Kê huyết đằng có vị đắng, chát, hơi ngọt, tính ẩm không độc, có tác dụng bổ khí huyết, thông kinh lạc, mạnh gân xương, điều hòa kinh nguyệt.
Kê huyết đằng còn gọi là cây máu gà, hồng đằng, huyết rồng, hồng đằng, hoạt huyết đằng, dây máu người…, có tên khoa học làSargentodoxa cubeata.
Kê huyết đằng là một dây leo, thân gỗ to, khỏe, hình tròn dẹt, mặt cắt có 2-3 vòng gỗ đồng tâm hoặc không đồng tâm và có nhiều nhựa mầu đỏ nâu. Thân và lá non có lông tơ mịn. Lá kép gồm 3 lá chét, lá giữa to hơn, cuống lá kép dài.
Cụm hoa màu đỏ mọc ở kẽ lá thành chùm chùy. Quả đậu dẹt. Dược liệu kê huyết đằng là thân già được thu hái tốt nhất vào tháng 8-10, chặt về cạo sạch vỏ ngoài, thái phiến mỏng, phơi hoặc sấy khô.
Theo Đông y, kê huyết đằng có vị đắng, chát, hơi ngọt, tính ẩm không độc, có tác dụng bổ khí huyết, thông kinh lạc, mạnh gân xương, điều hòa kinh nguyệt, đau mình mẩy, phong thấp đau lưng, đau xương khớp, chấn thương tụ máu, kinh nguyệt không đều, thống kinh.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 12 - 40g, dạng thuốc sắc hay rượu thuốc. Sau đây là một số công dụng của kê huyết đằng:
- Chữa thiếu máu hư lao: Kê huyết đằng 200-300g, tán nhỏ, ngâm với 1 lít rượu trong 7-10 ngày. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 25 ml. Dùng riêng hoặc phối hợp với nhiều vị thuốc khác như Thục địa, Đan sâm, Hà thủ ô đỏ (liều lượng bằng nhau). Còn có thể dùng cao đặc cô từ nhựa, mỗi ngày 2-4g, pha với rượu uống.
- Chữa đau dây thần kinh hông: Kê huyết đằng 20g, ngưu tất 12g, hồng hoa 12g, đào nhân 12g, nghệ vàng 12g, nhọ nồi 10g, cam thảo 4g. Sắc với 500ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày.
- Chữa đau các khớp tứ chi: Kê huyết đằng, ngũ gia bì hương, độc hoạt, uy linh tiên, tang chi (mỗi vị 10 -12g). Sắc uống trong ngày.
- Chữa viêm khớp dạng thấp: Kê huyết đằng, hy thiêm, thổ phục linh, rễ vòi voi mỗi vị 16g; ngưu tất, sinh địa mỗi vị 12g; nam độc lực, rễ cà gai leo, rễ cây cúc ảo, huyết dụ mỗi vị 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
- Chữa kinh nguyệt không đều: Kê huyết đằng 10g, tô mộc 5g, nghệ vàng 4g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc uống làm một lần trong ngày. Phụ nữ có thai không được dùng.
- Chữa tê thấp, nhức mỏi gân xương: Kê huyết đằng 12g, cây mua núi 12g, rễ gối hạc 12g, rễ phòng kỷ 10g, vỏ thân ngũ gia bì chân chim 10g, dây đau xương 10g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, ngâm rượu uống. Ngày 50ml chia làm 2 lần.
- Chữa đau lưng:Kê huyết đằng 16g, rễ trinh nữ 16g, tỳ giải 16g, ý dĩ 16g, cỏ xước 12g, quế chi 8g, rễ lá lốt 8g, thiên niên kiện 8g, trần bì 6g. Sắc uống
- Chữa các chứng khí hư, huyết thiếu, người mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt: Kê huyết đằng 16g, hà thủ ô đỏ 12g, đương quy 12g, nhân sâm 10g, thục địa 12g, đan sâm 12g, sắc đặc, cô thành cao lỏng, ngày uống 1 thìa canh pha với rượu hoặc nước chín để uống.
- Chữa viêm khớp dạng thấp: Kê huyết đằng, hy thiêm, thổ phục linh, mỗi vị 16g; ngưu tất, sinh địa mỗi vị 12g; nam độc lực, rễ cà gai leo, rễ cây cúc ảo, huyết dụ mỗi vị 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
- Chữa đau khớp chân, tay: Kê huyết đằng 16 g, cẩu tích 12g, tục đoạn 12g, xuyên khung 12g, dây đau xương 12g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần.
- Chữa ra mồ hôi tay, chân:Kê huyết đằng 16g, đương quy 16g, bạch truật 12g, hoàng kỳ 12g, ý dĩ nhân 12g, thương truật 10g, sa sâm 12g, hoài sơn 12g, mẫu lệ 10g, sài hồ 10g, ô tặc cốt 10g, quả lá lốt 10g, tỳ giải 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Theo Alobacsi.