Vì muốn về thăm quê, vợ của một điệp viên đã dọa phơi bày thân phận của ông, gây nguy hiểm đến kế hoạch đổ bộ trọng yếu của phe Đồng minh lên Normandy.
Cục Lưu trữ quốc gia Anh hôm 28/9 công bố các tài liệu mật của Cơ quan Tình báo Anh (MI5) liên quan đến điệp viên hai mang người Tây Ban Nha Juan Pujol, làm việc cho MI5 với mật danh Garbo.
Juan Pujol, người điều hành một mạng lưới điệp viên ở Anh, đã cung cấp thông tin giả cho các chỉ huy tình báo Đức quốc xã để họ tin rằng phe Đồng minh sẽ không đổ bộ vào vùng Normandy mà sẽ tiến vào bờ biển tỉnh Pas-de-Calais, miền bắc Pháp. Nhờ đó, phe Đồng minh đã tiến hành thành công chiến dịch đổ bộ tấn công lớn nhất lịch sử vào Normandy ngày 6/6/1944 (còn gọi là D-Day), tạo ra bước ngoặt lớn, góp phần khiến Đức quốc xã sụp đổ và chấm dứt Thế chiến II.
Tài liệu của MI5 cho biết trước khi chiến dịch đổ bộ mở màn, vợ của Juan Pujol là Gonzalez đã đe dọa làm lộ vỏ bọc của chồng, trừ phi cô được phép trở về Tây Ban Nha để thăm mẹ do quá nhớ nhà, theo Ibtimes.
Lúc đó, hai vợ chồng ông cùng đứa con sơ sinh sống ở quận Harrow, tây bắc London. MI5 đã hạn chế cho gia đình rời khỏi nhà vì lo ngại họ bị lộ chân tướng. Gonzalez đã phải chật vật thích nghi với cuộc sống. Cô ghét thời tiết Anh và phàn nàn các món ăn của Anh có "quá nhiều mì ống, quá nhiều khoai tây nhưng lại ít cá". Cô rất nhớ nhà, nhớ những món ăn Tây Ban Nha cũng như buồn rầu và lo lắng trước việc chồng cô thường vắng nhà dài ngày.
Trong một cuộc trò chuyện với Tomas Harris, sĩ quan tình báo quản lý Pujol, Gonzalez đe dọa sẽ phơi bày danh phận thực sự của chồng với đại sứ quán Tây Ban Nha ở Anh. "Tôi không muốn sống thêm dù chỉ 5 phút với chồng tôi", cô gào lên.
"Dù họ có giết tôi đi chăng nữa, tôi vẫn sẽ đi đến đại sứ quán Tây Ban Nha", Gonzalez thách thức.
MI5 lo sợ Gonzalez sẽ tuồn bí mật cho chính quyền phát xít Tây Ban Nha nên họ đã triển khai cảnh sát đến bên ngoài sứ quán này để sẵn sàng ngăn chặn cô.
Harris cho biết Gonzalez "chưa bao giờ muốn thích nghi với cuộc sống ở Anh cũng như cô không có khả năng học tiếng". Chồng cô không cho cô gặp gỡ những người Tây Ban Nha ở London vì sợ cô lỡ miệng làm lộ thân phận.
Theo Harris, "ước muốn trở về nước và đặc biệt là gặp mẹ của cô đã khiến cô mất bình tĩnh. Trong nhiều tháng liền, cô ấy xin tôi sắp xếp cho trở về quê hương dù chỉ trong một tuần". Có lần Gonzalez thậm chí còn bật khóa bình gas trong bếp và dọa tự tử.
Đánh lừa để bịt miệng vợ
Bậc thầy mưu mẹo Pujol đã soạn ra một kế hoạch để khiến vợ ông im lặng. Pujol đã bác bỏ gợi ý của Harris là nói dối với Gonzalez rằng ông đã bị sa thải. Thay vào đó, Pujol khiến vợ mình tin rằng cơn giận dữ của cô đã dẫn đến một cuộc tranh cãi dữ dội giữa ông và nhà chức trách Anh, khiến Pujol bị bỏ tù. Gonzalez được đưa đến một trại giam, nơi chồng cô bị còng tay, bịt mắt, và không được cạo râu trong nhiều ngày.
Sau đó, cô đã gặp cố vấn pháp lý của MI5, thiếu tá Edward Cussen, người thông báo cho Gonzalez rằng Pujol sẽ được phóng thích để tiếp tục sứ mệnh. Tuy nhiên, Cussen cũng nhắc nhở Gonzalez rằng "ông không muốn phí thì giờ cho những người gây phiền hà và nếu tên của cô được đề cập một lần nữa trong các báo cáo gửi đến ông ấy, cô sẽ bị nhốt vào tù", Harris viết.
Theo Guardian, cuối cùng, Gonzalez ký vào bản tuyên bố, hứa rằng cô sẽ ngừng kích động để được phép trở về Tây Ban Nha và sẽ không bao giờ dọa phơi bày danh phận của chồng. Nhờ vậy, Pujol được "thả" và trở lại làm việc cho MI5.
Pujol được ghi nhận là một trong những điệp viên hai mang thành công nhất lịch sử. Tình báo của phát xít Đức thậm chí còn tin tưởng ông đến nỗi họ từng trao tặng ông huân chương. Sau khi Đức quốc xã bị đánh bại, Pujol lại được Anh trao huân chương.
Sau khi Thế chiến II kết thúc, với sự giúp đỡ của MI5, ông tới Angola và giả vờ chết tại đây vì sốt rét. Sau đó, ông định cư ở Venezuela và điều hành một tiệm sách.
Tuy nhiên, cuộc hôn nhân của ông với Gonzalez không kéo dài. Juan Pujol sau này tái hôn và có thêm ba người con. Ông qua đời vào năm 1988.
Theo VNE