, bà Xuân nặng trĩu nỗi lòng lúc trở về, những tiếng thở dài như tiếng lòng khắc khoải suốt cả hành trình.
Năm nay đã sang tuổi 63, thời gian và gánh nặng cuộc đời khiến bà Nguyễn Thị Xuân gần như đã kiệt sức, trong khi mộ chí của ba người anh liệt sỹ vẫn còn nằm đâu đó nơi mảnh đất miền Nam. Thời gian càng lùi xa, việc kiếm tìm ngày một khó, nỗi khắc khoải càng dày thêm.
Công Kiên