(Baonghean.vn) - Từ phường Quang Trung, hệ thống kênh thoát nước đi qua các phường Đội Cung, Cửa Nam rồi đổ ra sông Cửa Tiền. Nằm ở cuối nguồn kênh, khối 9 phường Cửa Nam là nơi ứ đọng nguồn rác thải sinh hoạt, tập trung nguồn nước ô nhiễm, thường xuyên bốc mùi hôi thối nồng nặc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân. Không những thế, một con mương khác trong lòng khối 9 có vai trò lớn trong việc tiêu úng nước lại đang bị một số hộ dân ngang nhiên lấn chiếm, xây dựng các công trình vệ sinh, làm hẹp dòng chảy, gây ứ ngập nước nghiêm trọng trong mùa mưa. Ông Đinh Hồng Phán ở tổ dân cư số 4, khối 9, phường Cửa Nam, cho biết: dòng kênh này chảy sát nhà dân, tình trạng ô nhiễm do nguồn nước thải sinh hoạt đã có cách đây gần 20 năm nhưng khoảng 10 năm lại đây, tình hình càng trở nên thậm tệ. Nước mương đen ngòm, dọc theo bờ kênh chi chít những ống dẫn nước thải sinh hoạt xả xuống kênh. Nhiều hộ dân thiếu ý thức còn vứt rác thải xuống kênh, rác thải đã ứ đọng thành cồn, gây tắc nghẽn dòng chảy, đủ thứ loại rác thải, từ rác sinh hoạt đến rác xây dựng và cả xác súc vật, gia cầm. Đoạn kênh chỉ chảy qua địa phận khối 9 khoảng gần 300m trước khi hòa vào kênh Nhà Lê, ra sông Cửa Tiền nhưng hàng trăm hộ dân đang ngày ngày phải sống chung với ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Mùa hè, nhà nào nhà nấy cửa đóng then cài, thậm chí nhét dẻ ướt bịt kín khe cửa để giảm bớt mùi hôi thối.  Kênh thoát nước Khối 9 phường Cửa Nam ô nhiễm nghiêm trọng ảnh 1            Kênh thoát nước đi qua phường Cửa Nam bị ô nhiễm nghiêm trọng.Ông Đinh Hồng Phán cho biết thêm: tổ, khối đã nhiều lần kiến nghị nhưng các cấp chính quyền vẫn “án binh bất động”. Thậm chí, bà Phạm Thị Châu đã có đơn kêu cứu lên chính quyền thành phố nhưng đã nhiều năm nay, tình hình chẳng có gì thay đổi. Ông Phan Đức Bảo, khối phó, tổ trưởng tổ an ninh khối 9 phàn nàn: điều làm ban điều hành khối đau đầu nhất lâu nay chính là tình trạng các hộ dân lấn chiếm lòng kênh, mương xây dựng ốt tạm, thậm chí các công trình kiên cố ngay trên lòng mương thoát nước. Ngoài dòng kênh kể trên, từ những năm 1960 đã tồn tại một con mương thoát nước có độ dài chừng 300m, rộng từ 1,2 – 1,5m, bắt nguồn từ ngõ 5 đến đường Đặng Thái Thân bây giờ. Hiện nay, chiều dài con mương vẫn được giữ nguyên, tuy nhiên chiều rộng chỉ còn chừng 0,5 - 0,6m do một số hộ dân lấn chiến, xây kè, tự ý xây dựng các công trình dân sinh. Một số đoạn, thậm chí dấu tích con mương dường như biến mất bởi nó nằm hoàn toàn dưới lòng đất, trong nhà của một số hộ dân. Điều tệ hại là, các hộ dân sau khi lấn chiếm lòng mương lại tự ý xây dựng các công trình vệ sinh không đảm bảo môi trường, xả thẳng xuống lòng mương.  Nhà tạm được dựng lên trên dòng kênh còn bên dưới là vô số vòi nước sinh hoạt của các hộ dân được thải ra mỗi ngày.Ông Ngô Quốc Dũng, sống tại tổ 1, khối 9, phường Cửa Nam cho biết: Con mương này có từ năm 1960, có tác dụng thoát nước từ khu vực dân cư khối 9 ra sông cửa Tiền. Hiện nay, một số hộ dân đã lấn chiếm quá mức khiến lòng mương hẹp lại, gây tắc ứ dòng nước. Nhiều hộ gia đình còn xây dựng “cầu tỏm” (nhà vệ sinh xả thẳng trực tiếp xuống mương), mùa nắng mùi bốc lên không thể chịu nổi, còn mùa mưa, nước tràn vào nhà dân, bẩn thỉu và hôi thối. Nhà chị Vinh cạnh nhà tôi, do chưa có điều kiện nâng cao nền nên mỗi khi động trời, mưa nhỏ thì dòi bọ từ mương chui ra bò khắp nhà. Còn những hôm trời mưa to, nhiều nhà dân ở đây bị ngập nước. Chúng tôi đã có nhiều đơn thư gửi các cấp yêu cầu giải quyết nhưng đã hàng chục năm nay rồi, chẳng có cấp chính quyền nào đứng ra giải quyết. Ông Trần Văn Trí - Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Nam, cho biết: Tình trạng ô nhiễm trên dòng kênh chảy qua phường diễn ra từ khá lâu, UBND phường đã nhiều lần thuê nhân công vớt bèo, rác thải để giảm ô nhiễm môi trường. Phường cũng đã có kiến nghị với UBND Thành phố và Thành phố cũng đã tiến hành nạo vét mỗi khi có kiến nghị của phường và người dân, chúng tôi đang chờ dự án tài trợ của WB. Chúng tôi tiếp tục kiến nghị với các cấp có thẩm quyền sớm thực hiện dự án nạo vét Hồ Thành để khơi thông dòng chảy, giảm ô nhiễm môi trường trong lòng khu dân cư.