(Baonghean) - Sự việc đàn cá sấu của Công ty TNHH kinh doanh và chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Quốc Việt bị sổng chuồng hàng trăm con đang gây ra hoang mang, xáo trộn cho người dân tại Thành phố Cà Mau, thu hút sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua.

Thông tin về việc người dân Thành phố Cà Mau "ra ngõ gặp cá sấu" luôn làm nóng các mặt báo: cá sấu xuất hiện trong vườn nhà dân, cá sấu chui vào chùa (chùa Bửu Hương), cá sấu lững thững đi ngoài đường... Và cao điểm của sự nguy hiểm, là cá sấu vào "tạm trú" ở ao cá Trường Tiểu học Kim Đông, xã Bình Định (TP. Cà Mau), khiến cho hơn 300 em học sinh trường này phải nghỉ học (ngày 15/10/2012), để tiến hành việc vây bắt cá sấu. Rất may, cho đến hôm nay, với sự vào cuộc tích cực của chính quyền và sự cảnh giác cao độ của nhân dân, vẫn chưa có thiệt hại nào về người do cá sấu gây ra.

Tuy nhiên, Công ty TNHH kinh doanh và chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Quốc Việt chắc chắn chịu thiệt hại không nhỏ về kinh tế: tiền thuê vây bắt, tiền chuộc cá sấu... Đó là chưa kể một số cá thể bị chết hoặc thất thoát do không thể tìm kiếm được, những ảnh hưởng về uy tín, thương hiệu của công ty này. Và, vẫn còn đó những ẩn họa khôn lường đối với những cá thể cá sấu bị sổng nhưng không tìm kiếm, vây bắt được. Như vậy, những thiệt hại về kinh tế, về môi trường sống là chuyện có thể nhìn thấy được, nên nước mắt (nếu có) của người bị thiệt hại do nuôi cá sấu bị sổng chuồng là nước mắt thật, chứ hoàn toàn không phải là "nước mắt cá sấu"!

Trong khi số lượng lớn cá sấu bị sổng chuồng vẫn chưa được vây bắt đủ số lượng, người dân TP. Cà Mau chưa hết lo lắng vì có người cho rằng đã nhìn thấy cá sấu bơi trên sông, lực lượng vây bắt đang dùng vịt để câu cá sấu nhưng vẫn chưa có kết quả, thì dư luận lại rộ lên bởi loạt bài viết phản ánh tại xã Đô Thành (huyện Yên Thành) người dân nuôi hổ như nuôi lợn. Những bài báo về câu chuyện người dân xã Đô Thành hồn nhiên nuôi hổ trong nhà để "tăng gia sản xuất" nhanh chóng được các trang báo mạng, trang tin điện tử liên kết kết nối đăng tải một cách đậm đặc.

Có lẽ, bất cứ ai, dù có trí tưởng tượng phong phú đến như tác giả Thi Nại Am, người đã xây dựng câu chuyện trứ danh về anh hùng Võ Tòng trong lúc say rượu, một mình tay không dùng túy quyền giết hổ dữ ở núi Cảnh Dương (tiểu thuyết Thủy Hử), chắc cũng không hình dung nổi có những thường dân chân tay lẻo khoẻo, không võ thuật mà cũng chẳng có võ khí trang bị, lại nuôi "chúa sơn lâm" như nuôi lợn trong nhà, thường ngày vẫn chăm sóc "ông ba mươi" như chăm mèo. Và chuyện "vuốt râu hùm" ở đây là chuyện có thật, chuyện thật như đùa! Người nông dân ở đó đã quan niệm một cách hết sức hồn nhiên, ấu trĩ rằng nuôi hổ chỉ là để tăng gia, để làm giàu. Điều mà họ lo lắng nhất chỉ là lo hổ giống mới mua về bị dịch bệnh mà chết. Rủi ro mà họ sợ nhất là để hổ ốm chết thì lỗ vốn! Còn những chuyện khác, đã có người khác "lo" từ A đến Z. Anh hùng Võ Tòng dám qua núi có hổ dữ vì lúc đó uống quá say rượu. Còn những người dân này không say, nếu say thì chỉ là... say tiền!


Chỉ vì say tiền mà người nuôi hổ bất chấp cả nguy hiểm về tính mạng của chính mình và những người xung quanh. Trộm vía, nếu chẳng may vào một ngày mưa gió bão bùng, chuồng trại hư hỏng, hay một lúc nào đó bản năng tàn sát hung bạo trỗi dậy, những con hổ này bị sổng chuồng thì chẳng biết chuyện gì xảy ra. Nhưng có một điều ai ai cũng biết, đó là hổ thì chắc chắn nguy hiểm hơn cá sấu. Vậy mà không hiểu sao những người nuôi hổ và dân làng vẫn "sống chung với hổ". Bây giờ sự việc đó được đưa ra ánh sáng, chính quyền và các cơ quan chức năng từ T.Ư đến địa phương đã biết và vào cuộc nhưng họ có vào đến chuồng cọp để bắt cọp hay không còn là chuyện mà chúng ta phải chờ đợi (muốn bắt cọp phải vào hang).


Như vậy, trong khi những chủ hộ nuôi cá sấu ở phía Nam đang dở khóc dở mếu vì cá sấu sổng chuồng, thì kinh ngạc thay những hộ dân nuôi hổ trái phép ở xứ Nghệ vẫn đang ung dung "vuốt râu hùm".

Ngô Kiên