Cách đây 35 năm, ngày 2/7/1976, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI đã quyết định đặt tên nước ta là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Lần đầu tiên, tên nước Việt Nam đã thể hiện được tính thống nhất, khát vọng hòa bình của một dân tộc vừa bước ra từ chiến tranh và niềm tin hướng tới một xã hội văn minh, giàu mạnh.

 

Sau đại thắng Mùa Xuân (1975), Tổ quốc Việt Nam đã được thống nhất, non sông thu về một mối. Tuy nhiên, trong năm đầu sau Ngày thống nhất, về mặt thể chế chính trị, chúng ta vẫn chưa có một nhà nước chung, do nhân dân bầu ra thông qua phổ thông đầu phiếu. Hội nghị lần thứ 24 BCH TW Đảng Lao động Việt Nam (9/1975) đã đề ra nhiệm vụ hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước. Hội nghị nhấn mạnh: "Thống nhất đất nước vừa là nguyện vọng tha thiết nhất của nhân dân cả nước, vừa là quy luật khách quan của sự phát triển cách mạng Việt Nam, của lịch sử dân tộc Việt Nam".

Kết tinh ý Đảng - lòng dân ảnh 1

Đồng chí Phan Đình Trạc - Bí thư Tỉnh ủy nói chuyện với cử tri huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Thanh LêTừ ngày 15 - 21/11/1975, Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất đất nước ta đã diễn ra tại Sài Gòn. Hội nghị tiến hành thảo luận và đi đến nhất trí hoàn thành tất cả vấn đề về chủ trương, biện pháp nhằm thống nhất đất nước về mặt Nhà nước.

Ngày 25/4/1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung được tiến hành trong cả nước. Đây là lần thứ hai cuộc Tổng tuyển cử được tổ chức trong cả nước sau lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 6/1/1946. Hơn 23 triệu cử tri đã đi bầu và bầu ra 492 đại biểu.

Từ ngày 14/6 đến ngày 2/7/1976, Quốc hội nước Việt Nam thống nhất với 492 đại biểu, được gọi là Quốc hội khóa VI đã họp kì đầu tiên tại Hà Nội. Các vấn đề được các đại biểu tranh luận sôi nổi là : tên nước, thủ đô, Quốc kỳ, Quốc ca...

Xung quanh vấn đề tên nước, có nhiều ý kiến khác nhau nhưng tập trung ở hai luồng cơ bản: Một là nên giữ lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Bác đặt từ năm 1946, hai là đặt tên mới Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN). Nhiều đại biểu muốn giữ lại tên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) vì cho rằng nội hàm của nó "rộng rãi" hơn. Ngoài ra, về mặt tình cảm, người ta muốn giữ tên cũ hơn vì đó là tên Bác Hồ đặt. Tuy nhiên, cái tên này không được đa số các đại biểu miền Nam tán thành.

Và cái tên CHXHCNVN là giải pháp tối ưu nhất, vừa định hướng mục tiêu xây dựng CNXH, vừa mang ý nghĩa tên mới chung cho hai nhà nước vừa sáp nhập. Cho nên, ngoài ý nghĩa chính trị, đó chính là "giải pháp lòng người". Hơn thế, mục tiêu của cách mạng Việt Nam là phải đưa đất nước từ cách mạng dân tộc, dân chủ tiến lên CNXH trên toàn lãnh thổ, do vậy cái tên CHXHCNVN phù hợp với nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới. Chính cái tên đó đã khẳng định lại một lần nữa con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn và khẳng định ngay trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng: "Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản", có nghĩa là "độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội". Con đường đó phù hợp với lịch sử dân tộc và xu thế phát triển của thời đại.

Từ ngày 2/7/1976, Quốc hội quyết định lấy tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quốc kỳ là lá Cờ đỏ sao vàng, Quốc ca là bài Tiến quân ca, Quốc huy mang dòng chữ "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Có thể nói việc thảo luận đặt tên nước, chọn Quốc kỳ, Quốc ca... khi ấy thể hiện tính thống nhất cao, kết tinh được ý nguyện của toàn Đảng, toàn dân xóa được sự chia cắt nhiều năm của đất nước. Sau 35 năm, tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn vang vọng, vừa nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam về những năm tháng hào hùng của dân tộc trong Thế kỷ XX để đi tới hòa bình, thống nhất về mọi mặt; vừa hướng tới xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa công bằng, dân chủ, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.

Minh Quân